Công nghệ

Huawei trỗi dậy mạnh mẽ hậu cấm vận

Tóm tắt:
  • Huawei báo cáo doanh thu năm 2024 đạt 862,1 tỷ NDT, tăng 22,4% so với năm 2023.
  • Lợi nhuận ròng giảm 28% xuống 62,6 tỷ NDT do tăng cường đầu tư.
  • Doanh thu từ hạ tầng CNTT và tiêu dùng chiếm 82%, tăng trưởng nhờ 5G và 5.5G.
  • Huawei phục hồi mảng smartphone với doanh thu tăng 38,3% và ra mắt hệ điều hành HarmonyOS 5.
  • Công ty mở rộng vào lĩnh vực mới như năng lượng và xe điện, doanh thu mảng này tăng 24,4%.

Năm 2024, Huawei ghi nhận doanh thu 862,1 tỷ NDT (118,2 tỷ USD), tăng 22,4% so với năm 2023. Đây là doanh thu cao thứ hai trong lịch sử công ty, theo tính toán của hãng tin CNBC, chỉ kém 891,4 tỷ NDT của năm 2020. Dù vậy, loại nhuận ròng lại giảm 28% xuống 62,6 tỷ NDT trong cùng kỳ do tăng cường đầu tư.

“Ông lớn” công nghệ Trung Quốc đang tìm cách thích ứng để đối phó với các lệnh cấm vận của Mỹ, ngăn chặn họ tiếp cận những công nghệ trọng điểm như bán dẫn.

huawei mwc 2025 cnbc
Huawei báo cáo doanh thu năm 2024 tăng mạnh nhờ mảng viễn thông và tiêu dùng. Ảnh: CNBC

Trong báo cáo thường niên, Chủ tịch luân phiên Mạnh Vãn Chu nhấn mạnh toàn bộ đội ngũ tại Huawei đã sát cánh bên nhau để giải quyế hàng loạt thách thức từ bên ngoài, đồng thời cải thiện chất lượng sản phẩm, vận hành và hiệu quả hoạt động.

Năm ngoái, Huawei chi 179,7 tỷ NDT cho R&D, tương đương 20,8% doanh thu, cao hơn so với mức 164,7 tỷ NDT năm 2023. Công ty đang đa dạng hóa kinh doanh trong các lĩnh vực như trung tâm dữ liệu AI, điện toán đám mây, công nghệ xe tự lái.

Theo bà Mạnh, trong ba năm tiếp theo, dù kinh tế suy thoái, Huawei vẫn tăng cường đầu tư về chiều sâu, đặc biệt là xây dựng các công nghệ nền tảng và tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới thông qua khác biệt hóa.

Doanh thu Huawei năm 2024 được dẫn dắt bởi hai mảng kinh doanh lớn nhất: hạ tầng CNTT và tiêu dùng, cùng nhau chiếm 82% tổng doanh thu. Doanh thu hạ tầng CNTT tăng 4,9% lên 369,9 tỷ NDT. Huawei là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Việc triển khai 5G quy mô lớn giúp thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, 2024 còn là năm đầu tiên thương mại hóa 5.5G.

Bộ phận tiêu dùng mang về doanh thu 339 tỷ NDT, tăng mạnh 38,3%. Huawei, từng là thương hiệu smartphone số 1 thế giới, song bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Mỹ cấm tiếp cận chip tối tân và hệ điều hành Google Android.

Dù vậy, từ cuối năm 2023, một đột phá trong bán dẫn tại Trung Quốc đã giúp Huawei phục hồi và ra mắt một số mẫu điện thoại cao cấp, bán chạy trong nước. Một năm sau, lô hàng smartphone của hãng tại đại lục tăng 37%, trong khi thị phần tăng 16%, theo hãng nghiên cứu Canalys.

Huawei tích cực ra mắt các smartphone cao cấp, bao gồm mẫu điện thoại gập ba đầu tiên trên thế giới, và dần trở lại thị trường quốc tế. Công ty cũng công bố hệ điều hành tự phát triển HarmonyOS 5, thoát ly hoàn toàn Android. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, triển vọng của thiết bị Huawei tại nước ngoài còn bỏ ngỏ do thiếu vắng các dịch vụ của Android và những con chip mới nhất.

Để giảm thiểu tác động từ các lệnh cấm vận của Mỹ, trong những năm qua, Huawei mở rộng sang các lĩnh vực mới như năng lượng, xe điện. Dù mảng kinh doanh còn mới mẻ, doanh thu vẫn tăng trưởng 24,4% lên 68,7 tỷ NDT. Doanh thu điện toán đám mây đạt 38,5 tỷ NDT, tăng 8,5%.

Bộ phận khiêm tốn nhất của Huawei – Giải pháp xe hơi thông minh – ghi nhận doanh thu tăng trưởng 474,4% lên 26,4 tỷ NDT. Công ty phát triển phần mềm trên xe hơi cũng như hệ thống hỗ trợ tài xế cho các hãng xe khác.

(Theo CNBC, SCMP)

Các tin khác

Miền Bắc tăng nhiệt mạnh

Hôm nay (2/4), miền Bắc chỉ còn rét về đêm và sáng, trưa chiều hửng nắng, ấm áp, nhiệt độ cao nhất khoảng 24-27 độ. Trong hai ngày 3-4/4, nền nhiệt tiếp tục tăng ở miền Bắc. Các khu vực khác hôm nay ít mưa, riêng Nam Bộ có mưa dông trái mùa.

Mối lo từ công nghệ lạc hậu, phụ thuộc

TP - Báo cáo mới nhất về sức khỏe của doanh nghiệp cũng như thực trạng của ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đang ở bước chuyển tiếp từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 trong quá trình phát triển công nghiệp, trong đó, mức độ hấp thụ công nghệ và trình độ quản lý sản xuất vẫn đang ở mức rất hạn chế.

Ðòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng - Bài 6: Mãi ở phân khúc thấp, vì sao?

TP - Sau nhiều năm, hàng loạt đại bàng, doanh nghiệp FDI toàn cầu đã có mặt và kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, đằng sau mặt trái của tấm huy chương về thu hút FDI chính là sự phụ thuộc về năng lực công nghệ, cũng như định hướng lại cơ cấu ngành nghề để doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ, đi sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin xem nhiều