Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đến nay, mới có 241 mã trái phiếu đăng ký giao dịch trên hệ thống này. Các tổ chức phát hành trái phiếu có giá trị lớn chưa niêm yết gồm VinFast (hơn 14.100 tỷ đồng với 13 mã trái phiếu), Capitaland Tower (hơn 12.200 tỷ đồng với 4 mã trái phiếu), VPBank (gần 10.700 tỷ đồng), Vietcombank (hơn 7.200 tỷ đồng).
Trước đó, Nghị định 65/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020 quy định, trong thời hạn 3 tháng kể từ khi hệ thống đăng ký, lưu ký, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức vận hành, trái phiếu phát hành theo hai nghị định trên và còn dư nợ phải thực hiện lưu ký và đăng ký giao dịch. Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của HNX đã vận hành từ ngày 19/7 nên ngày 19/10 là hạn chót để các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ đem trái phiếu lên sàn.
Ban đầu, HNX ước tính có khoảng 1.600 mã đăng ký giao dịch, chưa tính các lô được mua lại trước hạn. Như vậy đến nay, con số thực tế chỉ tương đương hơn 15% và vẫn còn gần 1.300 trái phiếu chưa được niêm yết.
Theo quy định, doanh nghiệp không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn sẽ bị xử phạt từ 10-400 triệu đồng. Đồng thời, doanh nghiệp có thể bị xử phạt bổ sung tùy theo mức độ và hành vi.
Khi đưa trái phiếu lên sàn, doanh nghiệp phải công bố thông tin minh bạch. Ccá chuyên gia cho rằng đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến các tổ chức phát hành còn "ngại" niêm yết trái phiếu. Theo quy định, doanh nghiệp phải công bố báo cáo tài chính bán niên và hàng năm, tình hình thanh toán lãi và gốc trái phiếu, báo cáo tình hình sử dụng vốn và giải trình các thông tin bất thường trong hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, xu hướng đẩy nhanh mua lại trước hạn các trái phiếu có chất lượng kém thời gian gần đây cũng khiến doanh nghiệp "ngó lơ" việc niêm yết. Bên cạnh đó, số lượng hàng nghìn lô trái phiếu phải lên sàn cũng được xem là quá lớn so với tiến độ 3 tháng.
Báo cáo tháng 9 của HNX về thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho thấy, sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động, thanh khoản của sàn này đạt gần 9.500 tỷ đồng, bình quân khoảng 500 tỷ đồng mỗi phiên, cải thiện gần gấp đôi so với tháng 8. Các mã có giá trị giao dịch cao nhất là của VinFast, Nội thất Luxury Living, BIDV và Vietcombank.
Thị trường vẫn ghi nhận nhiều lô trái phiếu có thanh khoản èo uột. Mức thanh khoản bình quân mỗi phiên của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng thấp hơn nhiều so với thị trường cổ phiếu. Điều này dễ lý giải vì bản chất của đầu tư trái phiếu là dài hạn, các nhà đầu tư thường nắm giữ đến ngày đáo hạn thay vì mua - bán liên tục như cổ phiếu.
Tuy còn kém sôi động, VNDirect đánh giá sàn giao dịch là một trong những bước quan trọng để hướng tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững. Hệ thống này giúp việc giao dịch tiện lợi hơn và tăng tính minh bạch, đặc biệt là thông tin về các tổ chức phát hành, đồng thời giảm rủi ro trong khâu thanh toán cho các nhà đầu tư.