Tối 20-1 (giờ Washington D.C), tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng.
Điểm nhấn của chương trình là việc ông Trump công khai ký khoảng 10 văn bản hành pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Một văn bản đáng chú ý là về việc lập tức rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Quỹ khó huy động thêm vốn
Các doanh nhân, start-up, nhà hoạt động vì khí hậu và cộng đồng phát triển bền vững nói chung đều lo ngại với việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris.
Đại diện Earth Venture Capital, quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào các giải pháp công nghệ chống biến đổi khí hậu, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng, quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris của Tổng thống Donal Trump sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghệ khí hậu.
Về mặt công nghệ, Tổng thống Donald Trump đã hứa rút trợ cấp xe điện (EV), cắt giảm Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), cho phép khoan dầu...
Tất cả những hành động này đều tác động tiêu cực đến công nghệ sâu trong ngành khí hậu.
"Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức tối qua, ông Trump đã nhắc lại những kế hoạch này, đúng như lời hứa trong các chiến dịch vận động tranh cử trước đây, và đưa ra gợi ý rằng những biện pháp này sẽ được thực hiện thông qua sắc lệnh hành pháp", đại diện Earth Venture Capital nói.
Các nhà đầu tư trong lĩnh vực khí hậu nhận định rằng triển vọng về một nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump đang tạo ra làn sóng bất định đối với lĩnh vực công nghệ khí hậu.
Được biết đến với các khẩu hiệu như "khoan dầu" hay việc gọi các vấn đề khí hậu là một "trò lừa bịp", sự trở lại của Trump tại Nhà Trắng có thể tái định hình việc tài trợ năng lượng sạch trên toàn cầu, buộc các nhà đầu tư, quốc gia và start-up phải thích nghi.
Tác động chương trình chuyển đổi năng lượng
Tác động không chỉ giới hạn trong phạm vi nước Mỹ mà còn ảnh hưởng đến địa chính trị toàn cầu và đổi mới công nghệ khí hậu, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á.
Các sáng kiến năng lượng sạch của Đông Nam Á có thể đối mặt với thách thức huy động vốn khi Tổng thống Trump thực hiện cam kết cắt giảm chi tiêu cho khí hậu và tập trung vào các ngành công nghiệp trong nước.
Mỹ hiện là đối tác quan trọng trong các chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Indonesia và Việt Nam, nhằm giúp các quốc gia này chuyển đổi khỏi than đá và áp dụng các nguồn năng lượng sạch hơn.
Mỹ đã cam kết 2 tỉ USD trong tổng số 20 tỉ USD được các quốc gia giàu có và tổ chức tài chính hứa hẹn cho Indonesia và 1 tỉ USD trong số 15,5 tỉ USD dành cho Việt Nam.
Việc rút lui hoàn toàn sẽ khiến các chương trình JETP gặp khó khăn về tài chính vào thời điểm nguồn vốn đang chậm triển khai.
Dù vậy, một cú sốc ngay lập tức có thể không xảy ra. Chính phủ Mỹ không phải là nguồn tài trợ trực tiếp lớn cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Đông Nam Á.
Các nền kinh tế Đông Nam Á đang đối mặt với cả tác động của biến đổi khí hậu và sự thay đổi địa chính trị, đây vừa là thách thức vừa là cơ hội.
Nếu không có sự tham gia mạnh mẽ từ Mỹ, các quốc gia này sẽ có ít đối tác hơn trong việc tiếp cận công nghệ khí hậu tiên tiến nhất, đồng thời có thể thúc đẩy động lực khu vực và thu hút đầu tư từ các đối tác toàn cầu khác.
Đông Nam Á hiện phụ thuộc vào Trung Đông cho 60% nhu cầu dầu mỏ, khiến khu vực dễ bị tổn thương trước các cú sốc địa chính trị như xung đột Nga - Ukraine.
Năm 2022, các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch đã đạt mức kỷ lục 105 tỉ USD và nếu không có sự thay đổi, chi phí nhập khẩu dầu hằng năm có thể tăng lên 200 tỉ USD vào năm 2050.
Đại diện Earth Venture Capital nhận định rằng sắp tới sẽ là giai đoạn "lửa thử vàng" và cũng là lúc sàng lọc mạnh mẽ hơn nữa những công ty không có khả năng cạnh tranh.
"Đây là thời điểm nguồn vốn tư nhân phải thay thế nguồn vốn công và các khoản trợ cấp. Đồng thời, các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ đối mặt với khó khăn hơn trong việc gọi vốn từ các đối tác", đại diện Earth Venture Capital nói.
Kéo theo đó, các start-up trong lĩnh vực này cũng sẽ gặp nhiều thử thách hơn trên con đường huy động vốn sắp tới.
Nhưng có thể, đây cũng là cơ hội để các quỹ chắt lọc, đầu tư vào những start-up chất lượng, giải quyết các vấn đề thực tế và có khả năng thay đổi ngành.
Sau nhiều năm đàm phán, việc ký kết Thỏa thuận chung Paris năm 2015 đã cam kết hầu như mọi quốc gia trên hành tinh, bất kể quy mô, sự giàu có hay mức độ ô nhiễm, sẽ đặt ra các mục tiêu ngày càng mạnh mẽ hơn để cắt giảm lượng khí thải carbon.
Mục tiêu: Giữ mức tăng nhiệt độ kể từ thời kỳ tiền công nghiệp "dưới mức" 2 độ C và lý tưởng nhất là không cao hơn 1,5 độ C.
Nếu không có sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, thế giới sẽ tụt hậu xa hơn nữa so với mục tiêu của Thỏa thuận Paris là hạn chế sự nóng lên của Trái đất ở mức 1,5 độ C, ngưỡng có thể đẩy nhanh tốc độ thiệt hại về khí hậu.
Sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc huy động tài chính khí hậu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và đảm bảo thực hiện công bằng các mục tiêu khí hậu toàn cầu.