Theo ghi nhận của KPMG Việt Nam, sau khi lập kỷ kỷ lục vào năm 2021, giá trị giao dịch M&A bất động sản trong 10 tháng vẫn duy trì gần ngưỡng 1 tỷ USD như năm 2022. Quy mô giao dịch trung bình tăng từ 56 triệu USD ở năm 2019 lên mức cao nhất từ trước đến nay với 166 triệu USD trong 10 tháng, dù trước đó đã giảm xuống mức 51,8 triệu USD trong năm 2022.
Giá trị giao dịch trung bình đã phục hồi mạnh mẽ với thương vụ lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài như Keppel hay Gamuda Land… mua lại các dự án nhà ở và phức hợp lớn từ các nhà phát triển địa phương muốn đa dạng hoá hoặc điều chỉnh đòn bẩy tín dụng.
- TIN LIÊN QUAN
-
Hé mở thêm loạt thương vụ M&A bất động sản của doanh nghiệp ngoại 28/07/2023 - 07:27
-
Keppel đang M&A thêm một dự án ở Hà Nội 08/07/2023 - 11:25
-
Nhiều thương vụ M&A đang diễn ra âm thầm, bất động sản sắp đón dòng tiền lớn? 15/04/2023 - 08:22
Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức chiều ngày 28/11, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng và Phát triển Phúc Khang, cho biết M&A là một phương tiện giúp nhà đầu tư có lợi nhuận và thu hồi vốn nhanh, đa dạng hàng hóa và sản phẩm. Quá trình phát triển xã hội cũng như ngành bất động sản diễn ra nhanh chóng, pháp luật theo đó chưa kịp điều chỉnh để giúp sức cộng hưởng cho M&A cho nên sẽ có giai đoạn bị lỗi và đến nay vẫn đang được điều chỉnh.
Theo CEO Phúc Khang, các thương vụ M&A thời gian qua đạt mức cao cả về số lượng và về giá trị, từ vài trăm triệu đến vài tỷ USD. Khi lượng đã đạt mức rất cao sẽ tiến hóa về chất. Các thương vụ M&A hoặc các doanh nghiệp được M&A hiện nay đều tập trung nâng cao chất lượng. Ngoài nguồn vốn và quản trị, các sản phẩm cũng được ghi nhận tốt hơn, người tiêu dùng đánh giá cao hơn so với trước, dù là lĩnh vực nhà ở, văn phòng cho thuê hay công nghiệp...
Tại Diễn đàn, các chuyên gia cho rằng dù có nhiều nhận định chung cho thấy thị trường bất động sản Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2024 nhưng điều đó sẽ xảy ra vào quý I hay quý IV, cũng như mức độ cải thiện sẽ sâu rộng đến đâu vẫn là những câu hỏi chưa có lời đáp vào lúc này.
Theo ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ Mua bán - Sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam, có ba điều mà doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản) cần vượt qua để thu hút đầu tư trong thời gian tới: Một vài giới hạn nội tại, hệ thống kế toán và kỳ vọng định giá quá cao của bên bán.
Tương tự, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia cũng cho rằng vấn đề được quan tâm nhất trong năm 2024 là việc doanh nghiệp tập trung củng cố bảng cân đối kế toán để vượt qua cơn bão đang diễn ra.
“Sự hạ nhiệt trong các thương vụ là cơ hội để các nhà phát triển bất động sản tái cấu trúc doanh nghiệp, tập trung vào năng lực cốt lõi, bao gồm kiểm soát chi phí và rà soát pháp lý để đảm bảo giấy phép dự án được cập nhật và tuân thủ, nhằm tránh vấn đề với cơ quan chức năng và sau cùng là với khách hàng nếu có sự chậm trễ trong việc cấp giấy tờ liên quan (sổ hồng hoặc sổ đỏ)”, ông Warrick Cleine nói.
Thực tế được chuyên gia dẫn chứng là có nhiều thương vụ bị kéo dài và không mang lại nhiều ý nghĩa vì một số cá nhân phía đối tác không hướng đến giao dịch và thiếu các năng lực cần thiết để thúc đẩy giao dịch, chủ yếu là do họ quá thận trọng trong cách tiếp cận. Phần lớn các thương vụ thất bại vì đội ngũ được giao nhiệm vụ làm việc với nhà đầu tư và cố vấn của họ thiếu cả năng lực và động lực để đưa các bên đến đích.