Chiều 28/4, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 6, Uỷ ban Kinh tế thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội.
Theo quy hoạch, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô có chiều dài 103 km, quy mô 6 làn xe, có điểm đầu là cao tốc Nội Bài - Lào Cai và điểm cuối là cao tốc Nội Bài - Hạ Long.
TP Hà Nội đề xuất Quốc hội cho đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP với các điều kiện thuận lợi về giao thông, kết nối mức độ phục vụ, các chi phí tiết kiệm về nhiên liệu, thời gian.
Theo TP Hà Nội, kêu gọi đầu tư PPP sẽ là lựa chọn tốt và công bằng đối với người sử dụng dịch vụ. Ngoài ra dự án đi qua các khu vực nhiều tiềm năng phát triển đô thị, công nghiệp với quỹ đất rộng lớn sẽ là điều phù hợp trong điều kiện vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế.
Nếu triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, dự án vành đai 4 với quy mô phân kỳ cần bố trí khoảng hơn 83.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, nếu triển khai đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư PPP (dự kiến thu hút được hơn 29.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của nhà đầu tư, giảm kinh phí, vận hành, khai thác).
Trước đó, Chính phủ đề xuất triển khai đường vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long), trong đó đoạn qua TP Hà Nội dài 58,2 km; Hưng Yên dài 19,3 km; Bắc Ninh dài 25,6 km.
Trên tuyến có 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng và các lối ra vào đường cao tốc gồm cao tốc Hà Nội - Lào Cai; trục Mê Linh, Đại lộ Thăng Long; quốc lộ 6; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; quốc lộ 38; cao tốc Nội Bài - Hạ Long; hoàn thiện nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.
Chính phủ lựa chọn phương án 65% chiều dài đường vành đai 4 đi trên cao. 39,13 km còn lại được thiết kế đi thấp do nhu cầu liên kết không cao đồng thời để giúp cân đối nguồn vốn.