Kỹ năng sống

Trải nghiệm cười ra nước mắt của người Việt về chatGPT từ toán học đến văn học: Khi "2+5=8" và tác phẩm "Tắt đèn" lại trở thành hành động bảo vệ môi trường

ChatGPT - công cụ chatbot AI được đánh giá là "trả lời câu hỏi như người thật" đang xuất hiện tràn ngập trên các nền tảng xã hội ở Việt Nam cũng như thế giới. Gây sốt trên toàn cầu từ tháng 12 năm ngoái với hơn 1 triệu người đăng ký chỉ sau một tuần. Những ngày gần đây, theo thống kê của Google Trends, từ khóa "ChatGPT" liên tục nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều ở Việt Nam.

Dẫu tài khoản đăng ký tại Việt Nam bị hạn chế, song với mong muốn được trải nghiệm, nhiều người sẵn sàng bỏ một khoản phí từ 10.000-200.000 đồng để lấy tài khoản OpenAi được chia sẻ miễn phí để đăng nhập ChatGPT. Nhiều câu chuyện dở khóc dở của người dùng được chia sẻ sau khi đặt câu hỏi cho ứng dụng này.

"Giáo sư biết tuốt" làm toán đến làm thơ

Mới đây mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh hài hước khi ChatGPT trả lời câu hỏi "2+5 bằng mấy?" từ người dùng. Dẫu kết quả đầu tiên ứng dụng đưa ra là chính xác tuy nhiên sau khi người dùng "vặn vẹo" thì ứng dụng này lại đưa ra kết quả bất ngờ khi xác định 2+5=8 .

Trải nghiệm cười ra nước mắt của người Việt về chatGPT từ toán học đến văn học: Khi 2+5=8 và tác phẩm Tắt đèn lại trở thành hành động bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Phía dưới phần bình luận nhiều người dùng cho rằng với ChatGPT mọi người nên dùng để học hỏi nhiều hơn là trêu đùa. "Về lập trình hay công nghệ, ứng dụng cho kết quả khá tốt. Tuy nhiên nếu hỏi bằng tiếng Anh sẽ có được kết quả chuẩn hơn. Bạn nên hỏi tường tận và chi tiết", Tú Hải (35 tuổi, lập trình viên) cho biết.

Không chỉ làm toán, trước đó, một người dùng đã kiểm tra khả năng làm văn của ChatGPT. Theo đó họ đã yêu cầu ứng dụng viết bài văn về tác phẩm "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố.

Trải nghiệm cười ra nước mắt của người Việt về chatGPT từ toán học đến văn học: Khi 2+5=8 và tác phẩm Tắt đèn lại trở thành hành động bảo vệ môi trường - Ảnh 2.

Ảnh: Internet

Ứng dụng này trả lời bằng một đoạn văn "dở khóc dở cười". Theo đó, ChatGPT viết "Anh ta được biết đến như một trong những người tiên tiến trong việc tắt đèn tại Việt Nam trong thập niên 20... Ngô Tất Tố tin rằng tắt đèn là một hoạt động nhỏ nhưng có tác dụng lớn trong việc bảo vệ môi trường...".

Một số hình ảnh về đoạn thơ do ChatGPT viết khi có người dùng yêu cầu viết một bài thơ tả con chó màu vàng cũng được lan truyền trên mạng xã hội. Theo đó kết quả được trả là một bài thơ khá ngô nghê và hài hước.

Trải nghiệm cười ra nước mắt của người Việt về chatGPT từ toán học đến văn học: Khi 2+5=8 và tác phẩm Tắt đèn lại trở thành hành động bảo vệ môi trường - Ảnh 3.

Ảnh: Internet

Phương Thu (29 tuổi, Đà Nẵng) cho biết cô đã bỏ gần 200.000 đồng để sở hữu một tài khoản trên ChatGPT để trải nghiệm. Thu cho biết sau một tuần sử dụng để đặt câu hỏi từ thông tin liên quan đến truyền thông sáng tạo, kinh tế, xã hội, cô nhận được kết quả khá ưng ý. "Ứng dụng trả lời một cách ngắn gọn, tổng hợp thông tin tốt. Tuy nhiên chỉ với câu hỏi bằng tiếng Anh. Còn với câu hỏi tiếng Việt dù ý tứ rõ ràng nhưng nhiều câu từ khá hàn lâm, không đa dạng và đôi khi còn sai kiến thức. Thậm chí ứng dụng còn đưa ra câu trả lời khá buồn cười và không có cảm xúc", Thu nói. Sau khoảng thời gian ngắn sử dụng, cô cho biết bản thân ưng ý khoảng 50-60% kết quả nhận được.

ChatGPT có thể thay thế được các các cây bút thực thụ?

Trước màn trình diễn từ trả lời câu hỏi phức tạp, viết truyện cười, viết mã máy tính, viết bài luận cập đại học, giải thích các khái niệm khoa học, tất nhiên luôn đi kèm với tuyên bố từ chối trách nhiệm rằng người dùng phải tự xác minh mọi thứ trong thế giới thực, tờ The Guardian tuyên bố "các giáo sư, lập trình viên và nhà báo đều có thể mất việc chỉ sau vài năm". Telegraph nhận định chatbot có thể "làm việc tốt hơn bạn".

Trong bài bình luận trên CNET, tác giả Jackson Ryan từng là một nhà khoa học cho rằng ứng dụng này tuyệt vời song không thể thay thế được công việc của con người.

Trải nghiệm cười ra nước mắt của người Việt về chatGPT từ toán học đến văn học: Khi 2+5=8 và tác phẩm Tắt đèn lại trở thành hành động bảo vệ môi trường - Ảnh 4.

Ảnh: Internet

Ví dụ về nhược điểm của siêu AI này, ấn phẩm Information Age của Hiệp hội Máy tính Australia đã cho ChatPGT tự viết câu chuyện về chatbot này. Tác phẩm đạt yêu cầu khi cung cấp khá đầy đủ thông tin và sắp xếp một cách mạch lạc. Tuy nhiên toàn bộ các trích dẫn giả đều được gắn cho một nhà nghiên cứu của OpenAI là John Smith. Điều này cho thấy mô hình ngôn ngữ này không thể tách biệt được thực tế và hư cấu.

Jackson Ryan, biên tập viên khoa học của CNET đã viết: "ChatGPT không thể thay thế công việc của một nhà báo. Nó có thể làm thấp đi giá trị của báo chí. Bởi ChatGPT không thể ra ngoài để phỏng vấn nhân vật, không thể mô tả chính xác cảm xúc trên gương mặt Kylian Mbappe khi anh vô địch World Cup 2018, cũng không nhảy lên một con tàu đến Nam Cực để viết về những trải nghiệm".

Mới đây, Stanford Daily đã yêu cầu ChatGPT viết nhận xét về việc ChatGPT viết báo. Công cụ này đã phủ nhận khả năng viết báo của của mình.

Trải nghiệm cười ra nước mắt của người Việt về chatGPT từ toán học đến văn học: Khi 2+5=8 và tác phẩm Tắt đèn lại trở thành hành động bảo vệ môi trường - Ảnh 5.

Câu trả lời của ChatGPT. Ảnh: Stanford Daily

Theo đó trong cả câu trả lời của ChatGPT có đoạn "Các bài viết do ChatGPT đưa ra thiếu phân tích, phê bình, quan điểm cá nhân xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân và chuyện môn của con người. Sử dụng nội dung do AI tạo ra có thể dẫn đến những thông tin thiếu chính xác và sai lệch. Điều này có thể gây nguy hiểm đến sự hiểu biết của công chúng về các vấn đề quan trọng.

Thêm nữa, việc việc sử dụng ChatGPT để viết báo còn làm giảm các tiêu chuẩn đạo đức và liêm chính trong báo chí. Các nhà báo có trách nhiệm đưa tin chính xác, công bằng. Việc sử dụng mô hình ngôn ngữ để sản xuất nội dung báo chí không đảm bảo được tiêu chí này..."

Cùng chuyên mục

Đọc thêm