"Ai đồng nát sắt vụn, bán đê"...
Nhắc đến nghề đồng nát, bất kỳ ai cũng văng vẳng đâu đây những âm thanh quen thuộc như trên. Tiếng rao vang vọng từ nông thôn đến thành thị, và giữa lòng Hà Nội đôi khi cũng vang lên âm thanh mộc mạc ấy.
Một nghề lâu đời, có từ thời các cụ, các bà, nhưng đồng nát lại không phải là một nghề được giới trẻ quan tâm nhiều. Mọi người thường chỉ tìm hiểu những ngành nghề gắn liền với nhịp sống hiện đại, hơn là công việc cả ngày nhặt nhạnh rồi phân loại ve chai, đồ cũ, với mức thu nhập "ba cọc ba đồng".
GenZ và câu chuyện gia đình 3 đời làm nghề đồng nát ở Hà Nội
Là một cô nàng Gen Z, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề đồng nát, Cát Phương (tên thật là Kim Oanh, sinh năm 2006, sống tại Hà Nội) khiến tất cả mọi người phải thay đổi suy nghĩ về công việc của gia đình cô. Thậm chí cô nàng còn lập riêng một kênh TikTok chuyên giới thiệu về công việc đồng nát của gia đình. Hiện nay kênh TikTok của Cát Phương đã có 1,8 triệu lượt yêu thích và gần 50 nghìn lượt theo dõi.
Cát Phương sinh ra trong gia đình có truyền thống 3 đời làm nghề thu mua đồng nát.
Thật sự, khi ngắm nhìn Cát Phương xinh đẹp trẻ trung với phong cách hiện đại, thanh lịch, thậm chí cô còn là người mẫu ảnh, ai cũng bất ngờ khi biết cô nàng Gen Z ấy lại xuất thân từ một gia đình có 3 đời làm nghề đồng nát sắt vụn.
"Có tới 99% mọi người đều ngạc nhiên khi biết mình là con gái nhà đồng nát. Thậm chí có người còn bảo mình thuê bãi để quay video làm content", Cát Phương chia sẻ.
Phương tâm sự, ngày còn nhỏ cô nàng khá là tự ti về công việc này của bố mẹ. Hồi học cấp 2, Phương thường xuyên bị bạn bè đùa cợt, thậm chí còn bôi bác danh dự bố mẹ cô. Tới khi lớn lên, câu chuyện tự ti vẫn chưa thể dừng lại. Thời điểm đó, Phương là một cô gái mới lớn, hay so sánh công việc của bố mẹ cô với gia đình các bạn khác, và rồi tự cảm thấy công việc đồng nát của bố mẹ cô rất xấu hổ.
"Cho đến hiện tại, mình đã có nhận thức hơn về từng ngành nghề. Nghề nào cũng có nét đẹp riêng của nó, không có nghề nào là đáng xấu hổ cả. Khi mình suy nghĩ đến việc bố mẹ đã khổ cực nuôi hai anh em mình lớn lên từ công việc này, mình càng thêm yêu thương bố mẹ nhiều hơn. Mình cũng thấy rằng, mỗi ngày bố mẹ hay là các cô đồng nát đều luôn mang cho mình những nụ cười vui vẻ. Mình nghĩ rằng, cuộc sống chỉ cần luôn bên nhau, vui vẻ và hạnh phúc thì luôn tốt đẹp", Cát Phương tâm sự.
Cát Phương hiện đang làm nhân viên văn phòng, đồng thời cũng là một người mẫu ảnh. Sau giờ làm việc Phương sẽ về nhà phụ giúp bố mẹ. Từ khi còn bé, cô đã quen với công việc này nên cũng am hiểu những kiến thức cơ bản khi phân loại và định giá các loại phế liệu trong kho.
"Nghề đồng nát khá vất vả do vậy bố mẹ mình thì muốn con gái có một công việc tốt và nhẹ nhàng hơn. Còn bản thân mình thì mình cũng đang có một định hướng khác trong sự nghiệp sau này.
Do vậy, mình cũng không chắc là bản thân có thể nối nghiệp gia đình được không. Để nói về sự nghiệp thì cũng là do duyên nữa nên là hiện tại mình cũng chưa thể nào chắc chắn được. Nhưng mình vẫn muốn dành thời gian rảnh để tranh thủ phụ giúp bố mẹ. Vì thật sự, nghề này vất vả và ảnh hưởng tới sức khỏe rất nhiều", Cát Phương tâm sự.
Kiếm 50-100 triệu/tháng và những niềm vui bất ngờ với nghề "đổi rác thành tiền"
Trên kênh TikTok của Cát Phương, có một clip dậy sóng khắp MXH, cô nàng chia sẻ thu nhập của gia đình lên tới 50-100 triệu/tháng nhờ nghề đồng nát sắt vụn. Ngay lập tức, đoạn clip nhận về 6,7 triệu lượt xem và hơn 3000 bình luận.
Nói về thu nhập của gia đình, Cát Phương chia sẻ: "Về câu chuyện thu nhập thì sẽ tùy theo từng thời điểm. Với những đợt mà có công trình to thì mỗi tháng sẽ kiếm được từ 50-100 triệu/tháng.
Nhưng sẽ có những đợt mà doanh thu rất ít, ví dụ vào những dịp đặc biệt hay lễ Tết... mọi người thường về với gia đình và tạm dừng công việc trong nhiều ngày".
Cát Phương chia sẻ, công việc thường ngày của gia đình cô đơn giản là thu mua, dọn dẹp, cân đồ và xuất hàng. Những công việc này lặp đi lặp lại, bố mẹ cô thường xong việc khoảng 8-9 giờ, thậm chí có hôm làm đến 2-3 giờ sáng.
Những loại "rác" mà nhà Cát Phương thu mua với giá thành cao là: sắt, đồng, nhựa... riêng đồng có giá thành cao nhất (giá thu mua là 200k/kg). Sau khi thu mua, nhà Phương sẽ phân loại từng vật liệu để các bên đến mua lại cho dễ. Nhà Phương thu mua từ các đơn vị nhỏ lẻ (các cô bác đồng nát) sau đó gom thành số lượng lớn và bán lại cho các công ty.
Có nhiều mặt hàng như đồng, nhôm... họ sẽ nung chảy, sau đó lại đúc lại thành khuôn để tái chế thành các vật liệu hay chi tiết khác.
Trong kho nhà Phương, có những khu vực mà phế liệu chất thành nhiều tầng, cao tới trần nhà. Thoạt nhìn tưởng là đồ bỏ đi, nhưng Cát Phương chia sẻ:"Chỗ phế liệu ấy có giá tới 50 triệu. Thông thường là phế liệu nhà mình phải gom đến vài tấn thì các bên công ty họ mới đến thu mua lại. Có hôm, họ đến bốc đi tới 5 tấn sắt vụn".
Dù công việc khá vất vả, nhưng gia đình Phương cũng gặp rất nhiều những tình huống thú vị.
"Chuyện vui mỗi ngày là gặp các cô đồng nát. Gia đình mình khá thân với các cô, mình cũng rất hay trò chuyện và trêu đùa cùng các cô ấy. Chuyện mình vui nhất là làm nghề này mình và bố mẹ được ở gần nhau nhiều hơn. Tết hàng năm, bố mẹ mình thường tặng quà và lì xì cho các cô và ngược lại, những bên bốc hàng cũng sẽ tặng quà và lì xì lại cho bố mẹ", Cát Phương tâm sự.
"Thậm chí có lần, Phương đang giúp bố mẹ phân loại phế liệu thì gặp ngay một chiếc hộp nhỏ. Lắc lắc thấy có đồ bên trong, mình và bố mở ra thì bất ngờ thay, đó là nhẫn vàng, vòng vàng, tính sơ sơ cũng tầm 4 chỉ.
Nhiều khi nghề này như xé túi mù vậy, có hôm mình nhặt được vàng, có hôm còn thấy điện thoại, tiền mặt... len lỏi trong những món đồ cũ bỏ đi", Phương chia sẻ.
Chuyện khởi nghiệp với nghề đồng nát
Gia đình Phương có truyền thống 3 đời làm nghề đồng nát. Nhiều năm trước, bố mẹ cô đi thu mua đồng nát bằng chiếc xe đạp, mỗi ngày đội mưa đội nắng đi làm.
"Làm nghề này sẽ gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe, chủ yếu là trầy xước ngoài da (nghe thì có vẻ đơn giản nhưng nếu không cẩn thận và sơ cứu kịp thời tình trạng vết thương sẽ rất nghiêm trọng), và hệ hô hấp bị ảnh hưởng do làm việc trong môi trường bụi bặm.
Thời gian đầu khá khó khăn, mẹ mình lo lắng đến mức bị tụt 10kg. Bất kể ngày mưa, nắng thậm chí bão gió đều ra đường làm việc, mình thấy thương bố mẹ lắm. Mình cũng khuyên bố mẹ trang bị đồ bảo hộ khi làm việc nhưng khá bất tiện khi làm việc", Cát Phương tâm sự.
Đến năm 2008, gia đình Phương mở rộng kinh doanh, trở thành chủ vựa thu mua, đa số thời gian là ở nhà, không cần phải ra ngoài tìm đồ như hồi xưa nữa.
Cát Phương cũng chia sẻ, để mở một vựa đồng nát, trước tiên mọi người cần phải yêu nghề và có đam mê, không ngừng nỗ lực và kiên trì vượt qua khỏi thời gian đầu. Thứ hai là vốn, dù vựa to hay bé thì cũng cần phải có một số vốn nhất định từ 80-100 triệu.
Thứ 3 là mục đích: Sẽ có một vài người mang trong mình một quan điểm thu gom đồng nát để tái chế và bảo vệ môi trường. Ví dụ như những cô vệ sinh môi trường thuận tiện cho việc phân loại rác thải. Thứ 4 là mối quan hệ: Để làm ngành này tốt cần phải có mối quan hệ tốt từ bên bốc hàng và bên thu mua, đây là điều khá quan trọng vì cần phải có một thời gian dài mới có thể kết nối được quy trình như gia đình Phương ở hiện tại.
Ảnh, clip: NVCC