Doanh nghiệp

Hòa Phát gia tăng thị phần thép xây dựng và ống thép, Hoa Sen tiếp tục dẫn đầu về tôn mạ

Năm 2022, tổng tiêu thụ sản phẩm thép của các thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021. Tổng xuất khẩu là 6,28 triệu tấn, giảm gần 20%.

Thép xây dựng là mặt hàng duy nhất ghi nhận sản lượng đi lên 3%, như biểu đồ bên dưới cho thấy. Các sản phẩm thép khác có lượng tiêu thụ giảm sút 4 – 22% so với năm trước.

Tổng tiêu thụ thép năm 2022 giảm 3,7% so với 2021.

Những cái tên đầu ngành

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) sản xuất 4,26 triệu tấn và bán ra 4,28 triệu tấn thép xây dựng, thị phần cải thiện từ 32,6% năm 2021 lên 34,8% năm 2022 và tiếp tục dẫn đầu toàn ngành.

Thị phần của Hòa Phát lớn gấp hơn ba lần doanh nghiệp đứng vị trí số 2 là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel - Mã: TVN). Trong năm vừa qua, VNSteel sản xuất 1,41 triệu tấn và tiêu thụ 1,38 triệu tấn thép xây dựng, chiếm 11,2% toàn ngành. Các doanh nghiệp xếp sau lần lượt là Vina Kyoei, Formosa Hà Tĩnh và Ống thép Việt Đức.

VSA cho biết khi chia theo khu vực địa lý, tiêu thụ thép xây dựng ở miền Bắc tăng 5,7%, miền Nam tăng 3,8%, miền Trung giảm 0,5% và xuất khẩu giảm 2,8%. Theo cơ cấu mặt hàng, thép cuộn tăng 5,4%, thép thanh tăng 2,6% và thép hình giảm 4,5%.

Theo VSA, sức ép nhu cầu tiêu thụ yếu và chậm của thị trường nội địa đã khiến giá thép xây dựng sa sút trong năm 2022. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào đi xuống cũng buộc các nhà sản xuất giảm giá bán thép xây dựng.

Sự phục hồi của nhu cầu bị cản trở bởi chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát ở Mỹ, châu Âu, Việt Nam và nhiều quốc gia khác; các ngân hàng siết chặt tín dụng; thị trường bất động sản khó khăn kéo dài, tâm lý thận trọng của khách hàng giữa các dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu. Cuối quý IV, thị trường trong nước có những điểm sáng tích cực, giá bán bắt đầu đi lên.

 

Do giá thép xây dựng suy giảm trong phần lớn thời gian của năm 2022, Hòa Phát thua lỗ kỷ lục gần 3.800 tỷ đồng trong hai quý III và IV. Đây là lần thua lỗ đầu tiên của Hòa Phát kể từ năm 2008.

Lũy kế cả năm vừa qua, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long lãi sau thuế khoảng 8.400 tỷ đồng, giảm 76% so với năm trước. Doanh thu đạt khoảng 142.000 tỷ đồng, giảm 5%.

Các kết quả thực tế này đều thấp hơn so với mục tiêu mà đại hội đồng cổ đông ngày 24/5/2022 đã đề ra, cụ thể là lợi nhuận 25.000 – 30.000 tỷ đồng và doanh thu 160.000 tỷ đồng.

Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu 160.000 tỷ đồng trong năm 2022, thực hiện được 142.000 tỷ đồng.

Ở mảng tôn mạ, tổng sản lượng bán hàng năm vừa qua là gần 4,2 triệu tấn, giảm 21,8% so với 2021. Nguyên nhân chủ yếu là thị trường xuất khẩu khó khăn khi sản lượng giảm 38% xuống còn gần 2,1 triệu tấn, tỷ trọng khối lượng xuất khẩu giảm từ 63% còn 50%.

Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG)Công ty cổ phần Thép Nam Kim (Mã: NKG) từng khai thác tốt thị trường xuất khẩu để gia tăng sản lượng tiêu thụ trong năm 2021, nhưng đến năm 2022 đều đã chứng kiến thị phần giảm sút khi các đối tác nước ngoài giảm đơn hàng.

Hoa Sen vẫn giữ vị trí số 1 thị trường, nhưng Nam Kim tụt từ số 2 xuống số 3. Ngược lại, Tôn Đông Á nâng sản lượng từ 14,3% trong năm 2021 lên 17,6% trong năm 2022 và giành vị trí số 2.

Thị phần tôn mạ của Hoa Sen đi xuống nhưng vẫn dẫn đầu toàn ngành.

Trong năm 2022, Hoa Sen tiêu thụ 1,2 triệu tấn tôn mạ, giảm khoảng 38% so với năm trước. Tuy vậy, sản lượng tiêu thụ tháng 12 cải thiện lên mức 91.000 tấn, ghi nhận tháng tăng thứ hai liên tiếp. Sản lượng tôn mạ của Hoa Sen trong năm vừa qua cao hơn 63% so với doanh nghiệp đứng số 2 là Tôn Đông Á.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo xuất khẩu ngành tôn mạ có khả năng tiếp tục thấp trong những tháng đầu, sau đó tăng từ giữa năm 2023 khi lạm phát toàn cầu giảm bớt. Tuy nhiên, VDSC cho rằng xuất khẩu sẽ khó bật tăng mạnh do cạnh tranh gay gắt và những thay đổi trong chính sách thương mại tại các thị trường lớn.

Giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn được kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng ở thị trường tôn mạ trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.

Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận của Hoa Sen trong năm tài chính 2023 (từ 1/10/2022 đến 30/9/2023) có thể phục hồi khoảng 35% so với niên độ trước và đạt 340 tỷ đồng do không còn hàng tồn kho chi phí cao và chi phí lãi vay giảm.

VDSC cho rằng Hoa Sen có thể lỗ ròng trong quý đầu năm tài chính 2023 (tức quý cuối năm dương lịch 2022), sau đó chuyển sang lãi ròng. VDSC dự báo biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen sẽ tăng từ mức 9,9% của niên độ 2022 lên 12,4% của niên độ 2023.

Ở thị trường ống thép, Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu và gia tăng thị phần từ 24,7% lên 28,5%. Ngược lại, thị phần của Hoa Sen sa sút từ 15,5% xuống còn 12,6%. Nam Kim xếp thứ 5 với thị phần 6,4%.

VDSC ước tính Nam Kim lỗ 744 tỷ đồng trong năm 2022, sau đó giảm lỗ còn 359 tỷ đồng trong năm 2023. Doanh thu thuần được dự báo giảm từ 28.173 tỷ đồng trong năm 2021 xuống còn lần lượt 21.541 tỷ và 17.730 tỷ trong năm 2022 – 2023.

Tổng sản lượng ống thép bán ra trong năm 2022 giảm gần 4% xuống còn 2,63 triệu tấn do thị trường trong nước suy yếu. Sản lượng xuất khẩu tăng trưởng 9,1% lên gần 259.000 tấn.

Triển vọng 2023 khi Trung Quốc mở cửa trở lại

Theo Chứng khoán SSI, nhu cầu trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt. Theo Bộ Xây dựng, số lượng căn hộ mới được cấp phép xây dựng trong ba quý đầu năm 2022 giảm 41% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, tiến độ của các dự án đang tồn đọng cũng có thể bị chậm lại do vấn đề thanh khoản của chủ đầu tư bất động sản. Kênh hộ gia đình (từng có khả năng phục hồi tốt hơn) cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của nền kinh tế nói chung, với tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, việc tăng tốc đầu tư công có thể giúp bù đắp một phần nhu cầu thép giảm từ kênh dân dụng.

Giá thép có khả năng ít biến động hơn trong năm 2023 do nhu cầu của Trung Quốc ổn định. Sau khi giảm khoảng 2 - 4% trong năm 2022, nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ không thay đổi hoặc phục hồi nhẹ khoảng 1 - 2% trong năm 2023 do được thúc đẩy bởi việc mở cửa trở lại trong những tháng đầu năm.

Nhu cầu của thị trường Trung Quốc có thể vẫn yếu, do doanh thu bán nhà ở mới giảm kể từ nửa cuối năm 2021, nhưng nhu cầu thép sẽ được hỗ trợ bởi các biện pháp gần đây của chính phủ nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản của các chủ đầu tư bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, sản lượng thép của các nhà sản xuất lớn nhất thế giới cũng sụt giảm do các nhà máy phải cắt giảm sản lượng sau một thời gian dài thua lỗ. Những yếu tố này có thể giúp giá thép khu vực ổn định hơn trong năm 2023. Tuy nhiên, ít có khả năng giá thép tăng mạnh, vì việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc cũng sẽ dẫn đến nguồn cung tăng.

Đa số các cường quốc về thép đều suy giảm sản lượng trong năm 2022. Tổng sản lượng thép toàn cầu trong 11 tháng đầu năm 2022 là 1,69 tỷ tấn, thấp hơn 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép dự kiến sẽ phục hồi 1% lên 1,8 tỷ tấn vào năm 2023, sau khi giảm 2,3% trong năm 2022. Nhu cầu ở cả thị trường Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ giảm trong năm tới do suy thoái kinh tế. Nhu cầu tại thị trường ASEAN dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm 2023, sau khi tăng trưởng 4 - 6% trong năm 2022.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang các đối tác thương mại lâu năm của Việt Nam vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng công suất những năm gần đây ở các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia, và Philippines. SSI dự báo xuất khẩu thép thành phẩm giảm hơn 10% trong năm 2023.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp được kỳ vọng phục hồi từ mức thấp (thậm chí thua lỗ nặng) của năm 2022 nhưng vẫn còn rủi ro cao. Nhu cầu yếu có thể dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, chỉ ở mức 60 - 75% (so với trên 80% trong năm 2022 và hơn 90% trong năm 2021), điều này sẽ gây áp lực lên doanh thu, dòng tiền và tỷ suất lợi nhuận của công ty trong năm tới.

Ngoài ra, khoảng cách giá giữa Việt Nam và các thị trường khác ngày càng thu hẹp sẽ khiến tỷ suất lợi nhuận xuất khẩu kém hấp dẫn hơn so với giai đoạn 2020-2021.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm