Khởi nghiệp

Tốt nghiệp đại học, về làng làm giàu: Mỗi ngày cho ra lò cả nghìn sản phẩm dao truyền thống

Đó là chia sẻ của anh Lê Ngọc Lâm (làng Đa Sỹ, Hà Nội) về câu chuyện giữ lửa nghề và cũng là công việc hàng ngày tại xưởng do anh làm chủ.

Được biết đến là làng nghề có truyền thống lịch sử lâu đời, làng nghề rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) hàng trăm năm nay đã và đang tạo công ăn việc làm và đưa lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân địa phương.

Tốt nghiệp đại học, về làng làm giàu: Mỗi ngày cho ra lò cả nghìn sản phẩm dao truyền thống - 1

Cơ sở sản xuất của anh Lê Ngọc Lâm là một trong những hộ tiên phong đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, các hộ gia đình làm nghề rèn tại làng Đa Sỹ đã đưa máy móc hiện đại vào sản xuất nhằm tăng sản lượng sản phẩm, tạo thu nhập cao cho người lao động. Cơ sở sản xuất của anh Lê Ngọc Lâm là một trong những ví dụ đó.

Là ông chủ thuộc thế hệ trẻ trong làng, anh Lâm đã mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ cao thay thế phương tiện thô sơ truyền thống. Nhờ đó, giờ đây mỗi ngày, cơ sở của anh Lâm có thể sản xuất ra gần 1.000 sản phẩm dao thái chỉ với khoảng 8 công nhân làm việc liên tục.

Nói thêm về nghề rèn, anh Lâm cho hay, ngày còn nhỏ, khi còn đi học ở làng, một buổi đi học còn một buổi anh thường phụ giúp bố mẹ làm rèn. “Cứ như vậy, tôi lớn lên cùng những âm thanh của đe búa, của sắt thép, của lò than, mồ hôi và cả những cực nhọc,... Từng công việc của làng rèn ngấm vào máu thịt của mỗi người con làng Đa Sỹ”... anh Lâm nói thêm.

Tốt nghiệp đại học, về làng làm giàu: Mỗi ngày cho ra lò cả nghìn sản phẩm dao truyền thống - 2

Anh Lê Ngọc Lâm - chủ cơ sở sản xuất dao Lâm Ánh, cũng là người từng tốt nghiệp ĐH và quyết định quay về làng khởi nghiệp từ nghề của cha ông

Được biết, anh Lâm từng tốt nghiệp ĐH Giao thông Vận tải và theo ngành xây dựng hàng chục năm. Tuy nhiên, do công việc vất vả lại thường xuyên phải xa gia đình, trong khi ở làng thì các thế hệ trẻ lại bỏ nghề nhiều quá, nên sau khi được vợ và người thân trong gia đình động viên, anh Lâm đã quyết định bỏ công việc từng theo học để về quê khởi nghiệp với nghề "tay đe, tay búa".

“Mình mở xưởng làm được 7 năm rồi. Lúc nào cũng trăn trở với nghề, gia đình cũng động viên mình về mở xưởng, nhưng quyết định quay về nghề này có lẽ là do một lần mình xem chương trình “Sinh ra từ làng” trên truyền hình, thấy nhiều người học xong đại học cũng quay về làng quê khởi nghiệp và khá thành công, đã thực sự thôi thúc mình”...

Tốt nghiệp đại học, về làng làm giàu: Mỗi ngày cho ra lò cả nghìn sản phẩm dao truyền thống - 3

"Mình không nản, cũng không giấu dốt"... - là một trong những bí quyết thành công của ông chủ trẻ

Khi biết mình quyết định quay về nghề rèn, nhiều bạn bè và người dân trong làng cũng từng hỏi “tại sao mọi người bỏ nghề chẳng xong mày lại quay về làm cái nghề khổ cực này làm gì?”

“Mình không nản, cũng không giấu dốt. Khi mới mở xưởng làm, mình dành nhiều thời gian để học hỏi những người có kinh nghiệm trong làng, đồng thời nghiên cứu đầu tư các máy móc hiện đại có thể ứng dụng trong công việc.

Mới làm, vốn còn ít nên chỉ dám mua một hai máy thôi, xong mình cứ vay mượn dần vừa làm vừa trả nợ, rồi lại tích cóp mua thêm máy móc mới”.

Tốt nghiệp đại học, về làng làm giàu: Mỗi ngày cho ra lò cả nghìn sản phẩm dao truyền thống - 4

Nhờ đó, cơ sở của anh luôn có công việc đáp ứng cho 8 nhân công làm việc thường xuyên mỗi ngày

Đến nay, cơ sở của anh Lâm đã có 8 máy dập cùng nhiều máy hỗ trợ khác đi kèm, đáp ứng cho 8 nhân công làm việc thường xuyên mỗi ngày.

Anh Lâm là 1 số ít thanh niên trẻ tiếp tục nối nghiệp cha ông. Hàng năm, anh Lâm tích cực tham gia các khóa học nâng cao; thăm các các mô hình sản xuất của địa phương khác do Hiệp hội làng nghề tổ chức để trau dồi thêm kinh nghiệm.

Tốt nghiệp đại học, về làng làm giàu: Mỗi ngày cho ra lò cả nghìn sản phẩm dao truyền thống - 5

Cơ sở của anh Lâm sản xuất ra gần 1.000 sản phẩm dao thái mỗi ngày, chỉ với 8 công nhân làm việc

Không chỉ nghề rèn, hiện nay rất nhiều làng nghề khác cũng đang bị mai một do các sản phẩm truyền thống không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm hiện đại. Song, với tư duy của người có “học cao” thì những người con của làng nghề như anh Lâm đã góp phần giữ “lửa nghề” của cha ông.

“Không phải riêng mình, cũng có nhiều người con của làng từng đi học và quay trở về làng khởi nghiệp và đã rất thành công. Không nhất thiết mình học nghề gì phải là phải theo nghề đó. Mình được học nên tư duy, nhìn nhận các vấn đề xã hội của mình chắc chắn khác hơn, nếu biết tận dụng và kết hợp giữa kiến thức từ trường nghề và nghề của làng thì sẽ thành công và tốt hơn nhiều. Mình mong rằng sẽ có nhiều bạn trẻ may mắn được sinh ra từ các làng nghề truyền thống sẽ tiếp tục có cách giữ nghề truyền thống của cha ông theo cách riêng của mình”... ông chủ trẻ chia sẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm