Sáng 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Từ thực tiễn đấu giá vừa qua, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, lỗ hổng vướng mắc nhất hiện nay chính là việc xác định năng lực tài chính “vốn thực có” của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Đây là câu chuyện không chỉ của Luật Đất đai mà còn là chuyện đầu cơ phức tạp, họ có thể lợi dụng từ giai đoạn đấu giá, bị can thiệp bởi nguồn “vốn đen” chiếm dụng hay rửa tiền... dẫn đến tính khả thi của tài sản đấu giá chậm trễ, kéo dài. Từ phân tích trên, theo ông, cần bổ sung quy định nghiêm cấm người tham giá đấu giá tài sản không đủ nguồn lực tài chính, hay sử dụng nguồn vốn không minh bạch để đấu giá, hay việc liên kết nhận ủy quyền tham gia đấu giá, trả giá cho bên thứ 2, thứ 3.
“Đây là quan hệ dân sự nên trong mọi trường hợp phải tôn trọng và bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá”.
ĐBQH Phạm Văn Thịnh
Trong khi đó, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) quan tâm đến những biểu hiện bất thường, trả giá cao so với mặt bằng chung, nhất là tài sản công như quyền sử dụng đất, mỏ… Thực tế, có người trả giá cao tới vài chục, thậm chí hơn 200 lần giá khởi điểm, từ giá khởi điểm 24 tỷ đồng, giá trúng đấu giá lên đến 1.684 tỷ đồng. Nhưng luật lại chưa quy định quyền của đấu giá viên, hoặc người có tài sản bán đấu giá yêu cầu dừng phiên đấu giá để xử lý các trường hợp nêu trên. Do đó, bà đề nghị rà soát để bổ sung, tháo gỡ vấn đề trên.
Để hạn chế tình trạng trúng đấu giá rồi bỏ cọc, ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho rằng, cần tách bạch giữa tiền đặt trước và tiền đặt cọc. Trong đó, tiền đặt cọc có thể 20-30% giá trúng đấu giá, phải nộp ngay sau khi có kết quả. Nếu người trúng đấu giá không nộp sẽ bị hủy kết quả, như thế họ sẽ thận trọng khi bỏ giá. Thậm chí, ông còn đề nghị bổ sung quy định theo hướng xử lý hình sự với hành vi bỏ cọc đấu giá, có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.
Tranh luận về điều này, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) không đồng tình vì cho rằng đây là “quan hệ dân sự”. Theo ông, phải tôn trọng, bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá. Thay vào đó, dự án luật có thể thiết kế tăng tiền đặt trước để điều chỉnh hành vi bỏ cọc.
“Theo kinh nghiệm quốc tế, Luật Đấu giá có thể tham khảo, bổ sung quy định cụ thể và xử lý hình sự đối với những trường hợp bỏ cọc, có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế”.
ĐBQH Nguyễn Duy Thanh
Xem xét bổ sung chế tài
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề xuất tăng số tiền đặt cọc để tránh tình trạng “cò” đấu giá để trục lợi, nhất là đấu giá đất. Hiện dự thảo luật quy định số tiền từ 5 đến 10% trị giá tài sản, tuy nhiên bà Nga đề nghị tăng lên tối thiểu 20% như nhiều ĐBQH đề nghị. Như vậy những người có nhu cầu thực sẽ tham gia, còn các đối tượng “cò” sẽ bị hạn chế tham gia do số tiền đặt cọc lớn. Tuy nhiên, ĐB đoàn Hải Dương cũng lưu ý, tăng tiền đặt cọc phải đi kèm với giảm số ngày quy định thời hạn nộp tiền. Quy định hiện nay là 90 ngày, theo ĐB, thời gian đó quá dài và tạo điều kiện cho “cò” nộp tiền cọc rồi đi tìm người bán lại ngay. “Giảm thời hạn nộp tiền cọc từ 90 xuống 30 ngày vẫn tạo điều kiện cho cá nhân có nhu cầu mua thực, vừa hạn chế được đội ngũ “cò” đấu giá rồi bán lại để hưởng chênh lệch”, bà Nga nhận định.
ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) viện dẫn các cuộc đấu giá gần đây, như quyền sử dụng đất lô 3-12 khu đô thị Thủ Thiêm với giá trúng 8,3 lần giá khởi điểm, lên đến 2,43 tỷ đồng/m2. Hay trường hợp đấu giá cho thuê 10 năm Nhà hàng Thủy Tạ có diện tích xây dựng 280 m2, với giá trúng đấu giá 151 tỷ đồng, gấp 5 lần giá khởi điểm nhưng nhà đầu tư đều bỏ tiền cọc sau đó. “Tôi đề xuất bổ sung quy định, khi đấu giá tài sản Nhà nước theo phương thức trả giá lên xuất hiện tình huống đấu giá nhiều vòng. Khi mức giá của vòng đầu tiên cao hơn giá khởi điểm từ 2 lần, người tham gia đấu giá tiếp phải nộp bổ sung tiền đặt trước để đảm bảo tỷ lệ đặt trước so với giá bắt đầu của vòng đấu giá tiếp theo. Quy định này lại tiếp tục áp dụng trong các vòng sau. Điều này sẽ làm cho tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá trách nhiệm hơn với quyết định trả giá của mình, tránh tình trạng bỏ giá quá cao, sau lại bỏ tiền đặt trước, gây nhiễu loạn thông tin”, ông Thịnh nói.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đồng ý với đề xuất cho phép người trả giá cao thứ hai được trúng đấu giá nếu người thứ nhất không thực hiện. “Tôi đề nghị cho phép người thứ hai trúng đấu giá với điều kiện người thứ nhất và người thứ hai chênh lệch chỉ một mức giá, hay khoản chênh lệch đó thấp hơn khoản chi phí phải bỏ ra để thực hiện đấu giá”, ông Cảnh nói.
Giải trình, tiếp thu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, 5 năm qua đã có khoảng 200.000 cuộc đấu giá, với trên 90% là tài sản công, chủ yếu là quyền sử dụng đất. Số tiền chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá thành thu cho Nhà nước, thu cho tổ chức, thu cho cá nhân là 110.000 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng, về giải pháp để ngăn chặn, hạn chế thông đồng, dìm giá, hay tình trạng quân xanh, quân đỏ, các thủ tục đang được thực hiện theo hướng công khai, minh bạch, kéo dài thời hạn nếu cần thiết, đồng thời quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ, xét duyệt…
“Vừa rồi có vụ Thủ Thiêm, Quốc hội đã biết rất rõ, vụ cát ở An Giang và Hà Nội, hay lô xe máy xử phạt vi phạm hành chính ở Hà Tĩnh. Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đặc biệt xem có bổ sung được các chế tài nào không. Theo quan điểm của chúng tôi, pháp luật quy định càng chặt càng tốt”, ông Long nói.