Dinh dưỡng

Hành trình bác sĩ vượt chông gai đưa máy mổ nội soi đầu tiên về Việt Nam

Tóm tắt:
  • Dàn máy mổ nội soi đầu tiên Việt Nam giá hơn 40.000 USD, nặng trên 100 kg.
  • Bác sĩ Nguyễn Tấn Cường vận động đưa máy về nước trong thời kỳ cấm vận.
  • Năm 1991, ông nhận máy tặng qua hội nghị, rồi đưa về Việt Nam bằng cách tháo rời.
  • Năm 1992, lần đầu mổ nội soi cắt túi mật, mở ra kỹ thuật mới cho y học Việt Nam.
  • Đến nay, phẫu thuật nội soi Việt Nam phát triển mạnh, gặt hái thành công quốc tế.

PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Cường, nay 72 tuổi, nguyên chủ nhiệm bộ môn Ngoại Đại học Y Dược TP HCM, nguyên trưởng Khoa Ngoại Gan Mật Tụy Bệnh viện Chợ Rẫy, nhớ lại năm 1991 khi ông "nỗ lực hết sức" để đưa được máy về Việt Nam như giấc mơ "vượt xa tầm với". May mắn, được sự giúp sức của nhiều Việt kiều về thăm quê hương và Trường Đại học Y Dược TP HCM, dàn máy hiện đại đã về tới Việt Nam, chỉ sau thế giới vài năm. Thời điểm ấy, kỹ thuật này mới được triển khai lần đầu tại Pháp năm 1987 và Mỹ cũng vừa thực hiện năm 1988. Trong khi đó, Việt Nam đang đối mặt muôn vàn khó khăn do hậu quả chiến tranh và cấm vận, y tế cực kỳ lạc hậu, đến găng tay phẫu thuật, kim tiêm, chỉ khâu còn không đủ dùng.

Năm 1991, bác sĩ Cường 38 tuổi, sang Mỹ tu nghiệp tại Bệnh viện St.Vincent, bang Indiana. Lần đầu đặt chân đến Bệnh viện St.Vincent, bác sĩ Cường bị choáng ngợp bởi khung cảnh nguy nga, hiện đại, vật tư y tế trong các ca mổ chỉ dùng một lần rồi vứt. Ông trải qua ba tháng làm thực tập sinh, vào phòng mổ quan sát và phụ giúp các ca lớn nhỏ. Hết thời gian tu nghiệp sắp về nước, ông đến chào bác sĩ Maurice Arregui - một trong những người tiên phong mổ nội soi của Mỹ, được giữ lại để phụ mổ riêng cho đến khi hết thời hạn visa (được cấp 9 tháng).

Cuối năm đó, bác sĩ Maurice Arregui đưa ông Cường đi dự hội nghị khoa học ở Chicago, giới thiệu với người phụ trách cửa hàng dụng cụ mổ nội soi - máy trưng bày tại khu vực triển lãm. Thấy ông Cường mê mải ngắm, hỏi han đủ thứ về dàn máy nội soi, một người đại diện hãng Solos bắt chuyện.

"Khi biết tôi là người Việt Nam, ông ấy hỏi học mổ nội soi xong về nước để áp dụng à, tôi bảo chắc 10 năm nữa may ra mới triển khai được vì y tế còn khó khăn lắm, kim chỉ khâu vết mổ còn thiếu huống hồ gì bộ máy mổ nội soi 40.000-50.000 USD", bác sĩ nhớ lại.

Bác sĩ Cường khi là thực tập sinh mổ nội soi tại Indiana, Mỹ, năm 1991. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Cường khi là thực tập sinh mổ nội soi tại Indiana, Mỹ, năm 1991. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Hơn một tuần sau, khi chuẩn bị khăn gói về nước, bác sĩ Cường bất ngờ nhận được cuộc gọi từ người đại diện hãng Solos thông báo "sẽ tặng dàn máy mổ nội soi". Hệ thống máy này chưa từng qua sử dụng, chỉ trưng bày ở nhiều hội nghị. Khi hãng chở máy và các thiết bị tới tặng, nhìn "đống máy móc to như cái núi", bác sĩ Cường vui mừng khôn xiết nhưng cũng lúng túng, lo lắng với vấn đề lớn là làm sao đưa về Việt Nam.

Trước đó, ông từng được một bác sĩ người Nhật tặng cuốn sách giáo khoa về phẫu thuật của Mỹ vừa xuất bản, cập nhật những kiến thức mới nhất. Thưở ấy, các bác sĩ Việt Nam rất khó khăn trong tiếp cận tài liệu y khoa nước ngoài, dẫn đến việc chẩn đoán, điều trị còn lạc hậu. Nhận được cuốn sách "quý hơn vàng", ông Cường ra bưu điện gửi về nước nhưng bị từ chối vì quy định "quá 10 pounds thì không được gửi về Việt Nam" (10 pounds tương đương 4,5 kg. Ông đành ôm cuốn sách nặng hơn 6 kg về, "cảm nhận sâu sắc sự nghiệt ngã của lệnh cấm vận", chuyện gửi hàng riêng lẻ về Việt Nam trở thành điều bất khả thi thì hệ thống máy hơn 100 kg thì phải làm thế nào.

May mắn quen biết nhóm Việt kiều chuẩn bị về thăm quê hương, ông Cường rã hệ thống máy nội soi ra, nhờ mỗi người mang một vài thành phần máy vào hành lý ký gửi. Song, các phần máy móc về tới sân bay Tân Sơn Nhất đều bị hải quan giữ lại, còn nhóm Việt kiều phải giải trình với hải quan là "xách đồ giùm cho bác sĩ Cường mà không rõ là gì".

"Năm đó lần đầu được tặng dụng cụ, tôi không biết để xin giấy xác nhận nên không có giấy tờ nào để chứng minh là hàng được tặng mới làm thủ tục thông quan được", ông nhớ lại. Trường ĐH Y Dược TP HCM phải làm giấy xác nhận giảng viên đi học nước ngoài mang máy về phục vụ giảng dạy, trị bệnh mới được hải quan cho nhận máy và miễn đóng thuế. Ông Cường đã thuê một chiếc xe ba bánh ra sân bay chở dàn máy móc cồng kềnh về bệnh viện.

Bác sĩ Cường bên dàn máy mổ nội soi do công ty Solos của Mỹ tặng, năm 1991. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Bác sĩ Cường bên dàn máy mổ nội soi do công ty Solos của Mỹ tặng, năm 1991. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Về nước, bác sĩ Cường "báo cáo chuyện đi học" được bệnh viện, các đồng nghiệp rất hào hứng với kỹ thuật mổ nội soi lúc ấy rất mới lạ. Trường Đại học Y Dược TP HCM cung cấp 10 con chó để các bác sĩ mổ thực nghiệm trong 6 tháng, sau đó hội đồng giáo sư nghiệm thu kết quả, xin phép Bộ Y tế cho phép triển khai mổ trên người tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ca mổ nội soi cắt túi mật đầu tiên Việt Nam thực hiện trên bệnh nhân nữ 63 tuổi diễn ra ngày 23/9/1992. Bà sống chung với bệnh sỏi mật nhiều năm nhưng không dám mổ, lần này đăng ký mổ "kỹ thuật mới ít đau đớn". Thay vì rạch đường dài 15-20 cm trên thành bụng, bệnh nhân được mổ nội soi qua các lỗ trocar vài mm. Phương pháp mới này vượt xa về tính thẩm mỹ so với mổ mở thông thường, bệnh nhân ít đau đớn, có thể vận động sớm và xuất viện sau chừng hai ngày thay vì hơn một tuần.

"Trước đó do thiếu thốn vật tư, các cuộc mổ thường kéo dài, mất nhiều máu, bệnh nhân lại không có thuốc giảm đau sau mổ nên rất ám ảnh với chuyện mổ xẻ", bác sĩ nói, thêm rằng khi triển khai, nhiều người bày tỏ "mổ nội soi giống như liều thuốc tiên với họ".

Để duy trì các mổ nội soi trong điều kiện nhiều khó khăn, các bác sĩ phải loay hoay tìm đủ mọi cách. Không có clip để kẹp ống túi mật, kẹp mạch máu, bác sĩ nghĩ ra cách thắt chỉ ngoài ổ bụng rồi đẩy vào cột trong ổ bụng. Ban đầu mổ phải dùng 4 lỗ trocar, dần dần bác sĩ cải tiến, bỏ bớt chỉ còn hai hoặc một lỗ. Trocar thay vì dùng một lần sẽ được chẻ nhỏ ra, đem đi sát trùng dùng hàng chục lần. Rất nhiều dụng cụ bác sĩ Cường nhặt về từ các thùng rác y tế lúc đi học Mỹ khi thấy "dùng một lần vẫn còn tốt nhưng người ta vứt bỏ", cũng được đem ra tận dụng trong thời gian này. Nguồn sáng, camera nội soi bị trục trặc không chỗ sửa, mọi người chia nhau ra chợ Nhật Tảo (chợ điện tử và hàng cũ nổi tiếng "tìm gì cũng thấy" của TP HCM thời ấy) tìm kiếm phụ tùng rồi mày mò cách chữa.

Thành công của những ca mổ đầu tiên gây được tiếng vang, đi vào lịch sử ngành y Việt Nam. Hai năm sau, Mỹ dỡ bỏ cấm vận, nhiều bệnh viện trên cả nước bắt đầu mua máy và thực hiện mổ nội soi. Êkíp của bác sĩ Cường tiếp tục đi đầu triển khai hàng loạt loại hình phẫu thuật nội soi, chuyển giao cho các nơi, đào tạo hàng trăm phẫu thuật viên mổ nội soi khắp cả nước.

Ca mổ nội soi đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tháng 9/1992. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Ca mổ nội soi đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tháng 9/1992. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Câu chuyện để bác sĩ Cường có được "chuyến đi tu nghiệp Mỹ lịch sử", trong bối cảnh lệnh cấm vận chưa được dỡ bỏ, cũng là một hành trình không dễ dàng. Khi đó, Tổ chức Ủy ban hợp tác khoa học Mỹ - Việt tổ chức kỳ thi TOEFL (kiểm tra năng lực tiếng Anh quốc tế), cấp một số học bổng ngắn hạn. Do hai nước chưa nối lại quan hệ bình thường, đây là một hợp tác rất nhỏ, một ngách giúp giới trí thức Việt có thêm kiến thức từ nước ngoài. Trong khoảng 50-60 người dự thi, bác sĩ Cường là một trong hai người được cấp học bổng.

Việc đi học ở Mỹ khi ấy là chưa có tiền lệ. Sau này bác sĩ Cường mới biết khi ông nộp đơn lên trường để xin đi học, các lãnh đạo đã tổ chức cuộc họp "căng thẳng". Một số ý kiến không đồng ý cho ông đi vì lo ngại "học xong sẽ ở lại Mỹ", bởi gia đình bác sĩ Cường có bà con định cư ở Canada, Mỹ. Cuối cùng, quyết định được thông qua khi GS.TS.BS Trương Công Trung, hiệu trưởng trường ĐH Y Dược TP HCM khi ấy, đồng thời là chủ nhiệm bộ môn ngoại, bày tỏ "nếu ảnh ở lại luôn thì mình mất một cán bộ bình thường, nếu học xong ảnh mang những kiến thức đã học trở về thì mình sẽ có một cán bộ giỏi". Tiếp đó, trong hơn 6 tháng, trải qua nhiều cấp phê duyệt với những thủ tục khắt khe từ các Bộ Y tế, Ngoại giao, Nội vụ, ông Cường mới có được tấm vé sang Mỹ.

"Bố tôi mất sớm, mẹ già đã hy sinh rất nhiều để nuôi con ăn học, còn bà xã và hai đứa con nhỏ nên tôi chưa bao giờ có ý định học xong không về, hơn nữa ở Mỹ mình như hạt cát giữa sa mạc, chỉ có về quê hương mới giúp được nhiều người hơn", bác sĩ Cường nói.

Chuyến đi học ở Mỹ của bác sĩ Cường sau đó góp phần mở lối cho nhiều bác sĩ khác cũng tu nghiệp ở nước ngoài. Năm 1997, bác sĩ Cường lại đi Mỹ học một năm về kỹ thuật nội soi mật - tụy ngược dòng. Trước khi về hưu, tháng 10/2012 ông làm trưởng êkíp phối hợp phẫu thuật viên Hàn Quốc từ Bệnh viện Asan thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên cho người lớn ở các tỉnh phía Nam, diễn ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Từ những bước đi chập chững thuở sơ khai, đến nay phẫu thuật nội soi Việt Nam đã vươn tầm khu vực và thế giới, không ít lần đoạt giải cao khi trình diễn trong những hội nghị ngoại khoa quốc tế. Cơ duyên trở thành người tiên phong, bác sĩ Cường cho rằng nhờ may mắn, nhưng "nghĩ kỹ lại thì cơ hội chỉ đến với những người đã sẵn sàng để nắm bắt nó".

Một đời miệt mài với nghiệp giảng dạy, cầm dao mổ cứu hàng chục nghìn người, phó giáo sư Cường ở tuổi ngoài 70 "vẫn luôn thích học". Ông vẫn đứng lớp giảng dạy hàng tuần tại trường Đại học Y Dược TP HCM, hướng dẫn sinh viên năm cuối ở Bệnh viện Chợ Rẫy, tham gia chấm luận văn cao học, cố vấn ngoại khoa cho một số bệnh viện.

"Kiến thức y khoa tiến bộ từng ngày, nếu không ngừng học hỏi bác sĩ sẽ tụt hậu ngay. Tôi mong truyền lửa giúp học trò không sợ hãi chùn bước trước ca bệnh khó, phải biết xông vào cõi chết để tìm sự sống", bác sĩ Cường trải lòng.

Các tin khác

Cha mẹ tá hỏa nghe tiếng kèn phát ra theo nhịp thở của con

Bé trai 7 tuổi ở Đắk Nông vừa được các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cấp cứu thành công sau khi phát hiện một chiếc kèn nhựa mắc kẹt trong phế quản suốt hai tuần. Ca bệnh tiếp tục là lời cảnh báo đến phụ huynh về tai nạn hóc dị vật đường thở ở trẻ nhỏ – một tình huống có thể cướp đi mạng sống nếu chậm trễ xử trí.

Loạt doanh nghiệp Mỹ từng chi hàng triệu USD cho lễ nhậm chức của ông Trump, giờ ra sao?

Nhiều tập đoàn lớn tại Mỹ đã rót hàng triệu USD vào quỹ lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, kỳ vọng vào một nhiệm kỳ thân thiện với doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, nhiều chính sách kinh tế của ông – đặc biệt là thuế quan – đang khiến họ lâm vào khó khăn.