Tài chính

Hé lộ những con số lợi nhuận ngân hàng đầu tiên trong quý III

2023 được nhiều ngân hàng đánh giá là năm khó khăn của ngành, tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành được các tổ chức dự báo tăng trưởng khoảng 10% vào đầu năm, nhưng đến thời điểm hiện tại đã có công ty chứng khoán giảm mức này xuống chỉ hơn 5%.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm (gồm: VPBank, PG Bank, Bac A Bank, Saigonbank, Bao Viet Bank và LPBank) với bức tranh chung không mấy khả quan. 4 trong số đó ghi nhận lợi nhuận giảm hai con số trong quý III và hai ngân hàng còn lại có tăng trưởng nhưng ở mức thấp.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của VPBank cho thấy lợi nhuận trước thuế trong quý III đạt hơn 3.117 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm VPBank lãi trước thuế 8.279 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước, mới chỉ thực hiện được khoảng gần 35% kế hoạch đặt ra đầu năm (24.003 tỷ đồng).

Tuy nhiên, hoạt động của VPBank cũng có những điểm sáng với tăng trưởng tín dụng cao, tại ngân hàng mẹ  tăng hơn 22% so với đầu năm, đạt hơn 488.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần so với mức tăng trưởng trung bình ngành 6,9% tới cuối tháng 9. Nhờ đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng mặc dù giảm 15% so với cùng kỳ nhưng vẫn là mức cao nhất trong ba quý trở lại đây.

Cùng với đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA), nguồn vốn chi phí rẻ của ngân hàng, ghi nhận tăng trưởng hơn 22% so với đầu năm, góp phần nâng tỷ lệ CASA lên 17%.

Ngân hàng cũng cho biết công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, được ví là cánh tay nối dài của VPBank, đã qua giai đoạn đầu tái cơ cấu đã dần tìm lại quỹ đạo tăng trưởng khi bắt đầu ghi nhận các khoản lỗ giảm dần và lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý III.

 

Trước đó, Bac A Bank cũng công bố lợi nhuận trước thuế quý III giảm mạnh 73% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 77 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm 22,9% đạt gần 560 tỷ đồng mặc dù đã cắt giảm 33% chi phí dự phòng rủi ro.

Điểm tích cực trong báo cáo tài chính kỳ này của Bac A Bank là tốc độ tăng quy mô tổng tài sản và huy động vốn vẫn duy trì ở mức hai con số, tăng lần lượt 12,6% và 18,2% so với đầu năm. Trong khi đó, chất lượng tài sản vẫn được duy trì với tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,77%.

PG Bank, ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cấu trúc sau khi cổ đông lớn Petrolimex thoái vốn, cũng công bố kết quả kinh doanh không mấy tích cực với lợi nhuận trước thuế quý III giảm hơn 60% so với cùng kỳ chỉ đạt hơn 56 tỷ đồng.

Đà tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đã chậm lại từ quý II và thể hiện sự đảo chiều ở quý III. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, PG Bank lãi 360 tỷ đồng trước thuế và 288 tỷ đồng sau thuế, đều giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. 

Ở chiều ngược lại, Saigonbank - ngân hàng có quy mô tài sản thấp nhất trong hệ thống, lại là nhà băng đầu tiên ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận nhưng chủ yếu nhờ cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý III đạt 64,7 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Saigonbank lãi trước thuế 248 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được gần 83% mục tiêu lợi nhuận cả năm. 

Hay như LPBank,lợi nhuận trước thuế quý III đạt 1.241 tỷ đồng, nhích nhẹ so với cùng kỳ năm trước (quý III/2022 đạt 1.233 tỷ đồng),tăng 41% so với quý trước. Luỹ kế trong ba quý đầu năm lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 3.678 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước, đạt 61,45% kế hoạch cả năm.

Ngân hàng Bảo Việt cũng vừa công bố báo cáo tài chính với lãi trước thuế quý III đạt 9,1 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng lãi trước thuế 33,8 tỷ đồng, giảm 6,7%.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, cho vay khách hàng và huy động tiền gửi của ngân hàng đều tăng hai chữ số lần lượt tăng 16,4% và 18,6% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng có sự sự đóng góp lớn từ các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm tốc và phân hoá mạnh

Trong báo cáo phân tích ngành năm 2023, nhiều công ty chứng khoán đã dự báo lợi nhuận trước thuế của toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc trong năm 2023 và tiếp tục phân hóa mạnh trong năm tiếp theo.

Các nhà phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng (nhóm cổ phiếu được BVSC phân tích) so với cùng kỳ năm trước đạt 8% trong quý III, đạt 5,5% trong hai quý cuối năm và 5,2% trong cả năm 2023. Sang năm 2024, lợi nhuận của nhóm ngành này mới có thể khởi sắc, ước đạt 18,9% khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi. 

Trước đó, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 tăng khoảng 10% - 15% so với năm 2022,giảm đáng kể so với mức tăng trưởng bình quân gần 35% trong năm trước.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2023 sẽ tăng trưởng khoảng 10%. Trong đó sẽ có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng và sự phân hóa này càng tiếp tục mạnh mẽ hơn trong năm 2024.

"Một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2024 nếu thị trường bất động sản và tình hình vĩ mô trên thế giới xấu đi khiến tín dụng chậm lại và khả năng trả nợ của khách hàng khó hồi phục, đồng thời với việc các thông tư và chính sách hỗ trợ hết hiệu lực", VCBS nêu rõ.

Mới đây nhất, Chứng khoán SSI (SSI Research) ước tính dự báo tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng niêm yết dự kiến có sự phân hóa mạnh.

Một số như Sacombank, VietinBank, Vietcombank, MB hay ACB có thể ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận lên tới hai con số. Trong khi đó, một số ngân hàng như VIB, Techcombank, BIDV, MSB, TPBank có thể chứng kiến lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ. 

 

Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm được lý giải bởi những nguyên nhân như tăng trưởng tín dụng thấp, biên lãi thuần (NIM) bị thu hẹp, nguồn thu từ mảng ngân hàng đầu tư và bảo hiểm cần thêm thời gian để hồi phục, áp lực trích lập dự phòng,...

Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng trong ngắn hạn, ngành ngân hàng sẽ vẫn phải đối diện với những khó khăn từ làn gió ngược trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance). Do đó, nguồn thu từ mảng ngân hàng đầu tư và bảo hiểm cần thêm thời gian để hồi phục. Tuy nhiên, vẫn có thể nhìn thấy những điểm sáng về triển ngành trong nửa sau của năm 2023. 

Các chuyên gia phân tích dự báo biên lãi thuần (NIM) ngành ngân hàng sẽ tạo đáy trong quý III và bắt đầu phục vụ từ quý IV.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm