Phong cách sống

Hành trình tới chuyến lặn tự do trong hang Sơn Đoòng của cô gái Sài Gòn mê lặn biển

Trong lần du lịch Philippines cách đây vài năm, Zen Le được một người bạn bản địa chỉ cho cách nín thở để lặn xuống biển xem san hô. Lúc mới đầu, cô không thể ở sâu trong nước nhưng sau nhiều lần cố gắng, cô cuối cùng cũng làm được. Zen Le thích cảm giác bơi ngập hẳn dưới nước như cô gái đại dương và hoàn toàn choáng ngợp trước vẻ đẹp của tự nhiên nơi đáy biển. 

Zen Le bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về môn lặn tự do (freediving), những thông tin về kỹ thuật, các dive-gears (thiết bị lặn) trên các diễn đàn freediving thế giới, kết bạn với các freediver nước ngoài và được chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm giữ an toàn trong khi lặn.

Hành trình tới chuyến lặn tự do trong hang Sơn Đoòng của cô gái Sài Gòn mê lặn biển - Ảnh 1.

Zen Le biết đến môn thể thao lặn biển tự do đã nhiều năm. Ảnh: NVCC

Lặn biển – thú vui gây nghiện

Hiện đang sinh sống và làm việc tai TP HCM, Zen Le là cái tên nổi tiếng trong cộng đồng những người đam mê freediving ở Việt Nam. Lặn tự do vốn là bộ môn thể thao được chơi nhiều trên thế giới nhưng mới chỉ được biết đến trong nước vài năm trở lại đây. Đặc biệt, trong khoảng hai năm từ 2020 đến 2022, freediving mới thực sự phổ biến, trở thành một trào lưu xuyên suốt các vùng biển Việt.

Khác với lặn thông thường, lặn tự do hay elặn da là hình thức lặn dưới nước chỉ dựa vào việc nín thở cho đến khi nổi lại chứ không sử dụng thiết bị thở. Vì điều này, những người chơi được freediving phải thực sự bản lĩnh, có kỹ thuật tốt và hơn hết là trau dồi kỹ năng sinh tồn dưới nước.

“Biển ở Việt Nam mình đã lặn qua hầu hết rồi, như Quảng Bình, Đà Nẵng, Cù Lao Chàm, Quy Nhơn, Vũng Bồi, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc… và một số vùng biển tại Philippines. Mình đặc biệt ấn tượng với Côn Đảo vì vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ hiếm nơi đâu có được”, Zen Le chia sẻ.

Hành trình tới chuyến lặn tự do trong hang Sơn Đoòng của cô gái Sài Gòn mê lặn biển - Ảnh 2.

Vẻ đẹp tự nhiên của đại dương là điều thu hút đầu tiên đối với những người chơi môn lặn tự do. Ảnh: NVCC


Zen Le kể trải nghiệm được bơi cùng đàn rùa biển, ngắm nhìn chúng thảnh thơi ăn rong rêu giữa luồng nước yên bình. Hoặc có lần khác, Zen được ngắm đàn cá heo nhảy lên khỏi mặt nước ở Boracay, Philippines. Khi lặn sâu dưới đáy biển, Zen Le cảm nhận nước rất hiền hòa, êm ái như chiều theo cảm xúc của người chơi. Đó là một phần khác hoàn toàn của thế giới mà chỉ những người can đảm vượt qua ranh giới an toàn mới có thể nhìn thấy và hòa mình trong đó.

Dù mang lại trải nghiệm mới lạ và phấn khích nhưng lặn tự do vẫn là một trong những môn thể thao nguy hiểm, người chơi cần phải có kiến thức an toàn với chuyên gia trước khi thực hiện một ca lặn. Đầu tiên là phải có khả năng bơi lội tốt, thực sự tự tin khi ở dưới nước để nếu có tình huống xấu xảy ra sẽ không bị hoảng loạn. Nếu muốn thử thách bản thân với môn thể thao này, Zen Le khuyên nên đăng ký khóa học ở trung tâm lặn trước khi thực hành ngoài biển.

Các kỹ năng như nín thở (static), tập fins (dynamic), lặn đúng để giảm lực cản của nước và mất sức tiêu tốn oxy (duckdive), cân bằng áp suất trong khoang tai ( equalize/frenzel)... Còn với các thiết bị lặn, người chơi cần mua chân vịt (fins), mặt nạ (mask), ống thở (snorkel), chì và dây chỉ (weight belt). Ngoài ra, tùy vào vùng nước mà người chơi cần thêm áo quần rashguard để bảo vệ da, hoặc wetsuit để giữ ấm cơ thể…

Hành trình tới chuyến lặn tự do trong hang Sơn Đoòng của cô gái Sài Gòn mê lặn biển - Ảnh 3.

Có khá nhiều thiết bị mà người chơi cần chuẩn bị khi tham gia bộ môn này. Ảnh: NVCC


Nếu một người đã có sẵn đam mê dịch chuyển, thích đi du lịch thì nếu có cơ hội tiếp xúc với lặn tự do, họ sẽ dễ dàng cảm mến và trở thành người chơi đích thực. Lặn biển giúp thỏa mãn sự tò mò về thế giới xung quanh, khám phá nhiều điều mới lạ mà nếu như cứ ở mãi trên cạn, sẽ chẳng bao giờ đôi mắt của con người có thể thấy được.

Với những người chơi người lặn biển chuyên nghiệp như Zen Le, động lực để họ giữ đam mê ngoài việc được mục sở thị cảnh đẹp dưới đáy đại dương thì những bức ảnh đẹp đến mê hồn cũng là yếu tố quan trọng. Họ hòa chung vào làn nước trong xanh và dường như không có khoảng cách với những sinh vật tự nhiên dưới đáy biển. Ở đó, họ mang tâm thế dù nhỏ bé nhưng rất tự tin làm cho bức ảnh càng trở nên cuốn hút.

Để có ảnh đẹp, những người trong cùng đội lặn sẽ thay phiên chụp cho nhau. Ở mỗi vùng biển, Zen sẽ kết nối với những người bạn địa phương, người đó sẽ chỉ cho Zen dòng chảy, độ sâu… để có thể tìm được góc chụp ảnh đẹp. Tuy nhiên, vì địa hình dưới nước khó để định hình hơn trên cạn nên đôi khi, kế hoạch đã định trước sẽ không thực hiện được mà thay vào đó là động tác và thần thái hoàn toàn tự nhiên, mang đến một tinh thần rất khác.

Hành trình tới chuyến lặn tự do trong hang Sơn Đoòng của cô gái Sài Gòn mê lặn biển - Ảnh 4.

Chụp ảnh dưới nước là trải nghiệm khác hoàn toàn, và thành phẩm có được cũng không hề tệ. Ảnh: NVCC


Dù lặn biển rất thoải mái và mang về ảnh đẹp nhưng freediving cũng tiềm ẩn nhiều sự nguy hiểm. Những người trong giới lặn biển thường bảo nhau rằng, nhất định không bao giờ được đi lặn một mình bởi sẽ rất khó xử lý sự cố.

“Tai nạn đáng nhớ nhất với mình là đợt lặn ở Nha Trang mùa biển tháng 5, mình chạm phải loài sứa lửa khiến một chân tê rát, da bị bỏng. Mình phải ngay lập tức dừng ca lặn và bơi về thuyền chỉ với một chân. Cũng may lúc đó biển êm, mình đi cùng cả đội và được sơ cứu kịp thời nên đã vào bờ an toàn”.

Lặn ở Hang Sơn Đoòng là một trải nghiệm khác biệt

Vừa qua, Zen Le thực hiện thành công tour khám phá Hang Sơn Đoòng và ngay tại đây, cô còn có cơ hội thực hiện kỹ năng freediving. Zen cho hay cảm giác được lặn ở một kỳ quan khác rất nhiều so với lặn ở những vùng biển thường.

“Mình được đơn vị tổ chức tour Oxalis và các chuyên gia hang động đặc cách lặn ở Hang Va, Hang Nước Nứt, nơi có hồ nước màu xanh ngọc bích và sông ngầm với lòng cát trắng như cát biển, bên dưới lòng hang có nhiều phiến đá to màu sắc đa dạng với hình thù kỳ lạ, một khung cảnh rất ảo diệu khi rọi ánh đèn pin vào”.

Hành trình tới chuyến lặn tự do trong hang Sơn Đoòng của cô gái Sài Gòn mê lặn biển - Ảnh 5.

Zen Le khi lặn ở Hang Sơn Đoòng. Ảnh: NVCC


Zen Le và đồng đội được cho phép lặn ở nhiều hang trong quần thể. Hang Én, hang động lớn thứ ba trên thế giới theo quan sát của Zen thì có nhiều cây khô màu trắng dưới lòng hồ do lũ đem vào cùng cá nhỏ màu trắng, nước trên bề mặt hang trong nhưng ở đáy sâu là lớp bùn rất dày. Hành Lang Hóa Thạch, nơi hoàn toàn tối đen không có một tia ánh sáng tự nhiên gây cảm giác thú vị và tò mò nhất với Zen Le vì có dòng nước trong chảy qua một khe nứt giữa các tảng đá. Zen lặn nhưng không xuống được sâu vì ở dưới 3m có nhiều rãnh sụt. Tại điểm lặn này, Zen cùng các bạn phải đội mũ bảo hiểm vì không gian hẹp, nhiều đá nguy hiểm.

Không chỉ riêng Zen Le, với nhiều người khác, việc được đặt chân đến Hang Sơn Đoòng và vượt qua kỳ quan này giống như một kỳ tích. Đặc biệt với người Việt Nam, họ còn mang trong mình niềm tự hào vì sau chuyến đi có thể biết được vẻ đẹp tiềm ẩn thực sự là như thế nào. Ở đó, từng phiến đá viên sỏi đều ẩn chứa sự huyền bí của lịch sử và hùng vĩ do thiên nhiên tạo ra. Khi bước chân đầu tiên đặt vào trong hang, Zen Le thấy mình thật nhỏ bé nhưng càng đi, tinh thần vượt thử thách càng giúp cô vững bước hơn.

Bức Tường Việt Nam cao 90 m là điểm cuối của cả cuộc hành trình. Tại đây, đoàn khám phá phải đu dây để ra khỏi Sơn Đoòng. Zen Le không thể bỏ lỡ cơ hội được lặn ở dòng nước ngầm dưới chân tường, cô còn có bức ảnh lặn với với cờ Việt Nam, ngay tại đây. Nước ở vị trí này trong xanh không kém nước biển nhưng phía dưới sâu cũng nhiều bùn đất. Với Zen, khi được lặn tại đây dù không thoải mái tự tại như ngoài biển nhưng cảm giác trân trọng từng giọt nước khiến cô nhớ mãi. Không thể diễn tả bằng lời, Zen chỉ có thể cảm nhận và để ở trong tim, coi đó là một trong những lifetime experience không thể nào quên.

Hành trình tới chuyến lặn tự do trong hang Sơn Đoòng của cô gái Sài Gòn mê lặn biển - Ảnh 6.

Cờ tổ quốc đi cùng Zen Le dưới chân Bức Tường Việt Nam. Ảnh: NVCC


Trở về từ Sơn Đoòng, nhóm của Zen Le đang lên kế hoạch cho những chuyến đi xa, mà mục tiêu sắp tới sẽ là những vùng biển lặn như Sipadan (Malaysia), Pulau Weh (Indonesia), Koh Tao (Thái Lan), Great Barrier Reef (Australia)...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm