Kinh doanh

Giáo sư Đại học Bắc Kinh đề xuất quy trình chuyển đổi kinh tế 6 bước

Tóm tắt:
  • Giáo sư Lâm Nghị Phu đề xuất quy trình chuyển đổi kinh tế 6 bước để thúc đẩy công nghiệp mới và tăng trưởng bền vững.
  • Ông nhấn mạnh vai trò của nhà nước kiến tạo và chính sách công nghiệp linh hoạt giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình.
  • Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được hỗ trợ vốn vay và tham gia sâu hơn vào nền kinh tế để nâng cao sức cạnh tranh.
  • Hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp cần tăng cường để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với thị trường lao động thực tế.
  • Phát triển khu vực tư nhân là động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Việt Nam thịnh vượng trong kỷ nguyên mới”. Giáo sư Lâm Nghị Phu - Viện trưởng Viện Kinh tế học cấu trúc mới, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, nguyên Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Kinh tế phát triển của Ngân hàng Thế giới - là diễn giả khách mời của tọa đàm này.

Quy trình chuyển đổi kinh tế qua 6 bước

Chia sẻ góc nhìn từ kinh tế học cấu trúc mới, Giáo sư Lâm Nghị Phu tin rằng cuộc truy cầu sự thịnh vượng dẫu gian nan song cơ hội luôn chia đều cho các nước, nhất là các nền kinh tế đang phát triển.

Theo ông Phu, bản chất của tăng trưởng thu nhập hiện đại là một quá trình chuyển đổi cơ cấu liên tục trong công nghệ và ngành nghề, nhằm nâng cao năng suất lao động, cùng với sự cải thiện về hạ tầng mềm và cứng trong nền kinh tế, nhằm giảm chi phí giao dịch. Các quốc gia đang phát triển có lợi thế đi sau trong đổi mới công nghệ, nâng cấp ngành công nghiệp và cải cách thể chế, nhờ đó có tiềm năng tăng trưởng nhanh hơn các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia đang phát triển vẫn bị mắc kẹt trong trạng thái thu nhập thấp hoặc trung bình.

Ông Phu cho biết, bẫy thu nhập thấp và bẫy thu nhập trung bình đều là hệ quả của việc không thể thực hiện chuyển đổi cơ cấu một cách năng động, khiến các nước đang phát triển không thể tăng trưởng nhanh hơn các nước thu nhập cao.

Giáo sư Đại học Bắc Kinh đề xuất quy trình chuyển đổi kinh tế 6 bước ảnh 1

Giáo sư Lâm Nghị Phu với bài chia sẻ góc nhìn từ kinh tế học cấu trúc mới.

Làm sao để thoát bẫy ấy và hiện thực khát vọng thịnh vượng? Lời giải chính là các nhà hoạch định chính sách phải hiểu tường tận về các yếu tố phát triển của quốc gia cũng như xác định ra được các lợi thế so sánh tiềm ẩn. Điều đó cũng có nghĩa là hiểu được cấu trúc tài nguyên của một quốc gia và sự thay đổi của nó theo thời gian, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới phù hợp với lợi thế so sánh tiềm ẩn chính (là bí quyết cho sự thịnh vượng).

Kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, Giáo sư Lâm Nghị Phu đã nêu lên vai trò của cơ sở hạ tầng phù hợp và sự tham gia của chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh tế. Ông cho rằng, các quốc gia nên tuân theo lợi thế so sánh của mình để cạnh tranh toàn cầu và nâng cấp công nghiệp.

Vị giáo sư đến từ Đại học Bắc Kinh đề xuất một quy trình chuyển đổi kinh tế qua 6 bước để thúc đẩy ngành công nghiệp mới và tăng trưởng bền vững gồm: Xác định ngành có tiềm năng tăng trưởng thông qua so sánh quốc tế; đánh giá khả năng hiện thực hóa ngành, loại bỏ rào cản cho doanh nghiệp nội địa; tìm kiếm đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) hoặc tổ chức các chương trình ươm tạo doanh nghiệp mới; Chính phủ quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân mở rộng quy mô và thực hiện các sáng kiến; sử dụng các khu kinh tế đặc biệt hoặc khu công nghiệp tại các quốc gia có hạ tầng yếu kém và môi trường kinh doanh không thuận lợi; các chính sách hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp tiên phong qua ưu đãi thuế, cấp vốn vay, quyền tiếp cận nguồn ngoại tệ.

Theo Giáo sư Lâm Nghị Phu, một nhà nước kiến tạo với vai trò điều phối chiến lược, sử dụng chính sách công nghiệp một cách linh hoạt và có mục tiêu rõ ràng, là chìa khóa để Việt Nam và các quốc gia thu nhập trung bình thoát khỏi trì trệ và vươn lên nhóm nước thu nhập cao. Nếu Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ đúng cách trong một thị trường hiệu quả, giúp chuyển hóa lợi thế so sánh tiềm ẩn thành thực tế, thì Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng năng động, thậm chí nhanh hơn các nước phát triển.

Chìa khóa cho tăng trưởng

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam - chia sẻ, trong số 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam, tỷ trọng doanh nghiệp quy mô vừa tương đương với doanh nghiệp lớn, chỉ 1,5%, khoảng 97% còn lại có quy mô nhỏ, siêu nhỏ.

Giáo sư Đại học Bắc Kinh đề xuất quy trình chuyển đổi kinh tế 6 bước ảnh 2
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm.

Ông Bình phân tích, quy mô doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới việc đầu tư vào đổi mới công nghệ, quản trị, nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, từ nội tại doanh nghiệp, cách thức quản trị còn manh mún, nhỏ lẻ, tập trung vào lợi thế sẵn có từ trước như tài nguyên hay lao động giá rẻ. Đặc biệt, khối doanh nghiệp siêu nhỏ chủ yếu hướng tới việc đảm bảo sinh kế, chưa có tham vọng lớn.

Chia sẻ về nội dung này, Giáo sư Lâm Nghị Phu cho biết, Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm và dành sự hỗ trợ lớn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, cho phép các doanh nghiệp này tham gia vào các hoạt động trong nền kinh tế cùng với các hỗ trợ về vốn vay. Sự hỗ trợ của chính phủ luôn được đảm bảo ổn định và xuyên suốt.

TS. Vũ Hoàng Linh - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - bày tỏ, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Ông cho rằng có thể áp dụng quy trình chuyển đổi kinh tế mà Giáo sư Lâm Nghị Phu đề cập để thúc đẩy các ngành công nghiệp mới và tìm kiếm đầu tư từ nước ngoài.

Trước nội dung về vai trò của trường đại học trong phát triển kinh tế, Giáo sư Lâm Nghị Phu chia sẻ, cần tăng cường hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp. Các hình thức hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp thường tập trung vào lĩnh vực đào tạo và chuyển giao nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Qua hợp tác, cơ sở giáo dục sẽ điều chỉnh các chương trình học, các môn học cho sát với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Ông Linh kiến nghị các giảng viên, người học tại các trường đại học cần chủ động triển khai các nghiên cứu về nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp để đưa ra những đề xuất thay đổi chương trình học một cách hợp lý.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải coi khu vực tư nhân là chìa khóa cho tăng trưởng, do đó cần đặt ưu tiên cho các chính sách phát triển doanh nghiệp tư nhân. Trong thời gian tới, phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam cần được coi là một trong những động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo. Khu vực này không chỉ đóng góp lớn vào GDP, tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động, mà còn có tiềm năng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nếu được tạo điều kiện phát triển đúng hướng. Để làm được điều đó, Nhà nước cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Các tin khác

Tỷ phú Elon Musk lại nhận tin buồn

Sự sụt giảm mạnh về doanh số, lo ngại từ nhà đầu tư về hình ảnh thương hiệu và tác động từ chính trị đang phủ bóng lên tương lai của hãng xe điện Tesla.

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

VietinBank tự hào được vinh danh “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” trong 5 năm liên tiếp, khẳng định vị thế tiên phong trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam. VietinBank không ngừng đổi mới và cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng doanh nghiệp.

Miền Bắc, miền Trung nắng nóng đỉnh điểm

Hôm nay và ngày mai (21-22/4) là đỉnh điểm đợt nắng nóng đang diễn ra ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung với nhiệt độ dự báo cao nhất miền Bắc từ 35-37 độ, miền Trung 36-38 độ. Nhiệt độ thực tế có thể cao hơn 2-4 độ. Chỉ số tia UV ở ngưỡng rất có hại. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay cũng chìm trong nắng nóng.

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Được gỡ cơ chế, điện mặt trời mái nhà sẽ tăng mạnh thời gian tới

Theo Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, điện mặt trời mái nhà là xu hướng và sẽ phát triển rất nhanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới do hàng hoá của các doanh nghiệp xuất khẩu khi dùng điện mặt trời mái nhà sẽ được công nhận chứng chỉ xanh khi vào các thị trường có yêu cầu cao trong bối cảnh giá điện ngày càng tăng.

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.