Martin A. Scott là người sáng lập công ty hoạch định tài chính Lasting Wealth Principles chuyên giúp các cặp vợ chồng U40- U50 đạt được mục tiêu và ước mơ tài chính của họ. Ông là chuyên gia hoạch định tài chính đã được chứng nhận, có bằng cử nhân của Đại học Cornell và bằng MBA của Đại học Seton Hall.
Sau khi tốt nghiệp đại học hơn 20 năm trước, nhà hoạch định tài chính Scott nhận được mức lương khá với công việc đầu tiên của mình.
Đó không phải một số tiền quá lớn, nhưng đủ để coi là một khoản thu nhập khá khi xét về độ tuổi và tình hình tài chính của ông lúc đó. Nếu trong vai trò là một nhà hoạch định tài chính hiểu được bản chất của hoạt động đầu tư, Scott chắc hẳn sẽ đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro, phân bổ tài sản, thuế phí. Nhưng khi còn trẻ, ông không nghĩ được nhiều đến thế.
Sai lầm đầu tiên: Nhờ đại diện ngân hàng tư vấn đầu tư
Khi ấy, Scott đã làm gì với số tiền trong tay? Ông đã quyết định đến ngân hàng địa phương, trao đổi với họ về tình hình tài chính hiện tại và yêu cầu gặp một vị đại diện ngân hàng để giúp ông đầu tư.
Người nhân viên ngân hàng này đã không đưa ra bất kỳ lời khuyên thực sự nào. Thay vào đó, họ chỉ bán quỹ tương hỗ cho Scott đầu tư. Và cuối cùng, ông có một danh mục đầu tư bao gồm các quỹ mà ông thậm chí còn chưa hiểu rõ.
Vài tháng sau, khoản đầu tư của Scott vào các quỹ tương hỗ này bắt đầu giảm đáng kể, do thị trường chứng khoán lao dốc sâu. Ông hoang mang không biết làm gì, chỉ đứng nhìn số tiền đầu tư dần bốc hơi. Ông không có kế hoạch cho số tiền đó và không có cố vấn tài chính nào để thảo luận về chiến lược đầu tư. Vị đại diện ngân hàng thực ra chỉ có nhiệm vụ bán các sản phẩm tài chính.
Scott đã để nỗi sợ hãi xâm chiếm và cuối cùng đã bán hết các vị thế của mình. Câu chuyện thời trẻ của nhà hoạch định tài chính là một ví dụ hoàn hảo của một nhà đầu tư thiếu hiểu biết và phải trả giá cho điều đó. Với kiến thức sâu rộng về lập kế hoạch tài chính và đầu tư hiện tại, ông thấy bản thân của 20 năm trước thật ngây ngô. Nhưng câu chuyện đó có thể rút ra nhiều bài học quý giá.
Dưới đây là hai bài học lớn từ câu chuyện của Scott có thể áp dụng vào đầu tư:
Dành thời gian để hiểu sâu về đầu tư
Như đã nhắc ở trên, hoạt động đầu tư bao gồm việc xác định mức độ chấp nhận rủi ro, phân bổ tài sản tối ưu và xem tiền thuế phí tác động đến khoản đầu tư của bạn thế nào.
Nếu một cá nhân quyết định thuê cố vấn tài chính để quản lý các khoản đầu tư của họ, người cố vấn này nhất định phải cân nhắc và tính toán được các vấn đề trên, đồng thời giúp khách hàng hiểu rõ về chúng.
Việc này tuy không đảm bảo được kết quả nhưng chắc chắn sẽ giúp cho các nhà đầu tư có những công cụ thích hợp để đạt được thành công.
Đừng để nỗi sợ hãi chi phối quyết định đầu tư
Bài học này bắt nguồn từ tầm quan trọng của việc biết bản thân có thể chấp nhận thua lỗ bao nhiêu trong danh mục đầu tư của mình. Có nhiều yếu tố để đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro, bao gồm độ tuổi của một cá nhân, khoảng thời gian đầu tư cụ thể và tình hình tài chính.
Theo BI