Theo báo cáo tài chính năm 2022 của Top 5 doanh nghiệp dẫn đầu về mảng bảo hiểm nhân thọ, Prudential và Manulife Việt Nam là hai cái tên có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đột biến trong năm 2022.
Prudential ghi nhận 3.637 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 670% so với năm 2021 (473 tỷ đồng) và vươn lên dẫn đầunhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Manulife đứng ở vị trí thứ hai khi ghi nhận mức lãi sau thuế kỷ lục 2.562 tỷ trong khi năm 2021 công ty lỗ hơn 4.742 tỷ đồng.
Tiếp đó là Dai-ichi Life Việt Nam với lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 2.646 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước đó. Trong khi đó, AIA và Bảo Việt Nhân thọ có lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 25% và 11%, lên 1.110 tỷ và 975 tỷ đồng.
Báo cáo cập nhật về ngành bảo hiểm của công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết giai đoạn 2015 - 2022, thị phần doanh thu Top 5 dẫn đầu mảng bảo hiểm nhân thọ gồm Bảo Việt, Dai-ichi Life, Prudential, Manulife và AIA duy trì khá ổn định khi vị thế Top 5 vẫn duy trì khoảng cách xa so với phần còn lại.
Số liệu thống kê từ báo cáo tài chính năm 2022 của các doanh nghiệp trên cho thấy Bảo Việt Nhân thọ duy trì vị trí dẫn đầu về thị phần với doanh thu phí bảo hiểm đạt 33.200 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là Prudential khi ghi nhận doanh thu phí bảo hiểm hơn 31.000 tỷ đồng trong năm 2022.
Theo sau là Manulife với doanh thu phí bảo hiểm tăng 10% so với năm 2021, đạt 26.835 tỷ đồng. Dai-ichi Life và AIA đứng thứ 4 và thứ 5 về thị phần trong mảng bảo hiểm nhân thọ với doanh thu phí bảo hiểm đạt lần lượt 21.825 tỷ và 18.490 tỷ đồng trong năm 2022.
Về tốc độ tăng trưởng, Dai-ichi Life đứng đầu với mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm là 17,2%. xếp sau là AIA (12%), Manulife (10%), Bảo Việt Nhân thọ (9%) và Prudential (8%).
Từ năm 2017 đến nay, việc các công ty bảo hiểm hợp tác với ngân hàng bán chéo bảo hiểm hay còn gọi là bancassurance liên tục nở rộ.
Hàng loạt thương vụ giữa ngân hàng và các hãng bảo hiểm nhân thọ đã diễn ra như Manulife với Techcombank, VietinBank; FWD với Nam A Bank; Dai-ichi Life với SHB và Sacombank; Prudential với MSB, SeABank, VIB hay AIA với VPBank và OCB; ...
Theo Mirae Asset, mảng bảo hiểm nhân thọ vẫn kỳ vọng sẽ là động lực duy trì sức tăng trưởng chính cho ngành. Chính phủ đặt mục tiêu 15% dân số sẽ tham gia mua bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025, so với mức 11% của năm 2021. Đặc biệt, tỷ lệ thâm nhập của tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ được kỳ vọng sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2025 (so với mức 3,3% năm 2021).
Trước các thông tin phản ánh về chất lượng tư vấn của các đại lý bảo hiểm mới đây, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài Chính) đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý. Đồng thời, nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.