Trong số này có đại sứ Pháp và New Zealand tại Việt Nam giai đoạn 2012 - 2016. Từ nhà ngoại giao, họ đã trở thành doanh nhân và làm cầu nối tích cực đưa quốc tế "hội nhập" vào Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế.
Tiệm giặt là của ông Poirier
Ông Jean-Noel Poirier - Ảnh: VIỆT DŨNG
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ đại sứ tại Việt Nam, ông Jean-Noel Poirier quyết định rời ngành ngoại giao để khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ và tư vấn.
Ông vận hành ba cửa hàng giặt là ở Hà Nội trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp vào tháng 4-2020.
Lúc đại dịch lây lan mạnh trên toàn cầu và Việt Nam căng mình chống dịch, ông phải đóng cửa 2/3 cửa hàng vì tình hình khó khăn.
Trong đà phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh, ba cửa hàng giặt là của ông Poirier cũng đã hoạt động ổn định trở lại. Nhờ đó, ông dành nhiều thời gian hơn cho công việc mà ông tâm huyết từ lâu là điều hành công ty tư vấn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo cựu đại sứ, trong hai năm đầu đại dịch, các dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam hầu như đều dừng lại, nhưng nay đã khởi sắc trở lại. Các công ty nước ngoài có chung đánh giá là Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong dài hạn, nhất là trong bối cảnh COVID-19 đã làm làn sóng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc diễn biến rõ nét hơn.
Khi hết nhiệm kỳ và bắt đầu thành lập công ty tư vấn riêng, những việc tôi làm lúc đó đều là những việc lần đầu tiên làm, như một học sinh mới tốt nghiệp" - Cựu đại sứ Jean-Noel Poirier
Ông Jean-Noel Poirier tại lễ khai trương một tiệm giặt là kiểu Pháp ở Hà Nội
"Việt Nam được đánh giá là quốc gia số một trong việc thu hút đầu tư trong khu vực", ông Poirier chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ. Điều này nhờ vào hai yếu tố chính là Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến doanh nghiệp nước ngoài và môi trường kinh doanh rất cởi mở, tích cực.
Ông Poirier cho rằng mong muốn lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài chính là sự an toàn và an tâm để hoạt động lâu dài ở Việt Nam. Sau giai đoạn đầu áp dụng chính sách chống dịch nghiêm ngặt, Chính phủ Việt Nam đã có sự quan tâm tới các công ty nước ngoài và thực hiện nhiều thay đổi giúp tình hình kinh doanh khởi sắc.
Poirier cho biết ông yêu Hà Nội và TP.HCM, và sống ở Việt Nam là một trải nghiệm rất thú vị vì có nhiều cơ hội. "Tôi muốn trở thành một phần trong sự phát triển này", ông Poirier chia sẻ.
Ông cho biết trong 20 năm qua, châu Âu chỉ chủ yếu nói về khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp, công ty/nhà máy đóng cửa hoặc chuyển sang châu Á. Theo ông, nhìn chung không khí ở châu Âu hoàn toàn khác, không tích cực như ở Việt Nam.
Một lý do khác khiến ông Poirier muốn gắn bó với Việt Nam chính là văn hóa. So với các nước châu Á khác, Việt Nam khá thân thiện với người nước ngoài, nhất là nếu người đó biết "nhập gia tùy tục".
Poirier kể khi chia sẻ ý định ở lại Việt Nam, ông nhận được nhiều sự ủng hộ của những người bạn Việt. Đối với ông, đây là một sự khích lệ đáng quý vì từ nhà ngoại giao chuyển sang làm doanh nhân là một quyết định không dễ dàng.
Việc ở lại Việt Nam là bước ngoặt thay đổi hoàn toàn cuộc sống của cựu đại sứ. Một công việc mới đồng nghĩa với vị trí khác, mục tiêu khác, quan điểm khác. Với sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam, mỗi ngày mới cựu đại sứ đều học được những điều mới, cách làm mới, khám phá lĩnh vực mới và đối diện với những thách thức mới.
Ông Manning mê giáo dục
Cựu đại sứ New Zealand Haike Manning - Ảnh: TRẦN TIẾN DŨNG
Tháng 10-2022 đánh dấu tròn 10 năm gia đình cựu đại sứ New Zealand Haike Manning sống và làm việc ở Việt Nam, trong đó 6 năm qua họ sống ở TP.HCM.
Chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM để sinh sống là một quyết định quan trọng với gia đình ông Manning.
"Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc ở Việt Nam. Tôi, vợ tôi và con trai tôi, tất cả chúng tôi đều tìm được không gian để mình phát triển trong khi làm công việc khác nhau", ông Manning nói về quyết định lớn của gia đình mình sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2016.
Nền kinh tế Việt Nam đã tăng gấp đôi quy mô so với 10 năm trước khi ông Manning lần đầu đến Hà Nội. Theo quan sát của ông, việc xuất hiện thêm nhiều sân bay, đường sá, những cây cầu lớn là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự thay đổi tích cực của nền kinh tế.
Người dân giàu lên, có nhiều nhà hàng ra đời phục vụ phân khúc cao cấp và đa dạng của người tiêu dùng. Trên đường phố có nhiều xe hơi hơn dù kẹt xe cũng nhiều hơn. Ấn tượng sau 10 năm với ông Manning là sự phát triển tích cực, kết nối quốc tế sâu rộng khiến đất nước hình chữ S đáng chú ý hơn trên bản đồ toàn cầu.
Sau khi rời ngành ngoại giao, cựu đại sứ Manning chuyên tâm vào lĩnh vực giáo dục mà ông đam mê. Ông có thể nói hàng giờ về giáo dục và chuyển đổi tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực này. Lượng sinh viên đi du học nước ngoài của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, trong đó con số khoảng 200.000 sinh viên Việt Nam du học ở khắp các nơi trên thế giới mỗi năm là thực sự ấn tượng.
Các chương trình quốc tế được mang về triển khai ở Việt Nam cũng tăng lên. Đầu tư từ khắp nơi trên thế giới: Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, châu Âu… đang đổ về Việt Nam, không chỉ trong giáo dục mà còn may mặc, sản xuất…
Ông Haike Manning (trái) và ông Joseph Nelson - tổng lãnh sự New Zealand tại TP.HCM - tham gia một sự kiện do công ty của ông Manning tổ chức
Sự quan tâm đầu tư của các gia đình Việt Nam cho giáo dục, trong đó có học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, khiến ông Manning cực kỳ ấn tượng. So với các nước Đông Nam Á, khoản tiền mà phụ huynh Việt Nam đầu tư cho giáo dục cho con cái rất nhiều vì họ mong muốn mang đến cho con em mình chất lượng giáo dục tốt nhất có thể.
Cựu đại sứ cho biết ông đang quản lý hoạt động của công ty chuyên về lĩnh vực giáo dục ở khu vực Đông Nam Á. "Vì công việc, tôi thường xuyên làm việc ở Malaysia. Người Malaysia thường bày tỏ rằng Việt Nam chuẩn bị bắt kịp Malaysia đến nơi rồi vì Việt Nam đang phát triển rất tốt", ông kể.
Trong giáo dục, ông Manning cho rằng có hai yếu tố dẫn dắt sự tiến bộ hơn nữa của Việt Nam là hợp tác quốc tế hơn nữa và đẩy mạnh khả năng tiếp cận giáo dục qua chuyển đổi số.
Ở khía cạnh thứ nhất, đó là đưa nhiều hơn nữa các chương trình đào tạo quốc tế có chất lượng đến Việt Nam. Ở khía cạnh thứ hai, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình đào tạo trực tuyến bên cạnh giáo dục truyền thống.
"Trước đây sự tập trung chủ yếu là đưa sinh viên, học sinh ra nước ngoài du học, nhưng giờ đây việc mang các cơ sở đào tạo quốc tế đến Việt Nam được chú trọng. Xu hướng thứ hai mang lại cơ hội lớn hơn cho nhiều người hơn và tạo ra tác động rộng rãi hơn.
Qua hợp tác quốc tế, chúng ta không chỉ tăng khả năng tiếp cận giáo dục quốc tế cho các gia đình mà còn nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục trong nước và mang lại sự thay đổi tích cực", ông Manning hào hứng nói về công việc mình đang làm.
Tôi nghĩ Việt Nam là một ví dụ về sự thành công. Và được chứng kiến sự phát triển, thâm nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam là một điều tuyệt vời". - Cựu đại sứ Haike Manning
Ông cũng chia sẻ các trường ở nước ngoài đánh giá rất cao sinh viên Việt Nam. Học sinh sinh viên Việt Nam thông minh, có thành tích tốt và cởi mở trong tiếp thu các giá trị, văn hóa, trải nghiệm mới khi đi du học.
Để đạt đến những đỉnh cao tầm cỡ, bên cạnh mục tiêu trở thành kỹ sư, chuyên gia công nghệ thông tin, chuyên gia tài chính, kinh tế… thì các bạn trẻ Việt Nam cần chuẩn bị các kỹ năng mềm cần thiết.
Đó là kỹ năng giao tiếp và những kỹ năng xã hội như xây dựng mối quan hệ trong cùng một nền văn hóa cũng như khác nền văn hóa, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng phân tích, tư duy phản biện…
Theo ông Manning, để tận dụng nguồn nhân tài đất nước thì điều quan trọng là tạo ra những điều kiện để người trẻ phát huy hết tiềm năng của mình ngay tại Việt Nam.
Điều đó có nghĩa là Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế, khuyến khích hợp tác quốc tế… Khi đó, dù du học ở Úc, Canada… thì các sinh viên cũng sẽ muốn quay lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp vì nhìn thấy nhiều cơ hội ở trong nước.
"Trong các điều tra thị trường của chúng tôi, xu hướng trở lại Việt Nam đã tăng lên một cách rõ ràng. Nhiều gia đình cho biết họ thấy có những cơ hội thực sự tốt ở Việt Nam mà 10 năm trước không có", ông Manning chia sẻ.