Thu 100 đồng, chi 4 đồng
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa công bố kết luận thanh tra chuyên đề của Tổng công ty CP Bảo hiểm hàng không (VNI) - doanh nghiệp dẫn đầu thị phần về mảng bảo hiểm xe cơ giới tại VN - và kết luận công ty đã có nhiều sai phạm trong giai đoạn 2023.

Nhiều người dân kiến nghị nên bỏ loại hình bắt buộc đối với bảo hiểm xe gắn máy
ẢNH: NHẬT THỊNH
Cụ thể, về chi trả bồi thường, kết luận thanh tra ghi nhận có trường hợp nạn nhân bị tử vong, nhưng thay vì bồi thường 150 triệu đồng theo đúng quy định pháp luật để chủ xe có tài chính bồi thường cho nạn nhân, Bảo hiểm VNI lại "cắt xén" đến... 80%, chỉ đền 30 triệu đồng. Đáng nói, chỉ thanh tra ngẫu nhiên, cơ quan này phát hiện nhiều trường hợp gây khó cho người bị nạn, yêu cầu nộp tài liệu của cơ quan liên quan đến những tổn thương của nạn nhân, trong khi quy định pháp luật này đã được bỏ lâu rồi; hoặc trì hoãn việc chi trả cả năm trời.
Ngoài VNI, các công ty bảo hiểm khác đang bán loại hình bảo hiểm xe cơ giới tại VN, theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, như Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm Sompo Japan (Nhật Bản) và Bảo hiểm KB (Hàn Quốc) cũng có nhiều sai phạm trong năm 2023. Phổ biến nhất là các hãng bảo hiểm tự ý "xén" bớt phần lớn tiền bồi thường thiệt hại không đúng quy định; gây khó dễ cho người yêu cầu bồi thường… Đặc biệt, dữ liệu cơ quan quản lý cho thấy, tiền thu từ bảo hiểm bắt buộc của chủ xe mô tô, xe máy và các loại xe cơ giới của nhiều công ty bảo hiểm thu 100%, nhưng mức đền bù thiệt hại khoảng 4%.
Ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ Q.11, TP.HCM) cho hay ông là "nạn nhân" của hành trình đi đòi bồi thường bảo hiểm sau tai nạn do vô ý tông gãy chân một sinh viên vào cuối năm 2023. Đi lại năm lần bảy lượt, kết quả ông phải… bỏ cuộc. Ông Tiến cho biết, mặc dù làm các thủ tục theo hướng dẫn của công an rất đơn giản, công an hướng dẫn tận tình rồi, nhưng về phía bảo hiểm thì cái gì cũng đòi bổ sung, viện đủ lý do, đòi hỏi giấy tờ này nọ.
"Họ từ chối bồi thường, buộc lòng tôi phải lấy mấy đồng tiền "còm" từ nghề thợ hồ, vay mượn trước để trang trải chi phí cho sinh viên nọ. Mình là một trong những trường hợp hiếm hoi đi đòi bồi thường bảo hiểm, trong thực tế rất ít người mua bảo hiểm xe máy mà khi gặp tai nạn xe, đi hỏi hãng bảo hiểm để đòi bồi thường. Nhưng hỏi rồi, làm đủ thủ tục, cuối cùng không có đồng nào. Đã bảo hiểm bắt buộc nhưng chi trả bồi thường thì không ai bắt buộc cả", ông Tiến chia sẻ.
Phỏng vấn bỏ túi 10 người đi xe gắn máy, cả 10 người cho hay mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe gắn máy thực tế như hình thức đủ thủ tục khi CSGT kiểm tra giấy tờ. Còn lại, chưa ai xem đó là "tấm khiên" bảo vệ khi không may xảy ra tai nạn cho người khác. Bởi nhiều trường hợp từng "gõ cửa" hãng bảo hiểm để nhận đền bù đều không thành công.
Chị Nhật Phương (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay, gia đình mua bảo hiểm xe cơ giới, chẳng may gây tai nạn với người đi đường khiến người đó phải nằm viện 4 ngày. Theo quy định, nếu đủ hồ sơ và làm đúng quy trình, mức trách nhiệm bồi thường bảo hiểm với thiệt hại về sức khỏe lên đến 150 triệu đồng/vụ/người. Nhưng kết quả làm thủ tục kéo dài, phía bảo hiểm đòi bồi thường 10 triệu đồng sau gần cả năm đi lại. "Chúng tôi từ chối vì không hiểu họ lấy con số đền bù 10% đó dựa trên quy định nào", chị Nhật Phương thông tin.
Thời gian qua, cử tri tại nhiều địa phương trên cả nước, từ Bình Phước, Đồng Nai, An Giang, TP.HCM, đến Quảng Trị, Lạng Sơn… đã kiến nghị lên Bộ Tài chính phản ánh việc gặp rất nhiều khó khăn trong nhận quyền bồi thường bảo hiểm. Đáng lưu ý, nhiều người kiến nghị nên bỏ luôn quy định bắt buộc người dân phải mua bảo hiểm đối với xe gắn máy, nên chuyển sang hình thức tự nguyện. Ai không có nhu cầu mua bảo hiểm đối với xe gắn máy thì thôi.
Tuy nhiên, trả lời cử tri sau đó, Bộ Tài chính cho rằng đây là hình thức bắt buộc, cần thiết và các nước trên thế giới đều áp dụng. Trong thời gian tới, luật sẽ sửa đổi theo hướng giảm thủ tục và nâng quyền lợi bồi thường, đặc biệt sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm.
Không hiệu quả, không kết nối dữ liệu...
PGS-TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhận xét: Đến nay vẫn chưa có thống kê chính thức nào từ bảo hiểm về số liệu đầy đủ người tham gia mua bảo hiểm rồi bị từ chối chi trả hay bị chèn ép cắt xén tiền chi trả bảo hiểm… Tuy vậy, các số liệu thống kê cho thấy, số tiền chi trả cho người được hưởng bảo hiểm chiếm tỷ trọng quá nhỏ so với số tiền thu được, chỉ 4%. Thế nên, cơ quan quản lý cần phải giám sát, điều chỉnh tỷ trọng này cao hơn. Nếu không, nên chuyển hình thức từ loại hình bảo hiểm bắt buộc sang tự nguyện. Nếu thanh tra rồi, phát hiện sai phạm nhiều, cử tri phản ánh nhiều mà không điều chỉnh, thay đổi, tình trạng vi phạm này khó xử lý triệt để.
Chuyên gia kinh tế Trần Anh Tùng (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) cũng đồng ý nên bỏ quy định bắt buộc đối với bảo hiểm xe gắn máy, bởi hoạt động của loại hình này tại VN đang đi thụt lùi trong chiến lược chuyển đổi số toàn quốc. Theo ông, vấn đề bảo hiểm xe cơ giới thu 100 đồng, bồi thường chỉ 4 đồng đã được đề cập từ lâu với những bất cập, làm khó người đòi bồi thường, gây mất niềm tin vào loại hình này. Vấn đề được phản ánh từ lâu, không phải đến hôm nay chúng ta mới đề cập. Tuy nhiên, cần xem những con số từ thanh tra chuyên đề của ngành tài chính công bố đối với các doanh nghiệp bảo hiểm vừa rồi là "biết nói" để triển khai quản lý, sửa đổi, bỏ quy định sớm hơn.
"Về nguyên tắc là tạo nguồn thu, thế nhưng thực tế cho thấy nguồn thu từ bảo hiểm này không có hiệu quả về tài chính cho khách hàng lẫn nền kinh tế. Người dân khi mua bảo hiểm, gặp tai nạn đi đòi hầu như không được và cũng không ai giải thích rõ ràng. Đa số là quyết định một phía từ hãng bảo hiểm trong chi trả, hoặc từ chối. Hơn nữa, giá trị mua một bảo hiểm xe gắn máy quá thấp, chỉ 65.000 đồng cho một năm, mua nhiều khoản nữa cũng hơn 140.000 đồng/năm.
Với mức này rất khó để nói là bảo vệ tài sản có giá trị hàng chục triệu đồng cho chủ phương tiện. Vấn đề quan trọng hơn là dữ liệu bảo hiểm xe gắn máy hiện nay không tích hợp lên ứng dụng định danh quốc gia VNeID, là không phù hợp, thậm chí thụt lùi trong chuyển đổi số. Quan trọng nhất lúc này là mọi dữ liệu cá nhân phải được tích hợp, chuyển đổi số mới hiệu quả. Đằng này, bảo hiểm xe gắn máy "một mình một chợ", không tích hợp dữ liệu cho khách hàng lên hệ thống chung, đổi lại làm khó khách là chủ yếu", ông Trần Anh Tùng nêu ý kiến.