Thời sự

Thủ tướng: Các giải pháp đã nhận được sự ủng hộ của thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp và bước đầu có hiệu quả

Sáng 29/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022. Thủ tướng nêu rõ, cần quyết liệt triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy giải ngân đầu tư công,... 

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu trong tháng 4, tập trung giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng liên quan tới các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục rà soát thúc đẩy tháo gỡ khó khăn các dự án yếu kém. Cùng với đó là một số vấn đề mới xuất hiện như trong chuyến công tác vừa qua tại Sóc Trăng, Thủ tướng và đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại dự án nhiệt điện Long Phú 1 đang chậm tiến độ, cần tiếp tục nghiên cứu, xử lý thời gian tới.  

Trong tuần qua, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị về thị trường vốn trên tinh thần làm lành mạnh hóa thị trường, không để sai phạm của một thiểu số làm ảnh hưởng đến đa số các nhà đầu tư làm ăn chân chính, không hình sự hóa quan hệ dân sự - kinh tế nhưng kiên quyết xử lý những vi phạm để bảo vệ những người làm ăn chân chính, công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật, thực hiện mọi biện pháp cần thiết với bước đi, lộ trình phù hợp để thị trường phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Các bước đi, giải pháp đã nhận được sự ủng hộ của thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp và đang bước đầu có hiệu quả.   

Thủ tướng đề nghị trong tháng 5 và thời gian tới, có nhiều nhiệm vụ quan trọng phải tập trung chuẩn bị tốt, triển khai quyết liệt, hiệu quả; đồng thời không được lơ là, chủ quan với dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng thấp nhất của tháng 4 trong giai đoạn 2017-2022).Thu ngân sách nhà nước ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3%.

Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 7,5%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3% (cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6% của cùng kỳ năm 2018 và 2019, những năm chưa có dịch COVID-19). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 3,9% so cùng kỳ.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng. Chăn nuôi trâu, bò phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm đang hồi phục. Sản lượng thủy sản tháng 4 ước đạt 736.400 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 4 khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,1% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu 4 tháng tăng 16,4%, nhập khẩu tăng 15,7%, xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD. Du lịch phục hồi mạnh mẽ; khách quốc tế tháng 4 gấp 5,2 lần cùng kỳ; 4 tháng tăng 184,7%.

Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 4 tăng 6,6% so cùng kỳ; 4 tháng đạt 109,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch, tăng 9,1% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 4 tháng đạt 5,92 tỷ USD (mức cao nhất từ năm 2018 đến nay), tăng 7,6%.

Hoạt động khởi sự doanh nghiệp nở rộ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao nhất từ trước tới nay với hơn 15 nghìn doanh nghiệp; trong 4 tháng số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3%, doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 60,6%; tổng số vốn đăng ký bổ sung tăng 39,4% so cùng kỳ. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm