Lâm cảnh "làm phúc phải tội" vì cứu người
Vợ chồng anh Ngô Văn Chính - tài xế bị tố oan làm việc với Đội CSGT - TT, Công an huyện Vân Đồn về những vấn đề liên quan
Mấy ngày nay, câu chuyện hy hữu khi người giúp đỡ bị kiện vì… cứu nạn nhân TNGT gây xôn xao dư luận. Theo đó, vợ chồng chị Nguyễn Thị Vân Anh và anh Ngô Văn Chính, trú Quảng Ninh bị kiện sau khi cứu giúp, đưa bà P.T.T bị TNGT vào bệnh viện.
Sự việc đang gây bức xúc dư luận khi nhân chứng đã khẳng định, anh Chính là ân nhân đưa bà P.T.T vào bệnh viện cấp cứu, chiếc xe gây tai nạn là xe Ford 16 chỗ, không phải xe bán tải của vợ chồng anh Chính.
Cơ quan công an cũng khẳng định: "Đến thời điểm này, qua các thông tin thu thập được, có thể đánh giá sơ bộ là anh Ngô Văn Chính không phải là người gây tai nạn cho bà P.T.T vào trưa 17/6; người thân bà T. đã có dấu hiệu vu khống cho tài xế Chính".
Trong cuộc sống, những vụ việc tương tự kể trên không phải là hiếm gặp.
Sáng ngày 16/4, tình huống giao thông trên xảy ra tại hầm chui Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng, được ghi lại bởi camera hành trình trên ô tô của tài xế tên Duy Xuân. Theo đó, thời điểm này trời mưa nên một số xe máy dừng đỗ dưới hầm để trú hoặc mặc quần áo mưa, ảnh hưởng tới dòng phương tiện lưu thông.
Khi vào cửa hầm, chiếc Honda Lead do một người phụ nữ điều khiển đã đâm vào chiếc Toyota Vios màu đen đi phía trước. Người này và chiếc xe tay ga ngã ra đường, làm hai người đi xe số ở gần đó cũng bị ngã theo. Lúc này, tài xế Duy Xuân đi phía sau đã kịp dừng lại.
Sau khi quan sát và bật đèn khẩn cấp, tài xế trên chiếc ô tô có gắn camera hành trình đã xuống xe và cùng với những người xung quanh hỗ trợ nạn nhân di chuyển vào lề đường.
Tuy nhiên, một người đi xe máy trước đó bị ngã ra đường đã rút điện thoại để quay chụp lại biển số xe của tài xế Duy Xuân. Khi được hỏi, người này cho rằng người điều khiển chiếc ô tô đi phía sau khiến mình bị tai nạn nên ghi hình và yêu cầu ở lại để giải quyết.
Khi được giải thích từ những người xung quanh và có camera hành trình làm bằng chứng, tài xế Duy Xuân đã được minh oan.
Sau khi đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người đã để lại những bình luận cảm ơn lòng tốt của tài xế Duy Xuân đồng thời cảm thông với rắc rối mà anh gặp phải. "Ở tình huống này, người tốt thiếu chút nữa lại thành ra mắc oán. May mà mọi người xung quanh xúm vào giải thích và có cả hình ảnh ghi lại nữa", nick Facebook Đức Thành viết.
Nhưng tuy nhiên, cũng có những vụ tai nạn mà rất nhiều người chứng kiến nhưng lại không một ai giúp đỡ. Nguyên nhân chính là vị sợ liên lụy.
Camera ghi lại cảnh tài xế taxi xuống xe nhìn đôi nam nữ xong rồi rời đi - Ảnh: Cắt từ video
Vào rạng sáng 25/6/2019, đôi nam nữ đi xe máy trên đường Tân Hương, đến đoạn giao với đường Võ Công Tôn thuộc phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM thì va chạm với xe taxi chạy cùng chiều đang rẽ trái.
Camera ở hiện trường ghi lại hình ảnh tài xế taxi Hãng Vinasun xuống đứng nhìn nạn nhân rồi rời đi. Khoảng thời gian sau đó, có 17 xe máy và một ô tô 4 chỗ đi qua khu vực xảy ra tai nạn, thấy cảnh nam thanh niên vùng vẫy kêu cứu, còn cô gái nằm bất động trên vỉa hè, nhưng chỉ có một người đi xe máy dừng lại.
Hai nạn nhân sau đó được xác định là chị N.T.M.T. (25 tuổi, quê Bến Tre), đã tử vong và anh N.H.L., bị thương nặng phải đi cấp cứu.
Vụ việc này thời điểm đó đã khiến dư luận phẫn nộ về sự vô cảm giữa người với người.
Không cứu người gặp nạn có thể bị phạt tù
Cứu giúp người bị nạn không chỉ là tình người mà còn là nghĩa vụ. Tuy nhiên, không ít người cho rằng việc giúp người gặp nạn có thể đem đến không ít phiền phức cho bản thân như: bị cơ quan công an mời lên làm việc nhiều lần, bị người nhà nạn nhân hiểu lầm hành hung... từ đó dẫn đến tâm lý e ngại, không nhiệt tình trong việc cứu giúp những người gặp nạn.
Tuy nhiên, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, đó không chỉ là hành động vô cảm mà còn vi phạm pháp luật.
Vị đại diện Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh, tại Khoản 18 Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định nghiêm cấm hành vi khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1-2 triệu đồng đối với tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu (Điểm a, Khoản 7, Điều 11).
Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn có thể bị phạt tù. Tại Điều 132 Bộ Luật hình sự năm 2015 được sử đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Cụ thể, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 1-5 năm: Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm. Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Làm gì khi cứu giúp người bị tai nạn giao thông tránh "làm ơn mắc oán"
Theo những người có kinh nghiệm sơ cứu, giúp đỡ người khi gặp tai nạn trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, việc đầu tiên nên làm là gọi cấp cứu 115 (có thể hỏi họ về cách sơ cứu cho người đang gặp nạn) và gọi cảnh sát 113 để báo về sự việc.
Sau đó, dùng điện thoại chụp hoặc quay phim lại hiện trường lúc đó. Tiếp đó, nên hô hào nhiều người cùng giúp và/hoặc nhờ họ quay phim lại toàn bộ quá trình cứu giúp người. Nếu người gặp nạn còn tỉnh táo thì hỏi họ cách liên hệ để báo tin cho người thân của họ.
Như vậy, ngay khi cảnh sát đến thì có thể bàn giao hình chụp hoặc phim vừa quay được để hỗ trợ quá trình điều tra sự việc nhanh chóng, tránh khỏi việc bị cơ quan điều tra mời đến tường trình sự việc nhiều lần và cũng như sẽ không bị người thân của người bị nạn hiểu lầm.
Đối với những người được xác định tham gia cứu giúp người bị nạn, cơ quan công an có thể tiến hành lấy lời khai tại nhà của họ, tại nơi họ làm việc, hoặc theo lịch hẹn của họ. Bởi pháp luật cho phép việc lấy lời khai ngoài trụ sở của cơ quan công an nếu xét thấy cần thiết.
Cơ quan công an không nên cứng nhắc phải triệu tập họ đến trụ sở, như vậy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của họ. Khi nào thật sự rõ ràng về việc họ có liên quan đến tai nạn, thì lúc đó hãy triệu tập họ đến trụ sở để làm việc.