Thời sự

Hà Nội: Người dân rơi nước mắt khi cây đa cổ thụ ở ngôi đình 2.000 năm bị chặt hạ

Người dân rơi nước mắt vì cây đa cổ thụ ở ngôi đình 2000 năm bị chặt hạ

Mới đây, trên MXH xuất hiện hình ảnh một cây cổ thụ ở đình Chèm (phường Thuỵ Phương, quận Bắc Từ Liêm) bị chặt và một số hạng mục đang được tu sửa gây xôn xao dư luận.

Vì đây là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nên ngay sau khi hình ảnh được đăng tải, hàng trăm người đã vào bình luận và tiếc nuối khi cho rằng ngôi đình lâu năm dù được tu sửa nhưng cũng rất khó được phục hồi nguyên trạng. Thậm chí, nhiều người bức xúc hơn cho rằng ngôi đình đang bị "phá hoại".

Hà Nội: Người dân rơi nước mắt khi cây đa cổ thụ ở ngôi đình 2.000 năm bị chặt hạ - Ảnh 1.

Hình ảnh được chia sẻ trên MXH ở di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt - đình Chèm

Ngày 24/3, chúng tôi đã có mặt tại ngôi đình này để có thêm thông tin về vụ việc. Theo quan  sát, ngôi đình đang được rất nhiều công nhân tu sửa, phía ngoài đình, các bậc đá đã được đập ra, đáng chú ý, cây đa cổ thụ trước cửa đình đã bị đốn hạ.

Ở đình làng, cây đa là nơi ngồi mát, nghỉ ngơi của người dân sau những buổi làm mệt nhọc, nóng bức, là chốn nghỉ chân của lữ khách qua đường. Bởi vậy, cây đa được coi là nơi giao tiếp của làng với thế giới bên ngoài. 

Người Việt xem cây đa như một biểu tượng linh thiêng, vừa gần gũi, thành kính. Chính vì vậy, khi cây đa ở đình Chèm bị chặt đi, nhiều người dân địa phương đã bày tỏ sự tiếc nuối. "Cây đa đẹp lắm bị chặt đi ai cũng tiếc", người dân địa phương cho biết.

Hà Nội: Người dân rơi nước mắt khi cây đa cổ thụ ở ngôi đình 2.000 năm bị chặt hạ - Ảnh 2.
Hà Nội: Người dân rơi nước mắt khi cây đa cổ thụ ở ngôi đình 2.000 năm bị chặt hạ - Ảnh 3.
Hà Nội: Người dân rơi nước mắt khi cây đa cổ thụ ở ngôi đình 2.000 năm bị chặt hạ - Ảnh 4.

Nhiều người dân tiếc nuối khi cây đa trước đình Chèm bị chặt hạ

Ông Nguyễn Văn Thắng (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, ông đã rơi nước mắt khi cây đa không còn. 3 năm qua, cùng với công việc quyét dọn ở đình làng, ông Thắng luôn coi hình ảnh cây đa là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

"Cây đa được chặt hạ cách đây 5 ngày, từ đó đến giờ mỗi khi ra đây tôi đều luyến tiếc, có lúc bật khóc vì tiếc quá. Tôi lớn lên tại đây, hằng ngày ra đây hóng mát, ngắm cảnh, thế nhưng giờ không còn nữa khiến tôi khá lưu luyến. Hôm biết tin cây đa bị chặt tôi không dám ra xem vì tiếc quá!", ông Thắng tâm sự.

Chặt cây đa cổ thụ do không hợp phong thuỷ

Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Mạnh Thìn, trưởng ban khánh tiết đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, sau khi làm các công văn, được sự nhất trí của sở văn hóa Hà Nội cũng như Bộ văn hóa, một số hạng mục ở đình Chèm mới được tu bổ.

Theo ông Thìn, các hạng mục tại đình được tu bổ gồm: Toàn bộ hệ thống tường rào và cây xanh xung quanh đình; hạ cốt sân trước và sân sau đình để đảm bảo trả lại nguyên vẹn đình Chèm trước kia có 5 bậc và phần ngói của ngôi đình.

Hà Nội: Người dân rơi nước mắt khi cây đa cổ thụ ở ngôi đình 2.000 năm bị chặt hạ - Ảnh 5.

Công nhân đang tích cực làm việc để hoàn thành việc tu bổ đình Chèm

"Dù được tu bổ lại nhưng đình làng vẫn được giữ lại các thiết kế, và không làm mất đi giá trị cốt lõi của ngôi đình. Chúng tôi cũng đã thống nhất và có văn bản phải giữ lại tối thiểu 20% giá trị của ngôi đình. Các bậc đá phần lớn được giữ lại, không làm biến trạng của di tích", ông Thìn nói. 

Hà Nội: Người dân rơi nước mắt khi cây đa cổ thụ ở ngôi đình 2.000 năm bị chặt hạ - Ảnh 6.
Hà Nội: Người dân rơi nước mắt khi cây đa cổ thụ ở ngôi đình 2.000 năm bị chặt hạ - Ảnh 7.
Hà Nội: Người dân rơi nước mắt khi cây đa cổ thụ ở ngôi đình 2.000 năm bị chặt hạ - Ảnh 8.

Việc tu bổ phải giữ lại tối thiểu 20% giá trị nguyên bản của đình

Trong quá trình tu sửa, một cây đa đỏ có tuổi đời vài chục năm bị chặt hạ khiến nhiều người dân bức xúc. Về việc này, ông Thìn cho rằng, khi lập kế hoạch tu sửa cũng đã lấy ý kiến của các cụ trong phường, do cây đa ở trước cổng không phải là cây đa cổ thụ mà đây là cây đa đỏ, được trồng từ năm 1996. 

"Cây đa này phát triển rất tốt, nhưng về phong thuỷ thì không đạt, nó áng ngữ trước cửa đình. Bên cạnh đó, lối thoát nước của nhà đình ra sông Hồng đi qua gốc cây đa, hằng năm cây bị nghiêng từ 5 đến 10cm, do đó chúng tôi đề nghị cắt bỏ. Ngoài ra chúng tôi còn có một số hạng mục cắt tỉa cành cây để phòng chống bão lụt. Tuy nhiên vừa rồi tôi bị Covid-19 nên các cháu cắt tỉa hơi nặng tay", ông Thìn chia sẻ.

Hà Nội: Người dân rơi nước mắt khi cây đa cổ thụ ở ngôi đình 2.000 năm bị chặt hạ - Ảnh 9.
Hà Nội: Người dân rơi nước mắt khi cây đa cổ thụ ở ngôi đình 2.000 năm bị chặt hạ - Ảnh 10.

Phần thoát nước của đình Chèm đi qua gốc đa

Hà Nội: Người dân rơi nước mắt khi cây đa cổ thụ ở ngôi đình 2.000 năm bị chặt hạ - Ảnh 11.

Một số cây cổ thụ khác nằm trong hạng mục cắt tỉa cành nhưng bị cắt nặng tay

"Kinh phí dự kiến khoảng hơn 10 tỷ, trong đó có nguồn kinh phí xã hội hóa khoảng hơn 1 tỷ, còn lại của quận và thành phố. Dự kiến sẽ hoàn thành xong trong tháng 4 tới đây", ông Thìn cho biết thêm.

Ông Nguyễn Ngọc Phong, Chủ tịch UBND phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Dự án này theo chủ chương của quận, do quận là chủ đầu tư, phường chỉ nắm bắt phối hợp, tất cả quá trình do quận triển khai. Các hạng mục xuống cấp sẽ được tu bổ, thay thế, để đảm bảo được tuổi thọ của công trình".

Đình Chèm là một trong những ngôi đình được coi là cổ nhất, nhì Việt Nam với nhiên đại khoảng 2000 năm. Song hiện trong đình chỉ lưu giữ được nhiều hình chạm khắc gỗ phong cách thế kỷ 18, có hai pho tượng vợ chồng Lý Thân bằng gỗ sơn son thếp vàng tạc năm 1888. Hàng ngàn năm nay, Đình Chèm vẫn ngự sát bên bờ sông Hồng nặng phù sa.

Dân làng Chèm vẫn thường kể với nhau rằng, vào khoảng từ năm 205 - 207 TCN, sau khi Đức Thánh Chèm mất, đình Chèm đã được xây dựng. Ban đầu, nơi thờ ông chỉ là một cái am nhỏ, đến khi một vị quan từ phương Bắc là Triệu Sương sang làm kinh lược cứ, ông nằm mơ thấy Đức Thánh Chèm tới đàm đạo cùng ông về sách chính sử. Trong cuộc đàm đạo, Triệu Sương có hỏi thăm và biết ngài đã mất tại quê nhà nên sau đó tìm đến nơi thăm nhưng chỉ thấy một cái am nhỏ.

Sau này, Triệu Sương qua tìm hiểu thì biết được Đức Thánh Chèm là một người tài giỏi, được người dân nước Việt và cả vua phương Bắc sùng bái nên đã cho xây dựng thành đền thờ to hơn. Từ năm 785, đến năm 864, lúc bấy giờ Cao Biền sang làm đô hộ sứ thì cũng được ngài linh mộng báo, giúp cho Cao Biền đánh giặc phương nam thành công. Cao Biền về sau để tỏ lòng biết ơn đã sửa lại đền của ông Triệu Sương, lấy gỗ quý để tạc tượng và đặt cho đền là đền Lý Hiệu Úy, bấy giờ dân ta thường gọi là Đền Chèm.

Đình Chèm được thiết kế theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc. Cổng tam quan hướng về sông Hồng, trên đỉnh của 4 cột trụ của cổng đình là hình chim phượng, ở bốn góc trụ có đắp hình rồng uốn lượn, bốn mặt trụ là hình hổ phù lớn, phía dưới là lồng đèn giả, bên trong đắp nổi hình tứ linh. Tất cả trang trí đắp bằng vữa đều còn dấu tích gắn mảnh sứ hoa lam - đặc trưng của nghệ thuật trang trí thời Nguyễn. Sau cổng tam quan là ba nhà bia, nơi ghi công đức của những người đóng góp tu sửa đình.

Năm 1990, Đình Chèm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Lễ hội Chèm là lễ hội lớn trong vùng, diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 5 âm lịch, trong đó, ngày 15 là ngày hội chính.

Theo sử sách để lại, lễ hội đình Chèm được tổ chức để kỷ niệm ngày thắng trận khải hoàn mở hội mừng công và làm lễ cầu siêu cho các tướng sĩ của Đức Thánh Lý Ông Trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Nhưng sâu xa hơn là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp đồng bằng sông Hồng.

Trước đó, ngày 25/6/2018, đình Chèm được nhận bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt của Chính phủ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm