Thời sự

Doanh nghiệp phải làm gì trước tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng?

Xe máy tăng giá "sốc" vì khan hàng

"Sốc là từ mà nhiều người tiêu dùng phải nhắc đến khi đi mua xe máy bởi thời gian gần đây hàng loạt các mẫu xe tay ga đã tăng giá chóng mặt, từ vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng.

Với mẫu xe Honda Vison bản cá tính, trong khi giá bán đề xuất của nhà máy chỉ ở mức 35 triệu đồng thì tại 1 đại lý bán xe máy ở quận Cầu Giấy, mẫu xe giá này được báo giá tới hơn 46 triệu đồng, tăng tới hơn 11 triệu đồng.

Một mẫu xe khác là Air Blade cũng ở trong tình trạng bị tăng giá tới hơn 7 triệu đồng. Trong khi giá bán đề xuất của hãng là trên 43 triệu đồng tại một số đại lý, giá xe này đã tăng tới 51 triệu đồng.

Các nhân viên bán hàng cho biết, việc tăng giá bán xe máy là do các đại lý chủ động tăng lên vì khan hàng, chứ không liên quan gì đến giá đề xuất của hãng.

Giá tăng cao, nhưng khách hàng muốn mua cũng khó khăn vì khan hàng. Khảo sát tại các cửa hàng bán xe Yamaha, các mẫu xe tay ga dù không tăng giá nhưng cũng vẫn rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung. Các đại lý cho biết, việc khan hiếm nguồn cung của xe máy còn có thể diễn ra một vài tháng tới.

Chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục gặp thách thức

Theo báo Nikkei, hàng tồn kho của hơn 2 nghìn công ty sản xuất niêm yết trên toàn cầu đạt mức kỷ lục 1,87 nghìn tỷ USD, cao nhất trong 10 năm. Sự tích tụ hàng tồn kho này có thể đến từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc một số công ty dự trữ để tránh tình trạng thiếu hàng. Vấn đề tồn kho lớn cùng với tiêu thụ chậm có thể khiến các nhà sản xuất ngừng làm việc, ảnh hưởng nghiêm trọng thêm đến suy giảm kinh tế thế giới đang diễn ra.

Tờ EuropeanSting nhận định căng thẳng Nga - Ukraine cản trở dòng chảy của hàng hoá, tăng chi phí đáng kể, gây thiếu hụt sản phẩm và tạo ra thảm hoạ thiếu lương thực trên toàn thế giới bởi Nga và Ukraine chiếm khoảng 1/3 sản lượng lúa mì, 1/4 sản lượng lúa mạch của thế giới và 75% nguồn cung cấp dầu hướng dương… đều là những mặt hàng lương thực quan trọng.

Trang Yahoo Finance cho rằng chính sách ZERO-COVID, tức là "Không COVID" của Trung Quốc sẽ có thể cản trở chuỗi cung ứng toàn cầu vì chính sách này cho phép các thành phố lớn của nước này có thể đóng cửa bất cứ lúc nào nếu các quan chức lo ngại về sự gia tăng số ca mắc mới. Đây là một vấn đề đáng lưu tâm khi 40% công suất sản xuất toàn cầu là ở Trung Quốc.

Thách thức của doanh nghiệp sản xuất trước tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng

Trước những biến động về giá cả thị trường như hiện nay, một số hãng xe đưa ra lời khuyên cho khách hàng là nếu không quá cấp thiết thì cũng không nên mua xe tại thời điểm này. Và cũng theo đại diện một số hãng xe, việc đứt gãy nguồn cung đang từ từ được khắc phục từ đầu tháng 7 này khi thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đang có những động thái dỡ bỏ hạn chế, nhưng để về trạng thái bình thường thì vẫn cần thời gian và sẽ cần phải có những giải pháp để ứng phó.

Bà Đỗ Thu Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Honda Việt Nam, cho biết: "Việc mất cân bằng cung cầu sẽ đẩy giá các sản phẩm tăng cao. Với việc dỡ bỏ hạn chế của Thượng Hải gần đây, chúng tôi hy vọng có thể tăng dần số lượng cung ứng cho thị trường từ tháng 7 để đáp ứng nhu cầu của khách hàng".

Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang tác động không nhỏ đến ngành dệt may. Chi phí nguyên phụ liệu, cước vận tải tăng cao khiến một số doanh nghiệp không dám tiếp tục nhận thêm đơn hàng, thậm chí phải dừng sản xuất vì chưa lường trước được bài toán lỗ lãi.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, nói: "Đến nay, các chi phí nguyên vật liệu đã tăng trung bình như nguyên liệu tăng 10%, nhân công tăng đến 19%. Các thị trường chính của chúng tôi hiện nay cũng đang chịu ảnh hưởng khủng hoảng nên có xu hướng giảm đơn hàng, cắt giảm chi tiêu".

Các chuyên gia cho rằng, tình trạng dán đoạn chuỗi cung ứng khó có thể được giải quyết trong ngày một ngày hai. Do vậy, đứng trước những thách thức như hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh xây dựng quy trình sản xuất tiến tới kinh tế tuần hoàn, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để giảm sự phụ thuộc vào sự gián đoạn chung của thế giới.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang làm rất nhiều cách để có thể bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung trong thời gian qua. Tuy nhiên, để có thể vận hành và đáp ứng được thị trường trong dài hạn, đa dạng nguồn cung, tìm kiếm thị trường nguyên liệu mới, tăng cường nội địa hóa, kết nối với các chuỗi phụ trợ trong nước… là những giải pháp cấp bách mà các doanh nghiệp cần lưu ý vào lúc này.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm