Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa thông qua nghị quyết về việc triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông dự họp là 11/3.
Đại hội năm nay vẫn được tổ chức tại địa điểm quen thuộc là Hội trường lớn Grand Ballroom thuộc khách sạn 5 sao Melia Hanoi. Ngày họp dự kiến vào 11/4, muộn hơn kỳ đại hội thường niên trước khoảng nửa tháng.
Hòa Phát là doanh nghiệp có lượng cổ đông nhiều nhất sàn chứng khoán, cổ phiếu HPG theo đó được mệnh danh là cổ phiếu quốc dân. Theo dữ liệu tại cuộc họp thường niên năm ngoái, Hòa Phát có hơn 179.100 cổ đông (cao hơn khoảng 20.000 cổ đông so với năm 2022), cao gấp đôi những công ty niêm yết xếp sau như SSI hay Sacombank.
Cuộc họp cổ đông của Hòa Phát cũng được chú ý bật nhất khi có sự xuất hiện của vị tỷ phú Trần Đình Long. Nhà sáng lập tập đoàn thép này sẵn sàng trả lời thẳng thắn các vấn đề quan tâm của cổ đông và có những quan điểm giúp định hình triển vọng thị trường thép trong nước.
Chẳng hạn, trong cuộc họp năm 2023, vị tỷ phú gốc Hải Dương chia sẻ "kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ khó, mọi người đợi quý II, III và IV sẽ thấy thấy kết quả thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi". Lãnh đạo Hòa Phát nói trong bất cứ khó khăn nào thì cũng phải là công ty tốt nhất trong ngành và đề nghị cổ đông thông cảm.
Trước lịch họp cổ đông 2024, vua thép trong nước bắt đầu đón nhận nhiều tín hiệu hồi phục. Doanh thu hợp nhất 34.925 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ở 2.969 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ cùng kỳ và tăng 48% so với quý III/2023.
Tính chung cả năm 2023, tập đoàn ghi nhận doanh thu đạt 120.355 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 6.800 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022 và mới hoàn thành 85% kế hoạch năm.
Lãnh đạo Hòa Phát cho biết thêm đã vận hành lại toàn bộ các lò cao của tất cả các khu liên hợp tại thời điểm cuối năm 2023. Doanh nghiệp có tổng cộng 7 lò cao luyện thép, gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương; ngoài ra còn 1 lò điện tại Hưng Yên để sản xuất thép từ phế liệu.
Lịch họp cổ đông thường niên của một số doanh nghiệp trong tháng 4:
Cũng vào giữa tháng 4, một tập đoàn có hàng vạn cổ đông khác là Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) sẽ họp thường niên. Doanh nghiệp thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 4/3 tới, dự kiến vẫn tiến hành tại trụ sở chính tòa nhà MWG nằm trong khu công nghệ cao TP HCM.
Lịch họp của MWG tiếp tục có sự khác biệt với các công ty niêm yết khác khi diễn ra trong vòng 2 ngày (12/4 và 13/4). Trong đó, phiên họp chính thức được khai mạc với buổi chiều ngày 13/4 với sự tham gia thảo luận của các lãnh đạo cấp cao.
Theo dữ liệu từ cuộc họp thường niên hồi tháng 4/2023, tập đoàn bán lẻ hàng đầu phía Nam này ghi nhận có hơn 30.0000 cổ đông, con số này tương đương với các đơn vị lớn khác như Vinhomes hay Vietcombank.
Nội dung cuộc họp là các tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm, báo cáo tài chính năm, báo cáo của Hội đồng quản trị, phương án phát hành cổ phiếu cho ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt...
Trước đó, MWG đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với nhiều tín hiệu khởi sắc. Mục tiêu doanh thu dự kiến tăng 5% lên 125.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, cao gấp 14 lần so với thực hiện năm ngoái.
Công ty bán lẻ này nhìn nhận thị trường 2024 vẫn đối mặt với nhiều thách thức, nhu cầu mua sắm tiêu dùng nhìn chung đi ngang hoặc giảm với một số mặt hàng không thiết yếu. Nhưng sau đợt tái cấu trúc toàn diện cuối năm ngoái, công ty nói có dư địa để tiếp tục củng cố doanh thu và cải thiện lợi nhuận.
Chiến lược kinh doanh được xây dựng trên mức nền lợi nhuận thấp nhất một thập kỷ của năm 2023. MWG chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm ngoái do sự suy giảm trong hoạt động bán lẻ điện máy và chuỗi Bách Hóa Xanh chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Doanh nghiệp chăn nuôi Dabaco (Mã: DBC) cũng có lượng nhà đầu tư quan tâm đông đảo trong các năm gần đây đã thông báo họp cổ đông trong tháng 4. Ngày đăng ký cuối cùng vào 14/3 và địa điểm họp tại trụ sở chính ở Bắc Ninh.
Dabaco mới đây đã đưa ra mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng sau năm khó khăn. Công ty chăn nuôi nhắm mục tiêu doanh thu 25.380 tỷ, mức kế hoạch cao nhất trong lịch sử và là năm thứ 3 liên tiếp đặt mục tiêu thu tỷ USD (đều không hoàn thành kế hoạch).
Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế gần 730 tỷ đồng, con số này cao hơn 29 lần so với thực hiện năm ngoái. Công ty đề ra kế hoạch tăng trưởng cao dựa trên tính toán giá thịt lợn ở mức 53.000 - 55.000 đồng/kg.
Một số doanh nghiệp khác cũng có lịch họp trong tháng 4 có thể kể đến như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Eximbank, MSB, Chứng khoán Rổng Việt (VDSC), Sasco, Than Đèo Nai...