Tài chính

Giải mã 3 bí mật tăng trưởng thần tốc của Amazon

Ba chiến lược nào đã được Jeff Bezos áp dụng trong kinh doanh từ khi còn rất sớm, để biến cửa hàng sách trực tuyến Amazon của mình trở thành công ty đạt mức doanh thu 100 tỷ đô nhanh nhất trong lịch sử? Bản thân ông thời ấy cũng vượt qua 7 tỷ người để trở thành người giàu nhất thế giới với tài khoản ròng lên đến hơn 137 tỷ đô.

1. Thử nghiệm và "thất bại thành công"

Tại một vài tổ chức, việc thử nghiệm những điều mới mẻ thường sẽ được hoạch định một cách máy móc, qua nhiều lớp lang trước khi đưa vào vận hành, bởi họ ngại những rủi ro tiềm tàng. Thế nhưng, nổi tiếng là một môi trường làm việc năng động và sáng tạo nhất thế giới, tại Amazon, thử nghiệm chính là lối sống, là văn hóa, và tất cả nhân viên, ở mọi cấp bậc đều được khuyến khích chủ động trong việc thử nghiệm.

"Thử nghiệm, về bản chất, luôn tồn tại rủi ro thất bại", Anderson nói, nhưng Jeff Bezos - người từng vượt qua cả Bill Gates, Warren Buffett, và 7 tỷ người khác để trở thành người giàu nhất thế giới với tài sản ròng trị giá 137 tỷ đô-la Mỹ - đã nổi tiếng với tư duy kinh doanh "nếu không chấp nhận rủi ro, đầu tư vào rủi ro và cố tình tạo ra cơ hội "thất bại", bạn sẽ không thể phát triển hoặc suy nghĩ đủ lớn".

Không có thất bại đáng giá 178 triệu đô-la ở dự án Fire Phone thì nhóm nghiên cứu đã không thể làm ra phần cứng Echo và Alexa, đem về cho Amazon doanh thu hàng tỷ đô-la. Không có thất bại ở ý tưởng zShops thì cũng không thể tồn tại phát minh Amazon Marketplace đáng giá hàng tỷ đô. "Tôi đã bỏ ra hàng tỷ đô-la thất bại tại Amazon.com, nghĩa là đã đánh mất hàng tỷ đô-la vì thất bại. Điều này chẳng có gì là vui vẻ cả. Nhưng đây không phải là vấn đề quá quan trọng". Cốt lõi là bạn học được gì sau những lần thất bại, bởi bản thân mỗi thử nghiệm sai bị loại ra cũng đã chính là một bước tiến mới.

Giải mã 3 bí mật tăng trưởng thần tốc của Amazon - Ảnh 1.

2. Trao quyền sở hữu

Hầu hết những chủ doanh nghiệp luôn dè chừng trước việc trao cổ phần, quyền sở hữu cho người khác, nhưng đây lại là một chiến lược lãnh đạo đỉnh cao trong kinh doanh.

Giống như việc bạn sử dụng một chiếc xe, nếu là chủ sở hữu của chiếc xe ấy, bạn sẽ vô cùng nâng niu và gìn giữ vì đó là tài sản của mình. Còn nếu đó là một chiếc xe bạn thuê trong ngắn hạn, thì có lẽ bạn cũng chẳng mấy bận tâm về những vết trầy xước nho nhỏ trong quá trình sử dụng, hay có chăng cũng không đoái hoài về sự sạch sẽ của nó.

Anderson tin rằng "khi ai đó hành động như chủ sở hữu của thứ gì đó, họ sẽ suy nghĩ khác đi rất nhiều và sẽ đối xử với thứ đó như nó là của chính họ. Và tư duy này khác biệt hoàn toàn so với tư duy của một người đi thuê".

Việc khiến các nhân viên cảm thấy mình có chỗ đứng trong đội ngũ những người chủ sở hữu sẽ là động lực để họ không ngừng tiến lên và thực hiện những đối mới, góp phần vào công cuộc tăng trưởng thần tốc của doanh nghiệp.

Chiến lược này cũng đã được áp dụng tại Amazon ít nhất là 20 năm về trước, khi Bezos sử dụng thuật ngữ "shareowner" (chủ sở hữu cổ phần) thay cho "shareholder" (người giữ cổ phần) trong các lá thư gửi cổ đông kể từ năm 2002. Mục đích chính là để thúc đẩy sự chung tay của mọi người trong việc phát triển toàn diện, thay vì để họ chỉ mong chờ lợi nhuận tài chính như những người đi làm thuê ăn lương.

Trong cuốn sách "14 Nguyên tắc tăng trưởng thần tốc như Amazon", Anderson đã chỉ ra công thức thúc đẩy quyền sở hữu mà Jeff Bezos đã sử dụng, chính là chỉ định mọi người vào vị thế chủ sở hữu, tặng cổ phiếu cho nhân viên công ty, tạo cơ hội để sáng tạo và đổi mới, khuyến khích tinh thần lãnh đạo, cho nhân viên cơ hội "chọn không tham gia",...

3. Ám ảnh khách hàng

Không một doanh nghiệp nào có thể phát triển thịnh vượng mà không có nỗi ám ảnh khách hàng, như lời của Jeff Bezos đã ghi trong lá thư gửi cổ đông năm 1998, "khách hàng là những người mà chúng ta nợ một món ân tình".

Jeff Bezos là một doanh nhân lấy ám ảnh khách hàng làm kim chỉ nam cho doanh nghiệp. Đến nỗi Amazon cũng là một trong số ít những cái tên dám đánh đổi lợi nhuận ngắn hạn để có cơ hội nhận được sự trung thành của khách hàng trong dài hạn. Bởi họ biết trên thương trường tồn tại một sự thật phũ phàng: những người tạo nên lợi nhuận cho doanh nghiệp ấy chỉ trung thành với họ, cho tới khi có một ai khác đem đến một dịch vụ tốt hơn, bất kể đó là ai.

Cũng bởi vậy mà Amazon đã không ngừng thử nghiệm để tạo nên 3 Trụ cột trải nghiệm khách hàng, bao gồm: Mức giá thấp; Lựa chọn tốt nhất; và Giao hàng nhanh chóng, tiện lợi. Mô hình này đã giúp Amazon tập trung chính xác vào những nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Điều đặc biệt chính là giá trị của 3 trụ cột này là bất biến theo thời gian, vì "khó lòng hình dung được rằng mười năm sau khách hàng sẽ muốn những món hàng có giá cao, lựa chọn hạn chế hay giao hàng chậm", tác giả Steve Anderson chia sẻ.

"14 Nguyên tắc tăng trưởng thần tốc như Amazon" là cuốn sách dành cho mọi doanh nhân, ở mọi cấp bậc, làm việc trong doanh nghiệp có quy mô lớn nhỏ bất kỳ. Thậm chí, cuốn sách còn được tác giả khuyến nghị dành cho tất cả mọi người, những ai luôn có tham vọng đứng ở vị trí quán quân trong lĩnh vực mình theo đuổi.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm