"Nếu mình không vững, thì các con biết dựa vào ai?"
6 năm trước, câu chuyện của anh Trần Văn Thắng – người cha đơn thân ở Quảng Ninh cặm cụi ghi chép hơn 30 trang "sao kê" tay những khoản tiền được giúp đỡ để chữa bệnh cho con trai út – đã khiến nhiều khán giả không kìm được nước mắt.
Không ồn ào kêu gọi, không rành rọt chữ nghĩa, nhưng cách anh trân trọng từng đồng hỗ trợ, từng hành động tử tế, đã khiến người ta tin rằng lòng biết ơn có thể chạm đến bằng những điều giản dị nhất. Một cuốn sổ tay cũ kỹ, bìa đã sờn, mép giấy ố màu theo năm tháng, nhưng lại cất giữ được cả một trời ân tình.
Bên trong cuốn sổ là những dòng chữ nguệch ngoạc ghi tên, số tài khoản, số tiền của hàng trăm người từng giúp đỡ cha con anh trong suốt hành trình chữa bệnh cho con trai út là cháu Trần Thế Đà (SN 2018), được chuẩn đoán mắc bệnh u sắc tố khổng lồ bẩm sinh và một nửa người bên trái phát triển chậm hơn bên phải, khiến ngoại hình khác biệt ngay từ khi lọt lòng.
Hôm nay, chúng tôi tìm về xã Quảng Chính (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh), nơi cha con anh Thắng đang sống cuộc đời lặng lẽ, tiếp tục hành trình chữa bệnh và lớn lên cùng nhau. Câu chuyện tưởng đã lùi vào quên lãng, hóa ra vẫn tiếp tục, theo một cách lặng thầm mà kiên cường.

Đà được bác sĩ chuẩn đoán mắc bệnh u sắc tổ khổng lồ bẩm sinh và một nửa cơ thể bên trái của em phát triển chậm hơn bên phải, khiến việc đi lại không được như người bình thường
Gặp anh khi đang chuẩn bị đi hái chè, người cha gầy gộc nở nụ cười hiền hậu mời chúng tôi vào nhà, pha ấm trà rồi mở lòng kể lại câu chuyện đã theo anh suốt hơn nửa thập kỷ qua.
Anh kể, vợ chồng anh sinh được bốn người con, Đà là con út. Khi chào đời, Đà khiến vợ chồng anh hoảng hốt, lo lắng bởi toàn thân đen sì, sần sùi. “Bác sĩ bảo sức khỏe không sao, chỉ là do ngoại hình. Lúc ấy vợ chồng tôi cũng thở phào, nhưng trong lòng không khỏi lo lắng cho tương lai con trai”, anh chia sẻ.
Thời điểm ấy, hoàn cảnh gia đình anh nghèo, số tiền 2 vợ chồng kiếm được chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Theo lời khuyên của bác sĩ, vợ chồng anh bàn bạc với nhau dành dụm tiền để khi con lớn hơn sẽ đưa đi điều trị. Nhưng biến cố bất ngờ ập đến khi vợ anh qua đời đột ngột, để lại anh một mình nuôi bốn đứa nhỏ. Nỗi mất mát khiến anh đau đớn, suy sụp hoàn toàn, nhưng rồi anh buộc mình phải đứng dậy.

Cuốn sổ được anh Thắng lưu giữ cẩn thận trong tủ

Cuốn sổ được anh ghi ở ngoài với dòng chữ "Sổ ghi tiền ủng hộ cháu Trần Thế Đà"
“Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, nếu mình không vững, thì các con biết dựa vào ai?”, anh nghẹn ngào. Đứng trước di ảnh vợ, anh tự hứa sẽ hoàn thành di nguyên của vợ là sống tốt, làm việc chăm chỉ để nuôi con ăn học đầy đủ, đặc biệt là tích góp tiền để chữa bệnh cho bé Đà.
Trong một lần đưa Đà cùng lên chăm con gái thứ hai ở bệnh viện, một bác sĩ vô tình biết được hoàn cảnh cũng như câu chuyện của anh nên ngỏ ý đăng tải câu chuyện ấy lên mạng xã hội, nhờ các mạnh thường quân (MTQ) giúp đỡ. Nghe thấy vậy, anh vui mừng khôn xiết và đồng ý.


Những người giúp đỡ đều được anh Thắng ghi lại trong cuốn sổ, tính đến nay đã được hơn 30 trang "sao kê" viết tay
Sau khi câu chuyện hoàn cảnh gia đình anh Thắng được đăng tải lên mạng xã hội đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn của cư dân mạng, nhiều người bày tỏ mong muốn giúp đỡ gia đình.
“Bác sĩ bảo nhiều người muốn giúp nhưng phải có tài khoản ngân hàng. Mà lúc đó tôi còn không biết tài khoản ngân hàng là gì. Nhờ bác sĩ hướng dẫn, tôi mới có tài khoản đầu tiên trong đời,” anh cười hiền.
Tháng 10/2019, bé Đà được đưa xuống Hà Nội thăm khám và điều trị. Các bác sĩ cho biết con mắc u sắc tố khổng lồ bẩm sinh– căn bệnh không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng khiến toàn bộ vùng da trên người đều sẫm màu, thô ráp. Cùng với đó, một nửa người bên trái của Đà phát triển chậm hơn bên phải, tuy nhiên, không ảnh đến não bộ. Trong suốt quá trình điều trị, hai cha con nhận được rất nhiều tình cảm và sự giúp đỡ.
“Ngoài được các nhà hảo tâm, mạnh thường quân giúp đỡ, trong suốt hành trình đưa con đi điều trị, chúng tôi cũng gặp được rất nhiều người tốt. Thấy tôi bế con đi khám, có người dúi cho vài chục, có người vài trăm. Khi đi xe, có nhà xe còn không lấy tiền. Nhiều người tôi không kịp nhớ mặt, không biết tên… họ dúi tiền rồi vội đi luôn. Dù ít hay nhiều, tôi đều biết ơn và đều ghi lại hết vào cuốn sổ của mình”, anh kể.

Sau nhiều lần được điều trị, gương mặt của Đà đã rõ nét hơn, không còn những vệt u sắc tố khổng lồ trên khuôn mặt


Tuy nhiên, Đà vẫn cần được tiếp tục thăm khám và điều trị để em có thể tự tin hơn trong cuộc sống.
Dù nét chữ anh có nguệch ngoạc, sai chính tả, nhưng mỗi dòng chữ trong cuốn sổ là một nghĩa tình được gìn giữ, anh ghi lại tên người, số tiền, đôi dòng mô tả, tất cả đều được anh cẩn thận lưu lại. Đến giờ, mỗi lần đưa con xuống Hà Nội thăm khám và điều trị, cuốn sổ ấy vẫn luôn được anh mang theo.
Anh bảo ghi lại từng dòng không chỉ để nhớ ơn, mà còn để sau này khi con trai lớn lên, mỗi khi vấp ngã con lại nhớ rằng từng có biết bao tấm lòng đã chở che, giúp đỡ mình. Hơn hết, để cháu Đà học cách biết ơn và tiếp nối yêu thương ấy cho những người khác.

Nguồn thu nhập chính của anh Thắng là công việc trồng và hái chè
“Căn bệnh khiến con tôi có vẻ ngoài khác biệt, da đen sậm từ đầu đến chân khiến con nhiều lúc cũng cảm thấy tự ti khi ra ngoài hay đến trường. Tôi giữ cuốn sổ này là để sau này con có buồn, có vấp ngã, thì sẽ biết mình từng được yêu thương như thế nào. Và con cũng sẽ biết đem tình thương đó để giúp lại những người khốn khó hơn”, anh Thắng nói, tay vuốt nhẹ bìa cuốn sổ đã ngả màu thời gian.
Tôi dặn con phải học cách chấp nhận: 'Mình sinh ra đã như vậy rồi, không có lỗi gì cả'
Nhắc đến cuộc sống hiện tại, anh Thắng bảo rằng gia đình giờ đã bớt khó khăn hơn trước. Cô con gái lớn hiện đã đi làm, có thể đỡ đần bố phần nào về chi phí sinh hoạt hàng ngày. Con gái thứ hai đang học lớp 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp, còn cô con gái thứ ba hiện học lớp 5.


Do thường xuyên phải đưa và đón con đi học nên anh buộc phải lựa chọn làm những công việc gần nhà với mức thu nhập thấp
“Công việc chính của tôi là trồng và hái chè, mỗi tháng cũng được khoảng 5 triệu. Đến mùa hồi, tôi lại theo mọi người lên rừng thu hoạch để kiếm thêm. Trước kia khi các chưa đi làm, tôi làm đủ nghề để lo cho cả nhà. Còn giờ, sáng nào tôi cũng đưa các con đi học, chiều lại đón về nên buộc phải tìm công việc gần nhà thôi” anh Thắng chia sẻ.
Riêng bé Đà, sau nhiều lần thăm khám và điều trị, gương mặt giờ đã dần rõ nét hơn, chỉ có vài nốt nhỏ màu đen mới mọc lại. Còn ở các bộ phận khác trên cơ thể vẫn cần được tiếp tục điều trị để em có thể tự tin hơn trong cuộc sống.
“Trước đây, bị bạn bè trêu chọc, con hay tủi thân chạy về nhà khóc, không muốn đến trường nữa. Thấy con như vậy, tôi đau lòng lắm. Tôi dặn con phải học cách chấp nhận: 'Mình sinh ra đã như vậy rồi, không có lỗi gì cả'.


Cậu bé vui vẻ chơi bóng cùng những người bạn của mình
Rồi tôi cũng nhắn cô giáo, mong cô nhắc các bạn đừng trêu chọc Đà nữa, để con được đến lớp với tâm thế vui vẻ như bao bạn bè khác. Giờ thì bạn bè và cả anh chị lớp trên cũng quen rồi, không ai trêu con nữa,” anh Thắng mỉm cười kể.
Mùa hè sắp tới, anh dự định sẽ lại đưa bé Đà xuống Hà Nội để tiếp tục thăm khám và điều trị. “Giờ không còn được nhiều người giúp đỡ như trước, nhưng số tiền mà cô chú, các nhà hảo tâm từng ủng hộ cho con vẫn còn đó. Tôi giữ trong tài khoản riêng, số tiền đó chỉ dành cho việc điều trị cho con, cho đến khi nào mình còn có thể” anh nói chậm rãi, mắt ánh lên sự kiên cường.
Khép lại câu chuyện, anh Thắng một lần nữa gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả mọi người, đặc biệt là những nhà hảo tâm, những người dân xa gần đã từng dang tay giúp đỡ cha con anh trên hành trình vượt qua bệnh tật đầy gian nan và thử thách ấy.