Theo ước tính số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối quý I/2022 là 100.000 tỷ đồng, tăng 6.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Đây cũng là con số kỷ lục trong lịch sử, trong đó chủ yếu là tiền gửi của các nhà đầu tư giao dịch tại các tài khoản chứng khoán do công ty chứng khoán quản lý, đây là lượng tiền nhàn rỗi trong tài khoản nhà đầu tư mà chưa thực hiện giao dịch. Liên hệ với giai đoạn hiện tại, có thể nói rằng lượng tiền sẵn sàng bắt đáy vẫn còn nhiều. Tuy nhiên với xu hướng giảm chưa thể tìm được vùng cân bằng như hiện nay, dòng tiền này đang chờ đợi điểu gì?
Theo ông Phan Linh, Giám đốc Chuyên môn sản phẩm Công ty Tư vấn và Đầu tư Take Profit Việt Nam, 100.000 tỷ đồng là một con số lớn, cho thấy lực cầu bắt đáy tiềm năng.
Đây là thống kê vào cuối tháng 3, khi kết thúc báo cáo tài chính quý I. Nhưng rõ ràng từ thời điểm 31/3 đến giờ, thị trường đã có cú sụt rất mạnh. Với áp lực bán tháo, thị trường đã có hiện tượng giải chấp margin đồng thời các nhà đầu tư có thể thực hiện cắt lỗ (stoploss) thì đến bây giờ số dư tiền mặt đó có thể sẽ tăng lên, thậm chí cao hơn mức 100.000 tỷ đồng.
Lượng tiền nhàn rỗi lớn có thể đến từ việc số lượng các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường ngày càng tăng và đặc biệt đến thời điểm hiện nay chúng ta có khoảng 5% dân số có tài khoản chứng khoán. Tức là, càng ngày có càng nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường chứng khoán và điều này làm tăng số dư tiền gửi tại các công ty chứng khoán.
“Còn với diễn biến hiện tại, tâm lý thị trường đang ở ngưỡng chông chênh và mong manh. Tôi chưa nhìn thấy được một lực cầu thực sự khỏe để đỡ thị trường vào thời điểm này, có lẽ nhà đầu tư đang trông chờ vào một điều gì đó chắc chắn hơn. Chúng ta luôn kỳ vọng vào các nhóm dẫn dắt thị trường, dòng tiền khỏe hơn để các chỉ số có thể phục hồi trong thời gian tới”, ông Linh cho hay.
Nếu như nhìn vào các điểm tích cực của thị trường, chuyên gia này cho biết về dài hạn những cổ phiếu tốt vẫn sẽ tăng giá. Điều thị trường còn thiếu vào lúc này có lẽ là yếu tố thời gian, thời gian để thị trường tìm lại được điểm cân bằng mới.
Bây giờ rất nhiều cổ phiếu đã có mức chiết khấu 30 – 50%, lúc này những nhà đầu tư lớn, thương gọi là “tay to” đã bắt đầu chú ý đến và có thể giải ngân với kỳ vọng dài dạn. Trong giai đoạn này chúng ta không nên đánh đồng giữa vàng thau mà nên lựa chọn những mã vẫn còn câu chuyện tăng trưởng. Về thời điểm mua vào, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân khi thị trường tìm về các vùng cân bằng mới.
Nếu như quan sát thời điểm tháng 4/2018 hay giai đoạn bắt đầu dịch COVID thì cú sập lần này của thị trường nhanh hơn, mạnh hơn giai đoạn trước, nó thậm chí không cho nhà đầu tư một điểm tựa nào để xoay chuyển. Nhà đầu tư dường như rơi vào trạng thái “chết não” vì cứ sau khung 14h – 14h15 là lực bán tháo dồn dập xuất hiện. Tuy nhiên, rơi nhanh đồng nghĩa với việc thị trường sẽ sớm có hồi phục, đó là quy luật vốn có của thị trường.
Như giai đoạn giữa tháng 7/2021, thị trường giảm 14 – 15%, nhưng sau đấy chỉ số nhanh chóng hồi về đỉnh cũ, thậm chí bật lên các vùng cao mới. Với việc VN-Index rơi nhanh và sớm tìm được điểm cân bằng và chỉ số sẽ hồi phục được khoảng 1/3 - 1/2 quãng đường mà nó lao dốc. Còn việc tăng tiếp được hay không thì có lẽ phải chờ đợi tiếp xem xu thế của dòng tiền sẽ như thế nào.
Với một số nhóm ngành đã bị bán khá mạnh trong thời gian vừa qua thì đến thời điểm này dù chưa khỏe nhưng cũng có thể “cầm máu” không rơi tiếp, thì cũng được coi là những điểm sáng le lói cho thị trường trong giai đoạn này.
Vì đâu nhà đầu tư nội tháo chạy trong khi khối ngoại lao vào đỡ thị trường?
Theo số liệu thống kê của từ 2020 đến bây giờ, chỉ có 3 tháng khối ngoại mua ròng, còn lại tất cả các tháng khác họ đều bán ròng. Những tháng nhà đầu tư nước ngoài mua ròng là tháng 4/2020 khi COVID-19 xuất hiện, tháng 7/2021 hay là thời điểm tháng 1/2022.
Thông thường khi thị trường có cú sập sâu và mạnh thì khối ngoại thường sẽ mua ròng. Tuy nhiên tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trong toàn bộ thị trường giai đoạn này đâu đó chỉ khoảng 8 – 10%. Trong khi có tới 86% còn lại đến từ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân. Cho nên nếu như chúng ta kỳ vọng khối ngoại mua ròng để họ cân lại dòng tiền bán ròng của nhà đầu tư cá nhân thì đó là điều khá bất khả thi.
Tuy nhiên, có thể thấy được tâm lý hành vi của nhà đầu tư ngoại thông qua cách họ giao dịch, nghĩa là khi thị trường chiết khấu đủ sâu thì họ lại mua ròng..
Về phía nhà đầu tư cá nhân, họ gần như duy trì đà bán ròng trong suốt đà rơi điểm của VN-Index. Trong tuần trước đó (18 – 22/4), VN-Index giảm sâu hơn 79 điểm, cá nhân trong nước đã bán ròng đột biến lên tới gần 5.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến đầu tuần này khi VN-Index giảm kỷ lục gần 80 điểm sau đó hồi về 68 điểm khi đóng cửa, giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân đã cân bằng hơn khi họ chỉ còn bán ròng 170 tỷ đồng. Thậm chí nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng trở lại với giá trị vào ròng đạt 155 tỷ đồng. Điều này mở ra kỳ vọng rằng thị trường có lẽ đang neo tại vùng giá rất gần với điểm cân bằng, nơi mà lực cầu bắt đáy có thể thay đổi tình thế.