Sản xuất công nghiệp lần đầu tăng trưởng âm trong 12 năm
Xuất khẩu và sản xuất công nghiệp là hai động lực chính của nền kinh tế trong nhiều năm qua. Tuy nhiên số liệu tăng trưởng thương mại liên tiếp không mấy khả quan cho thấy một bức tranh xuất nhập khẩu xấu đi đáng kể.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I đầu năm cũng lần đầu tiên tăng trưởng âm (sụt giảm 2,2%) trong 12 năm qua (tính từ năm 2012 - năm quyết định tính các chỉ số vĩ mô theo giá so sánh 2010).
Trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu sụt giảm, hoạt động sản xuất chậm lại bao trùm các phân khúc chính bao gồm hàng may mặc (-7,7%), giày dép (-4%), máy tính, sản phẩm điện tử & quang học (-6%), thiết bị điện (-6,9% ), nội thất (-13,5%) và sắt thép (-2,4%).
Sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành dẫn đầu về xuất khẩu cũng cho thấy một bức tranh ảm đạm. Thống kê từ 17 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước năm 2022, có đến 15 tỉnh, thành ghi nhận đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp quý I/2023 chậm lại so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh - tỉnh đứng thứ hai cả nước về xuất khẩu sụt giảm mạnh nhất (-18,67%).
Đây là quý thứ 3 liên tiếp IIP của Bắc Ninh bị giảm (quý III/2022 giảm 0,85%; quý IV/2022 giảm 7,5%).
Theo Cục Thống kê tỉnh này, nguyên nhân do năng lực nội tại của các doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn từ đại dịch, cộng với những khó khăn về thị trường, đơn hàng, nguồn vật tư khiến nhiều doanh nghiệp trong tỉnh phải thu hẹp sản xuất, giãn giờ làm, do việc thiếu hụt đơn hàng, sản xuất khó khăn, chi phí sản xuất ngày càng gia tăng. Các FTA thế hệ mới với trên thực tế chưa mở rộng được thị trường mới để đem lại hiệu quả cho hàng hóa xuất khẩu.
Vĩnh Phúc cũng ghi nhận mức giảm gần 8%, cùng kỳ 2022, chỉ số IIP của tỉnh này tăng hơn 15%. Tây Ninh giảm 0,3%.
Chỉ số IIP của các trung tâm sản xuất lớn khác như Bình Dương, Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai tăng trưởng dưới 1%, và đều thấp hơn so với quý I/2022.
Trong top 20 xuất khẩu, chỉ có Long An và Phú Thọ có chỉ số IIP quý I tăng cao hơn mức tăng của quý I/2022.
Hải Phòng, Hưng Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thuộc nhóm dẫn đầu về xuất khẩu nhưng chưa công bố số liệu chi tiết kinh tế quý I.
Xuất khẩu quý I lần đầu sụt giảm 11,8% trong 15 năm
Xuất khẩu hàng hóa đã giảm 11,8% trong quý I so với một năm trước. Đây cũng là mức tăng thấp nhất của quý I trong giai đoạn 15 năm trở lại đây.
Về xuất khẩu các mặt hàng trong quý I, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, 76% mặt hàng chủ lực tăng trưởng âm, chỉ có 11 mặt hàng ghi nhận tăng trưởng dương.
Giảm sâu nhất là Than các loại (-98,6%), phân bón các loại (-40,9%) và Sản phẩm mây, tre, cói và thảm (-37,7%)
Từ số liệu có thể thấy xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng trong bối cảnh tăng trưởng các nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu đặc biệt ở nhu cầu tiêu dùng. Theo các chuyên gia, tăng trưởng GDP năm nay sẽ thấp hơn mục tiêu 6,5% do nền kinh tế mất đi hai động lực nói trên.
Mới đây, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đã hạ dự báo tăng trưởng xuất, nhập khẩu năm 2023. Cụ thể ở kịch bản tiêu cực, xuất khẩu có thể giảm 2,2% và nhập khẩu giảm 2,4% Trong kịch bản tích cực, xuất khẩu và nhập khẩu có thể tăng lần lượt 3,9% và 2,9%.
Với mức dự báo ở cả hai kịch bản trên, tăng trưởng xuất, nhập khẩu có thể sụt giảm mạnh lần đầu sau nhiều năm.
Trong khi đó, theo nhận định của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), cùng với việc chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ, chỉ số PMI trong tháng 3 giảm trở lại dưới 50 ở mức 47,7 điểm, các đơn đặt từ nước ngoài lần đầu giảm, khả năng các hoạt động sản xuất chưa thể hồi phục mạnh trong quý III tới đây.
VCBS đánh giá nhìn chung các điều kiện sản xuất vẫn tiềm ẩn các yếu tố không thuận lợi. Tuy vậy, khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng ổn định và trở thành động lực tăng trưởng chính.
Khối phân tích dự báo tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm dự báo đạt 4,18%-4,39%. Số liệu tăng trƣởng dự báo cho năm 2023 đạt 5,52% - 5,93%.
Ngoài ra, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã cho thấy những quyết tâm trong đẩy mạnh hoạt động giải ngân đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên kế hoạch 700.000 tỷ đồng (tăng 25% kế hoạch 2022) với trọng tâm vào các dự án theo chiến lược nhằm đẩy mạnh liên kết vùng tạo động lực phát triển kinh tế thể hiện qua chỉ báo vốn đầu tư thực hiện từ NSNN.
"Đây là được xem là động lực thay thế quan trọng với chỉ báo tăng trưởng trong trường hợp các động lực tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo không đạt kỳ vọng", VCBS cho hay.
Dự báo tiêu cực hơn, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tăng trưởng GDP năm nay chỉ đạt 5% do bối cảnh kinh tế thế giới đang trong lằn ranh của suy thoái, sự suy giảm của thị trường bất động sản và tiêu dùng trong nước mới chỉ ở giai đoạn đầu. Ngoài ra kỳ vọng về câu chuyện Trung Quốc mở cửa và phục hồi đang diễn biến khá chậm.
Hơn nữa, theo VDSC, một trong những cỗ máy tăng trưởng tốt nhất của Việt Nam từ trước đến nay, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đang chứng kiến sự suy giảm rõ rệt.
Mới đây, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tốc độ tăng trưởng chậm lại trong quý 1 do xuất khẩu sản phẩm chế tạo giảm mạnh, cần được theo dõi chặt chẽ.
WB lưu ý nếu nhu cầu trong nước và bên ngoài vẫn tiếp tục yếu, Chính phủ nên xem xét hỗ trợ tổng cầu thông qua đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.