Tài chính

Giá trị khối lượng đầu tư 90.997 tỷ, doanh nghiệp này nộp ngân sách Nhà nước 21.000 tỷ đồng

Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song EVN đã đạt nhiều kết quả tích cực. Lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt trên 280 tỷ kWh, tăng trên 4,5% so với năm 2022. Điện thương phẩm trên 251 tỷ kWh, tăng 3,5%. Đến nay, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống trên 80.000 MW, đứng đầu khu vực ASEAN. Trong đó nguồn của EVN và các đơn vị thành viên là gần 30.000 MW, chiếm trên 37%.

EVN tích cực và quyết liệt triển khai đầu tư các dự án với giá trị khối lượng đầu tư toàn Tập đoàn đạt 90.997 tỷ đồng, thuộc hàng cao nhất trong các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Trong đó đang khẩn trương thi công 3 dự án nguồn điện trọng điểm với tổng công suất trên 2.200 MW, khởi công 146 dự án và hoàn thành 163 dự án lưới điện 110 - 500 kV.

EVN là doanh nghiệp đi đầu về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 tại Cổng Dịch vụ công quốc gia và các tỉnh, thành phố (xếp hạng 1 trong nhiều tháng liên tiếp); tỉ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 96,3%. 

EVN tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục để rút ngắn thời gian cấp điện cho khách hàng mới (giảm còn 2,73 ngày đối với cấp điện lưới trung áp, còn 2,33 ngày đối với cấp điện lưới hạ áp khách hàng sinh hoạt).

Việc cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra với số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt trên 99,7%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,6%.

EVN hoàn thành vượt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật với tổn thất điện đạt 6,15% thuộc top 4 trong khối ASEAN; 967/996 TBA 220 - 110 kV được chuyển sang chế độ không người trực, đạt tỉ lệ 97%.

EVN hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước 21.000 tỷ đồng. Tập đoàn đã duy trì các hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực, thể hiện trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.

Giá trị khối lượng đầu tư 90.997 tỷ, doanh nghiệp này nộp ngân sách Nhà nước 21.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Thi công móng trụ đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua địa phận tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: EVN

Bên cạnh những kết quả, hoạt động của Tập đoàn còn một số khó khăn, thách thức, hạn chế, như năm 2023 vẫn để xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ; công tác đầu tư xây dựng chưa đạt mục tiêu kế hoạch, một số dự án nguồn điện và lưới điện tiến độ triển khai chậm; một số đảng viên, cán bộ, nhân viên của các đơn vị trong Tập đoàn bị kỷ luật, xử lý hình sự.

Năm 2024, EVN phấn đấu bảo đảm cung ứng điện với sản lượng điện thương phẩm năm 2024 là 262,26 tỷ kWh và sẵn sàng với phương án cao 269,3 tỷ kWh; tiếp tục nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; năng suất lao động tăng trên 8%; đầu tư toàn Tập đoàn đạt 101.911 tỷ đồng; bảo đảm cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối gồm 4 dự án đường dây thành phần: Quảng Trạch - Quỳnh Lưu, Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa, Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1 - Phố Nối.

Tổng chiều dài đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối khoảng 515km, đi qua 9 tỉnh gồm: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Hiện nay, chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, tư vấn, giám sát đang làm việc 3 ca, 4 kíp, nỗ lực tối đa bám sát các mốc tiến độ của dự án.

Tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương việc khởi công dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, "vượt nắng thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca, 4 kíp", làm việc xuyên lễ, xuyên tết. Các địa phương có dự án đi qua tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho dự án; chủ động tháo gỡ các vướng mắc để dự án hoàn thành theo tiến độ đề ra.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm