Thứ Sáu tuần trước, khi các trader trên thị trường dầu thực vật đang chuẩn bị rời văn phòng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra một thông báo quan trọng. Chỉ trong vài ngày tới, quốc gia này sẽ cấm xuất khẩu dầu ăn và nguyên liệu thô để giải quyết tình trạng khan hiếm.
Quyết định táo bạo của Indonesia – nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới, ngay lập tức khiến ngành này rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Các nhà phân tích đã miêu tả tình thế này là "hỗn loạn" và "một cú đánh lớn". Các trader chán nản khi chứng kiến thị trường trị giá 50 tỷ USD vốn đã gặp khó khăn vì mâu thuẫn Nga – Ukraine nay càng chật vật. Thị trường hợp đồng tương lai tại Malaysia đóng cửa ngày hôm đó nhưng giá dầu đậu nành vẫn tăng lên mức kỷ lục.
Anilkumar Bagani – trưởng bộ phận nghiên cứu của Sunvin Group, cho biết chính sách mới có thể sẽ khiến các trader buộc phải thay đổi lộ trình của các lô hàng dầu cọ và nguồn hàng từ các nước như Malaysia, Thái Lan. Ông nói: "Indonesia đã ném một quả bom vào thị trường dầu cọ."
Trong giờ giao dịch đầu tiên của ngày 25/4, hợp đồng tương lai dầu cọ tại Kuala Lumpur đã tăng vọt lên 7%. Tuy nhiên, giá bắt đầu hạ nhiệt khi các trang truyền thông đưa tin chi tiết về kế hoạch của Indonesia sẽ không bao gồm các sản phẩm như lô hàng dầu cọ thô. Theo đó, giá dầu cọ giảm hơn 4% sau đó đóng cửa giảm 2%. Khối lượng giao dịch đối với hợp đồng giao vào tháng 7 cao hơn vài lần so với mức trung bình hàng ngày trong 3 tháng.
Khối lượng giao dịch dầu cọ tăng đột biến sau quyết định bất ngờ của Indonesia.
David Ng – trader cấp cao tại IcebergX Sdn. ở Kuala Lumpur, cho hay: "Các trader đã mất cảnh giác với chính sách thiếu chắc chắn của Indonesia. Họ không thể rút các vị thế kịp thời vì giá biến động rất mạnh."
Việc thiếu thông tin về thời hạn của lệnh cấp – vốn có hiệu lực từ ngày 28/4, khiến các trader không muốn tiếp tục giao dịch trong khi lại lo ngại về "bộ mặt kinh doanh" của Indonesia. Quốc gia này là nhà cung cấp hàng hóa lớn và trước đây cũng từng áp đặt các lệnh hạn chế với xuất khẩu niken và than, khiến thị trường toàn cầu chao đảo.
Trong vài ngày qua, các trader dầu cọ đã náo loạn liên lạc với các nhà hoạch định chính sách, hiệp hội của ngành và bạn bè với hy vọng có thêm thông tin về thời hạn của lệnh cấm. Một số công ty môi giới lo ngại rằng các tàu dự kiến được sử dụng để vận chuyển các lô dầu cọ có thể bị mắc kẹt hoặc hủy chuyến do thời gian áp dụng quy định mới đã quá gần.
Sathia Varqa – chủ tịch Palm Oil Analytics tại Singapore, cho biết: "Indonesia phải có cách giải quyết hợp tình hợp lý. Người mua sẽ cực kỳ cảnh giác với việc tìm nguồn cung từ Indonesia."
Đây cũng là quan điểm của các đối tác từ Ấn Độ - quốc gia nhập khẩu dầu thực vật hàng đầu thế giới. Một số người cho biết quyết định mới này có ý nghĩa rất lớn với chuỗi cung ứng toàn cầu và đáng lẽ ra Indonesia phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Trong khi đó, những biến động hiện tại khiến họ không thể thực hiện các giao dịch mua lớn.
G.G. Patel – chủ tịch GGN Research và là trader ngành dầu thực vật lâu năm, nói: "Các trader đang ở trạng thái chờ đợi và theo dõi. Họ không thực hiện giao dịch nào ở thời điểm hiện tại."
Lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia được đưa ra vào thời điểm quốc gia này đang chật vật để giải quyết những cuộc biểu tình phản đối việc giá cả tăng cao. Những bất ổn này đã trở thành vấn đề mang tính chính trị quan trọng với Tổng thống Jokowi khi giá dầu ăn có thể sẽ đẩy giá các loại thực phẩm lên cao hơn nữa trước kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr – thường có những bữa tiệc và lễ kỷ niệm lớn.
Chính phủ Indonesia đã triển khai các biện pháp hỗ trợ tiền mặt và điều động lực lượng cảnh sát để đảm bảo quốc gia này có đủ nguồn cung cho dịp lễ hội. Cảnh sát đã nỗ lực nhằm hạ nhiệt sự căng thẳng của các cuộc biểu tình và một số quan chức thương mại đã bị bắt giữ trong một vụ tham những.
Lệnh cấm có thể ảnh hưởng đến nguồn cung vốn đã eo hẹp và càng làm ảnh hưởng từ mâu thuẫn Nga – Ukraine trở nên nghiêm trọng hơn. Do dầu thực vật được sử dụng phổ biến trong mọi thứ từ kẹo cho đến nhiên liệu, nên động thái mới của Indonesia có thể sẽ càng đẩy mạnh lạm phát lượng thực toàn cầu trong thời gian tới.
Gnanasekar Thiagarajan – trưởng bộ phận chiến lược kinh doanh và phòng ngừa rủi ro tại Kaleesuwari Intercontinental, nhận định: "Thật khó để kinh doanh trong môi trường này, khi những sai lầm về chính sách khiến giá cả biến động mạnh. Động thái của Indonesia được đưa ra vội vàng và việc thay đổi ngay sau đó lại không giúp ích gì cho thị trường."
Tham khảo Bloomberg