VietCredit tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) thành lập ngày 29/5/2008 với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. Ba cổ đông sáng lập của công ty là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chiếm 61,5% vốn điều lệ.
Công ty tài chính tiêu dùng này được mong chờ sẽ tạo ra sự đột phá khi cơ cấu cổ đông ngoài Vietcombank còn có Ngân hàng TMCP Bản Việt (nắm 4,96% vốn năm 2016) và Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Bản Việt (nắm 4,96% vốn năm 2016).
Đến tháng 5/2018, công ty chính thức tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng. Ngày 18/6/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã cấp đổi giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính cổ phần Xi Măng. Theo đó, công ty đổi tên thành Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit Finance Company), đồng thời tăng vốn điều lệ lên gần 688 tỷ đồng.
Vào năm 2021, các cổ đông sáng lập và định chế tài chính trên đã thoái toàn bộ vốn khỏi VietCredit, chỉ còn lại Vicem.
Tính đến cuối năm 2022, vốn điều lệ của VietCredit là hơn 701 tỷ đồng. Trong đó, Vicem là cổ đông lớn duy nhất nắm giữ hơn 10 triệu cổ phần tại VietCredit, tương đương tỷ lệ sở hữu 14,31% vốn công ty. 85,41% vốn cổ phần còn lại thuộc về 108 cổ đông khác, đều là cổ đông cá nhân trong nước.
Về phần sở hữu của ban lãnh đạo, Chủ tịch VietCredit, ông Nguyễn Đức Phương sở nắm giữ hơn 3,1 triệu cổ phần, tương đương 4,43% vốn cổ phần. Ông Nguyễn Chí Hiếu - Thành viên HĐTQ không điều hành nắm giữ hơn 2,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 3,31%. Các thành viên còn lại trong ban lãnh đạo đều sở hữu dưới 1% cổ phần công ty.
Liên tục tăng trưởng dù thị trường tài chính tiêu dùng gặp nhiều khó khăn
Dù sớm đi vào hoạt động nhưng quá trình phát triển của VietCredit gắn liền với những năm kinh tế gặp khủng hoảng, tình hình kinh doanh của công ty mới chỉ khởi sắc từ năm 2020 tới nay.
Khác với những "ông lớn" trong ngành như FE Credit, Home Credit với các sản phẩm chính tập trung là cho vay tín chấp tiêu dùng (mua sắm hàng hoá) thì VietCredit lại tập trung vào các dòng sản phẩm như thẻ tín dụng, cho vay tiểu thương trả góp và sau đó là mua trước trả sau (từ tháng 8/2021).
Giai đoạn 2017 - 2018, tổng thu nhập hoạt động chỉ duy trì trong khoảng 72 - 82 tỷ đồng. Sau đó tăng vọt 313% lên 337 tỷ đồng vào năm 2019 và vượt mốc 1.000 tỷ đồng lần đầu tiên vào năm 2021.
Tương tự, lợi nhuận trước thuế của công ty cũng chỉ vỏn vẹn 12 tỷ đồng trong năm 2017, đặc biệt năm 2018 lỗ tới 52 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2022, tổng thu nhập hoạt động của VietCredit tăng trưởng 22% so với cùng kỳ, đạt 1.456 tỷ đồng. Trong đó thu nhập lãi thuần đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ.
Dù con số tổng thu nhập lên tới nghìn tỷ, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của công ty tăng gần 13%, lên 712 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí hoạt động cũng bị đội lên 631 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Do vậy, lợi nhuận trước thuế của công ty chỉ còn 76 tỷ đồng, song vẫn tăng 52% so với cùng kỳ.
Theo VietCredit, những tháng cuối năm là thời điểm có nhiều biến động từ nền kinh tế vĩ mô nên đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh cả năm của công ty. Những biến động về lãi suất và thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng – tài chính cuối năm, đặc biệt là trong quý IV/2022 đã tác động làm thay đổi kế hoạch bán hàng của công ty.
Cùng với đó, vào thời điểm cuối năm, chính sách của NHNN có nhiều thay đổi nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, công ty thực hiện các chính sách xử lý nợ và quản lý rủi ro để đảm bảo quản lý cấu trúc danh mục lành mạnh hơn theo định hướng kinh doanh và yêu cầu của NHNN, dẫn tới chi phí dự phòng tăng cao so với cùng kỳ.
Tính 31/12/2022, tổng tài sản của VietCredit ghi nhận hơn 6.535 tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt hơn 4.418 tỷ đồng. Huy động khách hàng tăng mạnh từ 70 tỷ đồng vào năm 2021 lên hơn 330 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm năm 2022.
Về chất lượng tài sản, cùng với đà tăng trưởng của cho vay khách hàng, số dư nợ xấu của VietCredit cũng tăng dần qua các năm. Tuy vậy, nợ xấu cao là đặc thù của các công ty tài chính.
Đỉnh điểm nợ xấu của VietCredit là vào năm 2021 khi tỷ lệ nợ xấu lên tới 13%. Đến năm 2022, số dư nợ xấu của VietCredit tiếp tục tăng 11% lên 525 tỷ đồng (chủ yếu do nợ nghi ngờ tăng hơn 21%) nhưng tỷ lệ nợ xấu lại giảm xuống còn 12% vào cuối năm.
Vicem muốn thoái toàn bộ vốn tại VietCredit
Năm 2015, được sự cho phép của Bộ Xây dựng, Vicem đã thoái vốn tại VietCredit lần 1 với giá trị vốn góp là 144,92 tỷ đồng tương ứng với 14,9 triệu cổ phiếu. Giá bán là 11.100 đồng/cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng) thu về tổng giá trị 165,68 tỷ đồng, tăng 11,1 % so với vốn đầu tư ban đầu, theo Báo xây dựng.
Trong giai đoạn từ tháng 5/2012 - 4/2016, ông Lê Nam Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietCredit chịu trách nhiệm chỉ đạo và quyết định việc thoái vốn của VietCredit.
Ngày 17/5/2022, Hội đồng thành viên Vicem đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho phép thoái toàn bộ phần vốn của Vicem tại VietCredit. Theo đó, số lượng cổ phần Vicem đang nắm giữ là hơn 10 triệu cổ phần, tương ứng 100,34 tỷ đồng góp của Vicem.
Ngày 28/6/2022, Bộ Xây dựng đã có văn bản chấp thuận chủ trương chuyển nhượng vốn đầu tư của Vicem tại VietCredit theo đề nghị của Vicem.
Ngày 26/7/2022, Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của VietCredit do Vicem sở hữu theo đề nghị của VietCredit. Vicem thực hiện các thủ tục để thoái phần vốn của Vicem tại CFC theo phương pháp đấu giá công khai, thông thường tại sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Theo định giá công ty do Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán quốc tế ban hành, giá khởi điểm không thấp hơn 64.026 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, việc thoái vốn lần 2 của Vicem dự định thu về ít nhất 642,48 tỷ đồng.
Tổng cộng cả hai lần thoái vốn, Vicem dự kiến thu về không thấp hơn 808,16 tỷ đồng (165,68 tỷ đồng lần 1 và 642,48 tỷ đồng lần 2). Con số này cao gấp 3,2 lần số vốn 258 tỷ đồng mà Vicem đã đầu tư vào VietCredit.
Tại thời điểm kết phiên sáng 31/3/2023, giá cổ phiếu TIN của VietCredit được giao dịch ở 11.700 đồng/cp.
Thông tin giới thiệu trên Website, VietCredit được thực hiện các hoạt động của công ty tài chính tổng hợp theo quy định của pháp luật và NHNN.
Trong đó bao gồm các hoạt động như huy động vốn dưới các hình thức nhận tiền gửi của tổ chức; phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức; vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật và vay NHNN dưới hình thức tái cấp vốn.
Cấp tín dụng dưới các hình thức cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh ngân hàng; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán; cho thuê tài chính và các hoạt động khác.