Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày công bố thông tin 31/3/2023, có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành đạt 26.425 tỷ đồng (hơn 1,1 tỷ USD được ghi nhận trong tháng 3/2023.
Trong đó, Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An và CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam là ba đơn vị bất động sản đã phát hành giá trị trái phiếu trong tháng nhiều nhất, lần lượt là 4.800 tỷ, 4.700 tỷ và 4.695 tỷ đồng. Còn lại là các doanh nghiệp chứng khoán, dịch vụ tiêu dùng, ngân hàng.
Có 1 đợt phát hành riêng lẻ mới được công bố trong tuần với khối lượng phát hành 600 tỷ của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam. Đây là lô trái phiếu chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo có kỳ hạn 7 năm với lãi suất phát hành là 5,25%/năm.
Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 3/2023 là gần 14.300 tỷ đồng (tăng 137% so với tháng trước và tăng 64% so với cùng kỳ tháng 3/2022).
Xây dựng và hàng tiêu dùng là 2 nhóm ngành ghi nhận giá trị mua lại lớn nhất trong tháng, lần lượt đạt 5.000 tỷ (chiếm 35% tổng giá trị mua lại) và 3.400 tỷ (chiếm 24% tổng giá trị mua lại).
Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 29.860 tỷ đồng (tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022).
Theo dữ liệu VBMA tổng hợp, tính đến ngày công bố thông tin 31/3, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 4/2023 là 14.540 tỷ đồng. Bất động sản và ngân hàng là hai nhóm ngành có giá trị đến hạn lớn nhất, lần lượt là 4.500 tỷ và 5.300 tỷ, lần lượt chiếm 31% và 36% giá trị đến hạn.
FiinRatings nhận định, các doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn khi phát hành TPDN do tình trạng cầu yếu. Đồng thời, doanh nghiệp chờ đợi những thay đổi hỗ trợ từ phía chính quyền như Nghị định 08 và chính sách cụ thể về giải ngân hạn mức tín dụng cho năm 2023. Các biện pháp này sẽ giúp giải tỏa áp lực cho doanh nghiệp phát hành trong ngắn hạn, tạo điều kiện cho việc cải thiện, tháo gỡ áp lực thanh khoản về lâu dài.
So với cùng kỳ năm trước, hoạt động phát hành TPDN của nhóm bất động sản trong tháng 3/2023 đã giảm 97,1% về quy mô phát hành (17.530 tỷ đồng trái phiếu bất động sản phát hành riêng lẻ được ghi nhận) và chưa thể phục hồi, đặc biệt là ở giai đoạn tháng 10/2022 – 2/2023.
Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng từ các vụ việc vi phạm phát hành trái phiếu, chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản, lãi suất gia tăng và ban hành Nghị định 65, khiến chi phí vốn gia tăng, quy trình huy động vốn TPDN cho hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn hơn trước.
FiinRatings cho rằng việc tiếp diễn tình trạng trên có thể đẩy thêm nhiều doanh nghiệp (phần lớn là bất động sản) chậm thanh toán nghĩa vụ nợ cho các trái chủ trong giai đoạn quý II và quý III năm nay, thời điểm có áp lực đáo hạn lớn.
Tuy nhiên, động thái hỗ trợ vừa qua như giảm lãi suất cho vay, Nghị quyết 33 và Nghị định 08 ra đời được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết áp lực nghĩa vụ nợ qua hoạt động tái cấu trúc nợ, cấp tín dụng mới cho các dự án có pháp lý tốt cũng như hoạt động triển khai và mở bán dần được khôi phục.