Quý cuối năm 2022, cái tên đứng đầu trong bảng xếp hạng những doanh nghiệp thua lỗ không phải là Vietnam Airlines như thường lệ mà là CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) .
Bên cạnh khó khăn chung của thị trường, HAGL Agrico thua lỗ quý IV/2022 còn do vấn đề nội tại, tồn tại kéo dài từ nhiều năm trước.
Quý IV, công ty của tỷ phú Trần Bá Dương lỗ sau thuế tới 2.793 tỷ đồng, trong đó lỗ thuần là 555 tỷ, còn 2.127 tỷ đồng là lỗ do ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây, 110 tỷ đồng là lỗ khác.
Kết quả trên đã kéo mức lỗ sau thuế cả năm của doanh nghiệp nông nghiệp này lên 3.566 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ năm trước đó là 1.119 tỷ, nâng mức lỗ lũy kế tính đến hết năm 2022 của HNG lên 6.993 tỷ.
Theo dự báo, HAGL Agrico vẫn sẽ tiếp tục khó khăn cho đến năm 2024, lúc đó "lợi nhuận sẽ tương đối khả quan hơn", Chủ tịch Trần Bá Dương chia sẻ.
Danh sách thua lỗ quý IV/2022 xuất hiện cái tên Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - Mã: VGI) với vị trí chỉ xếp sau HAGL Agrico, trong khi ba quý còn lại trong năm đều ghi nhận lãi hơn nghìn tỷ đồng.
Công ty họ Viettel này lỗ sau thuế 2.722 tỷ quý IV vừa rồi, cùng kỳ lãi 141 tỷ đồng. Việc ghi nhận mức lỗ đậm do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên 3.853 tỷ, tức gấp 3,9 lần cùng kỳ do khoản trích lập dự phòng hơn 3.041 tỷ, cùng kỳ chỉ hơn 314 tỷ. Dù vậy, cả năm 2022, lợi nhuận sau thuế của VGI là 1.549 tỷ, gấp 4,4 lần năm 2021.
Trong quý III/2022, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đã ghi nhận quý có lãi gộp đầu tiên kể từ đầu đại dịch. Dù vậy, Vietnam Airlines đã không thể duy trì thành tích này trong quý cuối năm.
Trong bối cảnh tỷ giá biến động bất lợi và lãi suất toàn cầu lên cao, chi phí tài chính quý này tăng vọt trên nghìn tỷ đồng. Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế hợp nhất 2.586 tỷ đồng trong quý IV vừa qua, cao gấp 2,3 lần số lỗ của một năm trước.
Tính đến hết năm 2022, hãng hàng không này lỗ lũy kế xấp xỉ 34.200 tỷ đồng, vượt xa số vốn điều lệ 22.144 tỷ. Vốn chủ sở hữu âm gần 10.200 tỷ đồng.
Do đó, nhiều khả năng là hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN đang giao dịch ở HOSE có nguy cơ bị hủy niêm yết do vốn chủ sở hữu âm trong năm 2022. Sau khi bị hủy niêm yết, cổ phiếu HVN vẫn có thể giao dịch tại thị trường UPCoM và chỉ có thể trở lại HOSE sau khi xóa hết khoản lỗ lũy kế hàng chục nghìn tỷ đồng.
Xếp sau Vietnam Airlines là khoản lỗ gần 2.359 tỷ đồng của CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC). Quý IV/2022, hãng này lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 3.746 tỷ đồng. Vietjet bất ngờ ghi nhận 1.625 tỷ đồng “thu nhập khác” trong quý cuối năm, vượt xa con số 7,8 tỷ đồng của một năm trước đó.
Nhờ khoản lợi nhuận bất thường này, hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo chỉ còn lỗ sau thuế 2.359 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh kể trên. Tuy nhiên, kết quả quý IV vẫn là khoản lỗ sau thuế cao kỷ lục của hãng hàng không này.
Ngành thép vẫn chưa thoát khỏi bức tranh u ám
Quý cuối năm, các doanh nghiệp ngành thép vẫn chưa thể thoát khỏi bức tranh lợi nhuận u ám. Rất nhiều công ty, tập đoàn lớn cho đến những doanh nghiệp quy mô nhỏ đều phải báo lỗ khi nhu cầu tiêu thụ suy yếu, giá bán thấp, lãi suất và tỷ giá biến động bất lợi.
Với thị phần lớn nhất ngành, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) là doanh nghiệp “ngấm đòn” nhiều nhất. Công ty này lỗ hai quý liên tiếp, riêng quý IV/2022 lỗ hơn 2.000 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 8.000 tỷ. Dù vậy, cả năm 2022, lợi nhuận sau thuế (LNST) cả năm đạt trên 8.400 tỷ đồng, bằng 24% so với năm 2021.
Tương tự, Thép Nam Kim (Mã: NKG), Hoa Sen Group (Mã: HSG), Thép Pomina (Mã: POM) hay Tổng Công ty Thép Việt Nam (Mã: TVN),... cũng báo lỗ hàng trăm tỷ đồng, nối tiếp chuỗi lỗ trước đó do khó khăn chung toàn ngành.
Nhóm bất động sản: Khó khăn bủa vây
Thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, kể từ đầu quý III/2022, mức độ quan tâm đến bất động sản giảm mạnh, các doanh nghiệp bất động sản mở bán dự án với tỷ lệ hấp thụ ở mức rất thấp so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, khó khăn chỉ bắt đầu phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý cuối năm.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nhiều doanh nghiệp bất động sản lỗ nặng
Sự suy yếu của thị trường và sức khỏe tài chính doanh nghiệp bất động sản đã được phản ánh rõ nét trên báo cáo tài chính quý IV/2022, khi nhiều doanh nghiệp lỗ ròng hàng trăm tỷ đồng, trong đó có một số doanh nghiệp lần đầu ghi nhận lỗ (Phát Đạt).
Nhiều giải trình của các công ty nhóm này đều chỉ ra điểm chung là tình hình thị trường bất động sản trong quý cuối năm vừa qua vô cùng khó khăn và tiếp tục có nhiều biến động không thuận lợi, hầu hết các ngân hàng đều siết chặt hơn các điều kiện cho vay mua bất động sản như bổ sung các điều kiện cho vay, kiểm soát chặt về hạn mức cho vay đối với mua bất động sản và chính sách tăng cường kiểm soát thị trường trái phiếu, bất động sản.
Điều này dẫn tới nhu cầu đầu tư bất động sản giảm mạnh, cùng với việc một số dự án đầu tư thứ cấp không kịp ra hàng dẫn đến doanh thu đầu tư thứ cấp giảm, kéo theo lợi nhuận giảm.
Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản nửa đầu năm 2023 chưa có nhiều chuyển biến tích cực, khó khăn sẽ dần được tháo gỡ khi tín dụng được nới lỏng hơn và các chính sách hỗ trợ người mua nhà, doanh nghiệp được thực thi từ nửa cuối năm.
Ngoài khó khăn chung của thị trường bất động sản khu công nghiệp, quý cuối năm 2022 của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA) còn gặp nguyên nhân 'bất khả kháng" buộc doanh nghiệp phải thanh lý Hợp đồng thuê đất dài hạn xây dựng Trung tâm Điện lực Kiên Lương ngày 28/4/2010, dẫn đến doanh nghiệp phải giảm trừ doanh thu hơn 2.142 tỷ đồng. Kết quả, công ty lỗ sau thuế hơn 330 tỷ đồng.
Quý IV vừa rồi cũng bất ngờ chứng kiến một cái tên khác thua lỗ hơn 547 tỷ đồng của kỳ lân công nghệ VNG (Mã: VNZ). Công ty này vừa mới được niêm yết nên thông tin kết quả kinh doanh các quý chưa được công bố. Chỉ biết rằng, quý IV/2021, công ty này lỗ sau thuế 267 tỷ.
Cả năm 2022, VNG lỗ sau thuế hơn 1.315 tỷ đồng, mức kỷ lục của công ty kể từ khi công bố thông tin. Dù vậy, hết năm 2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNG vẫn còn hơn 5.311 tỷ đồng.
Sang năm 2023, Chứng khoán VNDirect dự báo lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm, sau đó cải thiện hơn trong nửa cuối năm 2023, đưa mức tăng trưởng cả năm lên 14%.
Yếu tố giúp lợi nhuận ròng khởi sắc nửa cuối năm tới đến từ dự báo lãi suất giảm, đồng VND mạnh lên, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo thêm động lực.
Trong đó, ngành hàng không sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng nổi bật nhờ sự phục hồi gần như hoàn toàn của các chuyến bay quốc tế.
Ngành vật liệu xây dựng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể nhờ giá nguyên liệu đầu vào (than, quặng sắt) giảm. Mặt khác, ngành dầu khí và hóa chất có thể có tăng trưởng lợi nhuận ròng giảm trong năm 2023 từ mức nền cao trong năm 2022.