Hàng không nội địa phục hồi
Thị trường hàng không đang dần phục hồi trở lại khi nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn mới sau đại dịch.
Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón 23,3 triệu khách bằng đường hàng không tăng 74,2% so cùng kỳ năm 2021 và bằng 60% so cùng kỳ 2019. Trong đó đáng chú ý là thị trường nội địa đạt 20,8 triệu khách, tăng 58,4% so cùng kỳ 2021 và tăng 12% so cùng kỳ năm 2019, theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam (HKVN).
Về vận tải hàng hoá, tổng thị trường hàng hóa đạt 651 nghìn tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ năm 2021 và tăng 7% so cùng kỳ 2019, trong đó thị trường nội địa đạt 146,9 nghìn tấn tăng 3,6% so cùng kỳ 2021 và giảm 29% so cùng kỳ năm 2019.
Tính đến 30/6/2022, 5 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines (bao gồm Vasco), Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines đang khai thác gần 60 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM với 19 sân bay địa phương.
Đặc biệt, các hãng đang đẩy mạnh khai thác các đường bay đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc, Nha Trang... Điển hình như tần suất khai thác đi/đến Phú Quốc hiện tại đã lên 100 chuyến bay nội địa mỗi ngày trong khi cùng thời điểm năm 2019 chỉ khai thác tổng 72 chuyến quốc tế và nội địa.
Số liệu cho thấy thị trường hàng không nội địa bắt đầu hồi phục từ tháng 4, tăng trưởng trở lại vào tháng 5 và có sự tăng trưởng mạnh trong tháng 6. Riêng trong tháng 6, hàng không nội địa ghi nhận 5 triệu khách, tăng 20,9% so tháng trước và tăng 38,8% so tháng 6/2019 (tháng cao điểm Hè trước khi xảy ra dịch COVID-19).
Hệ số sử dụng ghế trên các đường bay nội địa trong tháng 6 đều rất cao, đạt từ 85% đến 87% tùy hãng. Điều này cho thấy, đến thời điểm hiện tại, thị trường hàng không nội địa đã hoàn toàn hồi phục và có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II/2022, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.
Thị trường quốc tế quay trở lại chậm
Mặc dù hàng không nội địa đã phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA), hoạt động bay quốc tế mới là nguồn mang lại lợi nhuận chính cho các hãng hàng không.
Đối với thị trường này, hiện có hơn 30 hãng hãng không nước ngoài và 4 hãng Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Pacific Airlines khai thác 96 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 21 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trong đó, các hãng hàng không Việt đã khai thác 68 đường bay quốc tế đến 16 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Hiện tại, tốc độ hồi phục của thị trường quốc tế còn thấp do nhiều quốc gia, khu vực đặc biệt là các quốc gia Đông Bắc Á vẫn đang áp dụng các quy định, chính sách về hạn chế đi lại trong việc phòng chống dịch COVID-19.
Đơn cử như, Chính phủ Trung Quốc hiện mới đang từng bước mở cửa cho các chuyến bay chở khách vào Trung Quốc, bước đầu Vietnam Airlines đã có 2 chuyến bay/tuần được chở khách đi lại giữa hai nước.
Với các thị trường ASEAN, các hãng hàng không Việt Nam đang từng bước tăng tần suất trên các đường bay giữa Hà Nội, TP HCM và các quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan. Đồng thời mở mới đường bay kết nối Đà Nẵng và Nha Trang trong mùa hè 2022.
Thị trường Hàn Quốc ngoài việc tăng tần suất trên các đường bay giữa Seoul và Hà Nội/TP HCM thì các hãng hàng không Hàn Quốc như Air Seoul, Air Busan, Korean Air và Việt Nam là Vietjet Air đã từng bước khai thác trở lại các đường bay giữa Việt Nam và Busan cũng như giữa Hàn Quốc và Đà Nẵng, Nha Trang từ tháng 6/2022.
Với thị trường Ấn Độ, Vietjet Air, Vietnam Airlines của Việt Nam và IndiGo, Spice Jet của Ấn Độ đã khai thác trở lại đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Đặc biệt, Vietjet Air đã được cấp quyền vận chuyển hàng không để khai thác mới hơn 20 đường bay từ các điểm tại Việt Nam là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc tới các điểm mới tại Ấn Độ là Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad, Chennai, Kolkata, Gaya đồng thời tăng tần suất khai thác đến Delhi và Mumbai để khai thác ngay từ tháng 7 này.
Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch VABA, hàng không Việt Nam chưa thể phục hồi ngay được, sớm nhất vẫn là cuối năm 2023 bởi phần lớn lợi nhuận của các hãng hàng không tới từ đường bay quốc tế mà thị trường này vẫn phục hồi khá chậm
Vì vậy, ông Nề đề nghị cần tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ cho hàng không Việt Nam nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay.
Cụ thể, VABA kiến nghị cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về 0% cho đến khi thị trường hàng không quốc tế hoàn toàn hồi phục hay tiếp tục xem xét, kéo dài các chính sách hỗ trợ về phí, lệ phí cho các doanh nghiệp vận tải hàng không đến khi thị trường bay quốc tế hồi phục như trước dịch.
Về lâu dài, cần tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không. Cũng như, tiếp tục triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều, ông Nề nêu kiến nghị.
Bên cạnh đó, cần xây dựng và điều phối thực hiện chiến lược đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực cho ngành hàng không và xây dựng, thực hiện chiến lược dài hạn tăng cường năng lực phòng ngừa, kiểm soát và ứng phó, khắc phục nhanh tác động của dịch bệnh và các biến động lớn trong tương lai.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ cho tới khi ngành phục hồi tới mức trước dịch để các doanh nghiệp hàng không có thể nhanh chóng khắc phục hậu quả do COVID-19 để lại, Phó Chủ tịch VABA đề xuất.