Mứt Tết là món ăn vặt quen thuộc mỗi dịp Tết đến, xuân về. Trước đây, thị trường chỉ có khoảng chục loại mứt nhưng ngày nay, mứt Tết rất đa dạng từ các loại rau, củ như khoai lang, bí đao, cà chua, gừng…đến tất cả các loại quả như hồng, đào, lê, me, mận, táo, dâu, kiwi, khế… đều được chế biến thành mứt.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hầu hết các loại mứt đều chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như đường bột, protein, axit hữu cơ, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Một số loại có tác dụng chống oxy hóa tế bào tăng cường lợi gan, thải độc cho cơ thể.
Ảnh minh họa
Chẳng hạn, mứt gừng làm ấm tỳ vị, chữa ho; mứt tắc giúp giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, long đờm, giải độc rượu; mứt sen tác dụng an thần, chống suy nhược; mứt cà rốt công dụng sáng mắt, đẹp da...
Tuy nhiên, mứt có đặc trưng thường quá ngọt và chứa nhiều calo nên không thích hợp với một số nhóm người như: Người thừa cân, béo phì; người mắc bệnh đái tháo đường; phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
Nguyên nhân là do đường gia tăng năng lượng khiến người thừa cân dễ mệt mỏi. Với người bệnh đái tháo đường, lượng đường trong mứt khiến cho bệnh khó kiểm soát, thậm chí nghiêm trọng hơn. Bà bầu ăn mứt nhiều cũng dễ bị tăng cân, rối loạn chuyển hóa, có thể bị đái tháo đường thai kỳ.
Cùng với đó, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết thêm, một số loại mứt chứa nhiều loại beta carotene hoặc vitamin A, C như mứt cà chua, cà rốt, táo, mận, kiwi…sẽ bị phân hủy do nhiệt độ và thời gian chế biến mứt quá lâu sẽ làm mất tác dụng của các nhóm vitamin.
Do đường nhiều nên mứt tạo ra năng lượng là chính, không cung cấp đủ thành phần dưỡng chất nhất là các vitamin, khoáng chất cho cơ thể so với lúc còn tươi. Vì vậy, không nên ăn nhiều mứt hoặc ăn thay thế cho các thực phẩm khác.
Ăn mứt Tết như thế nào là hợp lý?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đối với mứt Tết, chỉ nên sử dụng như một loại gia vị cho cuộc sống, nghĩa là ăn rất ít để hương vị Tết thêm ngọt ngào. Bởi nếu ăn nhiều mứt sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn, dẫn đến ăn ít trong bữa chính. Một khi ăn không đủ chất dinh dưỡng sẽ xuất hiện cảm giác mệt mỏi do cơ thể chỉ nhận năng lượng từ đường mà thiếu các chất đạm, béo, vitamin, khoáng chất.
Tốt nhất nên giảm bớt lượng mứt sử dụng và thay thế bằng cách ăn các loại trái cây tươi như dưa hấu, cam, quýt, bưởi, hồng, dâu, táo... có lợi cho sức khỏe hơn. Có thể thay thế mứt bằng các loại hạt ngũ cốc hoặc hạt bí, đậu phộng, hạt điều...
Lưu ý:
- Không ăn mứt quá nhiều cùng một lúc
- Không ăn mứt đã bị chảy nước hoặc để bên ngoài quá lâu
- Khi thấy mứt đã có dấu hiệu bị mốc, cần vứt bỏ đi ngay, chớ tiếc rẻ mà sên lại để dùng vì độc tố bên trong có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, thậm chí gây ngộ độc.
- Khi chọn mua mứt, nên chọn loại có bao bì và còn đóng gói nguyên vẹn, xem kỹ hạn sử dụng trước khi mua. Mứt thường dùng trong khoảng 2-3 tuần, nên cần lưu ý mua loại được sản xuất gần Tết nhất, chọn những thương hiệu uy tín.
- Mứt cần bảo quản ở nơi khô ráo, nhiệt độ thấp, tránh để ánh sáng chiếu trực tiếp sẽ bị chảy nước, mềm, mất độ giòn thơm. Các loại mứt dừa, bí, gừng, nên gói thật kỹ trong túi nilon tránh không khí lọt vào, để nơi thoáng mát.
- Mỗi lần ăn, nên lấy mứt ra đĩa, khay sau đó buộc kín túi lại, không nên để hở sẽ khiến mứt bị ỉu hoặc chảy nước.