Ngày 25-7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã đưa ra thống kê số người tử vong do sét đánh, từ năm 2017 đến nay, với tổng số 175 trường hợp tử vong.
Tính theo năm, số người tử vong do sét đánh có chiều hướng gia tăng. Năm 2017 có 16 trường hợp thì năm 2018 là 25 người, năm 2019 có 26 người, và 2020 và 2021, mỗi năm có 32 người tử vong do sét đánh.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2022, số trường hợp tử vong do "trời đánh" đã lên tới 44, rải đều từ Bắc vào Nam, trong đó khu vực miền núi phía Bắc ghi nhận 10 trường hợp, đồng bằng Bắc bộ 12, miền Trung 9, Tây Nguyên 3 và Nam bộ 10 trường hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, dự báo viên Phòng Dự báo Số trị Viễn thám -Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, Việt Nam nằm ở khu vực tâm giông của châu Á, đây cũng là một trong ba tâm giông lớn nhất thế giới.
Mỗi năm, trung bình Việt Nam có 2 triệu cú sét đánh xuống, tập trung vào tháng 4, 5, qua mùa hè đến giai đoạn chuyển tiếp mùa hè sang mùa thu.
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, miền Bắc mưa nhiều hơn mọi năm. Mưa xuất phát từ các đám mây, và các đám mây gây mưa mùa hè hầu hết là mây đối lưu, ngoài khả năng gây ra mưa rào còn có khả năng gây ra giông, sét, tố lốc.
Ngoài nguyên nhân về tự nhiên, người dân còn tâm lý chủ quan, không chủ động các biện pháp phòng tránh giông sét, dẫn đến thiệt hại về người và tài sản.
Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, khuyến cáo người dân khi có giông sét không nên đứng dưới gốc cây, ống khói, đụn rơm, anten truyền hình, gần các vật kim loại, không chạm tay vào các vật ẩm ướt, vật dẫn điện.
Ngoài ra, người dân cũng không nên đi dọc các bờ sông, bờ suối, không trú mưa ở những công trình, nhà cửa trơ trọi giữa cánh đồng. Người dân cần bỏ ra các vật dụng mang bên mình như cuốc xẻng, cần câu, gậy.
Đặc biệt, người dân không sử dụng điện thoại khi có giông sét xảy ra. Không dùng dây thép phơi quần áo buộc vào cột thu lôi, cây cao. Khi có giông sét, tháo bỏ dây anten ra khỏi ti vi, radio, không để quần áo bị ướt.