Dân khổ trăm bề
Bản Bình Quang, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, Nghệ An có 136 hộ dân phải di dời vì sẽ ngập sau khi hồ Bản Mồng tích nước. Mặc dù không quá xa Quốc lộ 48 nhưng người dân ở đây phải sống trong cảnh đường đất, không điện, không sóng điện thoại. “Hơn 10 năm rồi, chúng tôi “đi không được, ở cũng không xong”, cứ nghĩ sẽ được bồi thường để di dời nên nhà cửa hư hỏng cũng không dám sửa. Do cả bản phải di dời nên đường sá không được đầu tư để sửa chữa, điện lưới không có, sóng điện thoại cũng không, người dân chúng tôi rất khổ sở”, ông Nguyễn Minh Giảng (trú bản Bình Quang, xã Châu Bình) tâm sự.
Theo ông Giảng, hiện cả bản có hơn 30 hộ dân vẫn chưa được bồi thường để di dời. Trước đó, nhiều hộ dân đăng ký di dời đến khu tái định cư, nhưng khu tái định cư đến nay vẫn dang dở sau nhiều năm xây dựng, người dân chán nản, một số người tự tìm nơi ở mới. “Thực tế chưa có hộ dân nào được tái định cư. Một số người dân sau khi nhận các khoản kinh phí bồi thường, hỗ trợ thì đang phải tự lo chỗ ở. Có hộ đã mua được đất để làm nhà. Một số hộ sau khi nhận tiền bồi thường đã chuyển đi nơi khác. Một số thì ở tạm nơi cũ, thuê nhà, hoặc tá túc nhờ anh em. Chúng tôi mong nhà nước sớm giải quyết để dân được chuyển đến nơi ở mới, an cư, lập nghiệp”, ông Giảng cho hay.
Toàn cảnh hồ thủy lợi Bản Mồng
Châu Bình là xã có diện tích ngập trong lòng hồ nhiều nhất phải giải phóng mặt bằng 534 ha, trong đó có 195 hộ dân phải di dời nhà cửa. Lãnh đạo UBND xã Châu Bình cho biết, dự án kéo quá lâu, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng rót về “nhỏ giọt” khiến cả người dân cả chính quyền đều mệt mỏi. “Người dân vùng giải tỏa không dám sửa nhà, không dám trồng cây dài ngày vì sợ trồng xong bị thu hồi đất, cứ thấp thỏm chờ đợi năm này sang năm khác. Do phải di dân nhiều, diện tích thu hồi lớn nên xã cũng khổ lây, đến nay vẫn chưa thể xây dựng được quy hoạch chung cho xã để xây dựng hạ tầng”, vị lãnh đạo này nói.
Để có nơi ở mới cho người dân phải di dời nhà cửa, huyện Quỳ Châu đã cho xây dựng hai khu tái định cư tại xã Châu Bình. Tuy nhiên, sau nhiều năm xây dựng, người dân vẫn chưa thể đến làm nhà ở hai khu tái định cư này. Hiện, khu tái định cư số 1 đã xong nhưng độ dốc lớn, cần phải điều chỉnh lại. Khu tái định cư còn lại phải chờ ngăn đập phụ xong mới thi công được.
Cần thêm 1.850 tỷ đồng
Dự án hồ thủy lợi Bản Mồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt khởi công năm 2009, với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Dự án được xây dựng trên thượng nguồn sông Hiếu thuộc địa phận xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Lòng hồ rộng 25 km2, chủ yếu nằm tại huyện Quỳ Châu (Nghệ An) và một phần thuộc huyện Như Xuân (Thanh Hóa), sức chứa 225 triệu m3 nước. Bản Mồng là công trình đại thủy nông lớn nhất Nghệ An, cấp nước tưới cho gần 19.000 ha ven sông Hiếu, cấp nước cho sông Cả về mùa cạn với lưu lượng khoảng 22 m3/s và cho công nghiệp dân sinh, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, công trình còn tham gia kết hợp phát điện với công suất 45MW, cải tạo môi trường, giảm một phần lũ cho vùng hạ du sông Hiếu.
Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Nghệ An đã bồi thường, giải phóng mặt bằng được 672 ha, kinh phí 574 tỷ đồng, nhưng vẫn như “muối bỏ biển”. Ban đầu, tiến độ hoàn thành hồ thủy lợi Bản Mồng là năm 2015. Tính từ lúc phê duyệt vào năm 2009, đến nay các chế độ, chính sách, định mức, đơn giá, cũng như khối lượng phải đền bù, giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi. Vì vậy việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vẫn chưa thể thực hiện. Việc này dẫn đến nhiều hệ lụy, người dân chưa thể ổn định cuộc sống, các công trình giao thông, trường học, trạm xá... không được đầu tư do thuộc diện di dời.
Ông Nguyễn Hào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, dự án hồ thủy lợi Bản Mồng đang chờ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Về tổng vốn hơn 3.700 tỷ đồng được bố trí, đến nay đã sử dụng hết, cần điều chỉnh tăng thêm 1.850 tỷ đồng. “Do thời gian thực hiện dự án kéo dài, nguồn vốn nhỏ lẻ, trượt giá và một số chính sách thay đổi dẫn tới tổng mức tăng lên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ bố trí vốn cho giai đoạn 2021 - 2025 là 1.850 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2006, dự án thủy lợi Bản Mồng chỉ có thông báo chủ trương đầu tư, song luật mới quy định phải có quyết định chủ trương đầu tư nên bị vướng, cần phải chờ để điều chỉnh lại”, ông Hào cho hay.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Nghệ An hồi tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra tiến độ dự án thủy lợi Bản Mồng. Tại đây, Thủ tướng phê bình dự án triển khai quá lâu, không đúng tiến độ, gây lãng phí. Để gỡ khó cho dự án, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm giải quyết vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý để đưa nguồn vốn bổ sung vào thi công, đồng thời sớm trình các cơ quan chuyên môn phê duyệt giai đoạn 2 của dự án.