Thời sự

Hà Nội: Nhiều đơn vị y tế xin trả lại tiền, không mua máy móc, trang thiết bị

Chiều 5/7, Kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Hà Nội tổ chức thảo luận tại tổ. Phát biểu ý kiến, Chủ tịch MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương nêu, tác động của dịch COVID-19 đến với mỗi cá nhân là về tâm lý, sức khoẻ, nhưng với ngành y tế, hậu COVID-19 còn rất nặng nề. Đó là vấn đề về tâm lý, nhân lực, thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ nhân dân.

"Tuy nhiên, người thiệt thòi nhất vẫn là nhân dân, vì nhân dân là đối tượng được thụ hưởng chăm sóc sức khoẻ", bà Hương nêu.

Hà Nội: Nhiều đơn vị y tế xin trả lại tiền, không mua máy móc, trang thiết bị - 1

Nhân viên y tế tại Hà Nội chịu nhiều vất vả trong thời gian phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Trường Phong

Bà Hương nêu, năm 2021, MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội thực hiện phân bổ kinh phí 2 lần. Lần thứ nhất là trang bị tủ lạnh đựng vắc xin cho tất cả các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Thời điểm đó, theo rà soát cụ thể của ngành y tế báo cáo UBND thành phố, UBND thành phố báo cáo Thành ủy và Thành uỷ chỉ đạo MTTQ thành phố là cần trang bị 1.009 tủ lạnh đựng vắc xin cho trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, theo bà Hương, cho đến thời điểm này, chỉ có 7 đơn vị triển khai mua tủ lạnh bảo quản vắc xin: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Sóc Sơn, Thường Tín, Mê Linh, Long Biên và Phú Xuyên. Còn 23 đơn vị gửi lại tiền với lý do không có nhu cầu mua tủ lạnh đựng vắc xin trang bị cho các trạm y tế.

“Chúng tôi rất băn khoăn với lý do này. Phải chăng Sở Y tế khảo sát chưa chính xác nhu cầu? Phải chăng một số quận, huyện không khó khăn về trang thiết bị y tế phục vụ cho y tế cơ sở, trong khi đây là trang thiết bị rất cần thiết”, bà Hương nêu, đồng thời cho biết, cả 7 quận, huyện đã mua tủ lạnh đều gửi ý kiến cảm ơn đến MTTQ và nhân dân vì đây là nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên 23 quận, huyện còn lại không mua được và trả lại kinh phí.

“Nếu cứ là tâm lý e ngại, sợ thanh tra, kiểm tra thì cuối cùng người thiệt thòi là nhân viên ngành y tế và nhân dân Thủ đô", bà Hương đặt vấn đề.

“Như vậy, chỉ 7/23 quận, huyện mua được tủ lạnh với giá đề xuất của Sở Y tế là 20 triệu đồng/tủ lạnh, công khai đấu thầu trên hệ thống điện tử của Bộ KH&ĐT, Bộ Y tế”, bà Hương nói.

Việc thứ 2 được bà Hương nêu là 12 máy xét nghiệm PCR có giá gần 50 tỷ đồng nhưng các đơn vị cũng hoàn trả tiền vào quỹ phòng, chống COVID-19, không đơn vị nào mua được, trong khi lúc cao điểm của Hà Nội một ngày rất nhiều ca bệnh.

Từ 2 ví dụ nêu trên, theo bà Hương, cần phải nhấn mạnh về sự cộng đồng trách nhiệm, sự chia sẻ, trách nhiệm với ngành y tế nhưng phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương. Nếu chỉ phân cấp, phân quyền mạnh mẽ nhưng không phối hợp chặt chẽ, không có sự chia sẻ, không trách nhiệm thì dù mục tiêu có rõ ràng, giải pháp có cụ thể thì cũng không thể đi đến đích.

Bà Hương cho rằng, nếu đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết trong tất cả mọi lĩnh vực, trong mọi công việc thì trong quá trình đổi mới về phong cách làm việc, cải cách thủ tục hành chính, mọi sự hướng tới công khai, minh bạch, mọi kết quả phát triển kinh tế-xã hội sẽ tốt hơn.

Nhiều bác sĩ nghỉ việc

Đại biểu Nguyễn Đình Hưng (tổ đại biểu huyện Mê Linh), Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu ý kiến về bất cập trong hệ thống y tế dự phòng của thành phố Hà Nội. Theo ông Hưng, đại dịch COVID-19 được kiểm soát là chiến thắng của sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân, trong đó, có vai trò rất lớn của hệ thống y tế dự phòng. Tuy nhiên, qua đại dịch mới thấy, số người thực hiện trong công tác y tế dự phòng tại địa bàn Hà Nội còn quá ít. Tại nhiều trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, trong đợt chống dịch có nơi 50% người bị nhiễm bệnh nhưng vẫn phải bố trí làm việc.

Trước tiên, theo ông Hưng là bất cập về con người, định biên mỗi trạm y tế tối đa có 10 người, trong khi đó Hà Nội có phường rất đông, dân số có thể bằng 1 huyện của tỉnh khác.

Bất cập thứ 2 với y tế cơ sở là tuyển dụng khó; thứ 3 là liên quan đến chính sách của ngành y, việc làm để tăng thu nhập không nhiều; thứ 4 là liên quan đến đãi ngộ, y tế cơ sở đãi ngộ thấp, hầu như chỉ có lương cơ bản, trong 2 năm chống dịch không có khoản nào thu nhập tăng thêm, trung bình cán bộ y tế dự phòng lương 5 triệu/tháng.

Ông Hưng cho biết, năm 2021, ngành y tế có 407 người xin nghỉ việc, trong đó có 153 bác sỹ; trong năm 2022, riêng khối bệnh viện nghỉ 241 người (trong đó 104 bác sỹ), chưa tính các khối y tế cơ sở… Người xin nghỉ việc tập trung ở một số bệnh viện lớn: Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông… Trong đó, xin nghỉ việc chủ yếu là người có bằng đại học, có tay nghề cao, chủ yếu dịch chuyển sang khối y tế ngoài công lập.

Nguyên nhân của nhiều y, bác sỹ nghỉ việc là do trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành y tế làm việc quá vất vả, từ điều kiện đến cơ sở hạ tầng; trong phòng chống dịch các nguồn thu giảm sút. Hiện tại Hà Nội có 36-37 đơn vị y tế là đơn vị tự chủ, nguồn thu giảm không đủ bù đắp, chủ yếu sống bằng tiền lương. Nguyên nhân chủ quan khác là trước dịch, đối với trung tâm y tế xã phường để thu hút người về đã khó, nay qua đợt dịch do khó khăn thiếu lại càng thiếu.

Ông Hưng đề nghị quan tâm y tế cơ sở. Để đầu tư thêm trang thiết bị, Sở đã xây dựng nghị quyết hỗ trợ nhưng rất tiếc chưa kịp đưa thông qua tại kỳ họp HĐND này.

Đề cập đến vấn đề đầu tư công, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng đánh giá, vấn đề giải ngân còn chậm, đến từ nhiều nguyên nhân. Đặc biệt đầu tư trung hạn đối với hai lĩnh vực y tế và giáo dục còn rất khó khăn. Ông Hưng đề nghị thành phố cùng các sở, ngành phải sớm có kế hoạch cụ thể, tích cực trong vấn đề đầu tư mới mong sớm giải quyết được như cầu của thực tế và thúc đẩy sự phát triển chung của thành phố.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm