Sức khỏe

Hà Nội: Suy thận cấp vì hái cây me đất sắc nước uống để... mát gan

Tóm tắt:
  • Một phụ nữ 62 tuổi ở Hà Nội suy thận cấp do uống nước từ cây me đất.
  • Cây me đất mà bà dùng chứa axit oxalic, gây tổn thương thận nếu uống quá nhiều.
  • Bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, mệt mỏi và vào viện kiểm tra sau khi uống nước này.
  • Đây là trường hợp đầu tiên ghi nhận ngộ độc từ cây này tại Trung tâm Chống độc.
  • Các bác sĩ khuyến cáo không tin vào thông tin trên mạng về thảo dược chữa bệnh.

“Trưa hôm đó, tôi có dọn vườn và nhổ được một rổ sắt to cây me đất tím, khoảngnửa ki lô gam, to cỡ bó rau muống. Tôi có lấy cả rễ trắng với từng chùm củ, có củ to bằng ngón tay út, rửa sạch không lẫn cây khác để đun nước uống. Me đất được đun nhừ, cô đặc từ 1,5 lít nước xuống 600ml, khoảng 3 cốc uống nước. Bản thân uống 2 cốc còn 1 cốc cho mẹ 85 tuổi cùng uống. Nước có vị chát, chua, mặn dù không cho gì nấu cùng. Uống xong khoảng 1 thời gian ngắn thì cảm thấy khó chịu, buồn nôn và nôn ra dịch. Sáng hôm sau vẫn dậy sinh hoạt bình thường nhưng có cảm giác mệt, đau đầu và choáng. Sau hai ngày thì thấy người mệt, ngây ngất, ăn không ngon nên vào viện để kiểm tra.”

Hà Nội: Suy thận cấp vì hái cây me đất sắc nước uống để... mát gan ảnh 1

Bác sĩ kiểm tra lại sức khỏe cho bệnh nhân

Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhân vào viện tỉnh táo, không sốt, không yếu liệt, không buồn nôn, không đau bụng, chủ yếu kêu đau đầu âm ỉ. Tiền sử bệnh nhân chỉ có bệnh thoát vị địa đệm, tuy nhiên, kết quả xét nghiệm nước tiểu và máu, chỉ số creatine cao gấp nhiều lần bình thường, dấu hiệu cho thấy bị tổn thương thận, suy thận cấp.

Cũng theo các bác sĩ Trung tâm Chống độc, mẫu vật phẩm của bệnh nhân mang đến đã được gửi tới chuyên gia và xác định đây là cây me đất hóa đỏ, tên khoa học là Oxalis corymbosa DC. Kết quả xét nghiệm vật phẩm (mẫu cây me đất bệnh nhân uống) tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy có chứa axít oxalic. Đây nguyên nhân gây ra tình trạng suy thận khi người bệnh uống quá nhiều.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Axit Oxalic được xem là một tác nhân gây tổn thương thận, suy thận nếu dung nạp vào cơ thể với một lượng lớn. Tình trạng nặng hơn sẽ gây ra ngộ độc cấp tính và có thể dẫn đến tử vong. Trung tâm đã từng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc a xít oxalic và suy thận do uống trực tiếp hóa chất này. Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên Trung tâm ghi nhận chẩn đoán một bệnh nhân uống một loại cây có chứa a xít oxalic và bị ngộ độc với tình trạng suy thận. Khi tìm kiếm trong y văn trên thế giới thì chúng tôi cũng chưa thấy có báo cáo hay nghiên cứu nào ghi nhận có người bị ngộ độc loại cây này.

Axit oxalic (muối oxalat) là axit hữu cơ với tính axit khá mạnh, gấp khoảng 10 nghìn lần axit acetic. Ở điều kiện thường, axit oxalic tồn tại ở dạng tinh thể, dễ tan trong nước tạo dung dịch không màu, có vị chua. Ở liều cao, axit oxalic dễ làm kích thích niêm mạc ruột và ở liều nguyên chất với hàm lượng 4-5g có thể có khả năng gây ngộ độc cấp tính, thậm chí dẫn đến tử vong. Liều ngộ độc (LD50) của axit oxalic nguyên chất được ước khoảng 378 mg/kg thể trọng (khoảng 22,68 g/người 60 kg). Sự kết hợp của axit oxalic với canxi tạo ra canxi oxalat, có thể gây kết tủa lắng đọng tạo thành sỏi ở các cơ quan tiết niệu, gan, mật, tụy… hoặc đọng lại ở các khớp xương.

Hà Nội: Suy thận cấp vì hái cây me đất sắc nước uống để... mát gan ảnh 2

Cây me đất bệnh nhân hái đun nước uống dẫn đến suy thận (mẫu do bệnh nhân cung cấp)

Axit oxalic có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm rau, củ, quả mà chúng ta hấp thụ hàng ngày như khế, chanh, nho, me, củ cải đường, ca cao, cải bó xôi, lá chè, cải thìa, cần tây... Cách dễ nhận biết khi ăn thực phẩm chứa axit oxalic là có vị chua, chát. Tuy nhiên, với việc ăn uống bình thường hàng ngày các thực phẩm này thì lượng axit oxalic đưa vào không ảnh hưởng tới sức khỏe. Với cây me đất thì vốn đã nổi tiếng với thành phần có chứa axit oxalic và có lẽ hàm lượng nhiều hơn các loại cây khác.

BS Nguyên cũng nhấn mạnh thêm, đây là một ví dụ điển hình về việc một loại cây cỏ, kể cả được ghi nhận có thể ăn uống bình thường, nhưng khi ăn uống quá nhiều cũng có thể dẫn tới ngộ độc.

Bên cạnh đó, vấn đề dùng cây cỏ để chữa bệnh, mặc dù được cho là thảo dược, nghe có vẻ lành tính, thậm chí có loại dùng làm thuốc, nhưng đã là thuốc cần phải tuân theo nguyên tắc khám chữa bệnh, quản lý thuốc và dùng thuốc. Có nghĩa là, khi chúng ta thấy có vấn đề sức khỏe thì cần đi khám hoặc có tư vấn từ nhân viên y tế, kể cả có thể khám bởi những người hành nghề y học cổ truyền được các cơ quan quản lý và chuyên môn công nhận (có ghi nhận chính thức về trình độ, có đăng ký khám chữa bệnh), sau đó nhân viên y tế kiểm tra và chẩn đoán ra bệnh, rồi kê đơn, chọn thuốc dùng với chủng loại và liều lượng,…phù hợp.

Người dân tuyệt đối không nên tin, làm theo những thông tin trên mạng hoặc truyền miệng, tránh những hậu quả đáng tiếc.


Nguyên Hà - Bệnh viện Bạch Mai

Các tin khác

Giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục

Giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục, chạm mốc quan trọng 3.500 USD/ounce. Giới đầu tư tìm đến vàng là nơi trú ẩn an toàn giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell.

Sắc cờ Tổ quốc tung bay giữa trời TP.HCM: Cả gia đình 10 người vượt hàng chục km để được tận mắt ngắm nhìn

Sáng 22/4, hàng trăm người dân đã có mặt ở Bến Bạch Đằng để cùng nhau ngắm nhìn các biên đội trực thăng, tiêm kích Su30-MK2 hợp luyện kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời. Ai cũng tranh thủ ghi lại những hình ảnh đẹp và hào hùng trong ngày tháng 4 lịch sử.