Công nghệ chỉnh sửa gene Crispr hoạt động giống như một chiếc kéo nhưng ở cấp độ phân tử. "Chiếc kéo" này có khả năng cắt DNA và loại bỏ hoặc bất hoạt các "thành phần" xấu, trong đó có thể cắt bỏ vi rút HIV.
Vẫn cần xem xét kỹ lưỡng
Hiện nay, các loại thuốc điều trị HIV có thể ngăn chặn nhưng không loại bỏ được vi rút hoàn toàn. Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Amsterdam vừa trình bày bản tóm tắt về những phát hiện ban đầu tại một hội nghị y tế, nhấn mạnh kết quả này chỉ là để chứng minh tính khả thi của một ý tưởng và sẽ không sớm trở thành phương pháp chữa khỏi HIV.
Các nhà khoa học hy vọng cuối cùng có thể loại bỏ hoàn toàn vi rút HIV khỏi cơ thể, mặc dù sẽ cần nhiều bước tiếp theo để kiểm tra xem phương pháp này có an toàn và hiệu quả không.
Tiến sĩ James Dixon, phó giáo sư công nghệ tế bào gốc và liệu pháp gene tại Đại học Nottingham, đồng ý với nhận định này. Ông cho rằng những phát hiện đầy đủ vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng.
"Sẽ cần nhiều công việc hơn nữa để chứng minh liệu kết quả trong các xét nghiệm tế bào này có thể xảy ra trên toàn bộ cơ thể, cho một liệu pháp điều trị trong tương lai hay không. Cần phát triển nhiều hơn nữa trước khi dùng phương pháp này tác động đến những người nhiễm HIV", ông Dixon nói.
Cực kỳ thách thức
Các nhà khoa học khác cũng đang cố gắng sử dụng Crispr để chống lại HIV. Công ty dược phẩm sinh học Excision BioTherapeutics có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) cho biết sau 48 tuần thử nghiệm, ba tình nguyện viên nhiễm HIV không gặp tác dụng phụ nghiêm trọng.
Nhưng tiến sĩ Jonathan Stoye, một chuyên gia về vi rút tại Viện Francis Crick (London), nhấn mạnh việc loại bỏ HIV khỏi tất cả các tế bào có thể chứa nó trong cơ thể là "cực kỳ thách thức".
"Tác dụng ngoài mục tiêu của việc điều trị, với các tác dụng phụ lâu dài có thể xảy ra, vẫn là một mối lo ngại", ông Stoye cảnh báo.
"Do đó, có vẻ như phải mất nhiều năm nữa thì bất kỳ liệu pháp điều trị nào dựa trên công nghệ Crispr mới trở nên phổ biến, ngay cả khi cho rằng phương pháp được chứng minh là có hiệu quả", ông nói thêm.
HIV lây nhiễm và tấn công các tế bào của hệ thống miễn dịch, sau đó tạo ra các bản sao. Ngay cả khi được điều trị hiệu quả, một số sẽ chuyển sang trạng thái ngủ đông. Vì vậy, chúng vẫn chứa DNA, hoặc vật liệu di truyền của HIV, ngay cả khi không tích cực sản xuất vi rút mới.
Hầu hết những người nhiễm HIV cần điều trị bằng thuốc kháng vi rút suốt đời. Nếu ngừng dùng thuốc, vi rút đang ngủ yên có thể hoạt động lại và gây ra vấn đề về sức khỏe.
Một số trường hợp hiếm hoi dường như đã được "chữa khỏi", sau khi sử dụng liệu pháp điều trị ung thư để tích cực tiêu diệt một số tế bào bị nhiễm bệnh, nhưng cách này không bao giờ được khuyến khích chỉ để điều trị HIV.
Năm 2020, Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Hóa học 2020 cho hai nhà khoa học nữ Emmanuelle Charpentier và Jennifer A. Doudna đã phát hiện một trong những công cụ sắc bén nhất của công nghệ chỉnh sửa gene, đó là CRISPR/Cas9.
Các bệnh sử dụng CRISPR/Cas9 đang được thử nghiệm lâm sàng như ung thư, thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh ß-thalassemia và kể cả nhiễm HIV.
CRISPR/Cas9 là hệ thống được ví như hệ miễn dịch của vi khuẩn nhằm chống lại sự xâm nhiễm phân tử DNA ngoại lai từ vi rút hay các plasmid khác. Các nhà khoa học ứng dụng CRISPR/Cas9 để thiết kế hệ thống chỉnh sửa DNA bộ gene theo ý muốn.