Giá căn hộ cũ và mới đều tăng phi mã
Anh Nguyễn Tập (quê Hải Dương) cho biết, sau 5 năm kết hôn gia đình anh hiện tại có 1 bé gái, vì vậy việc sở hữu nhà tại Hà Nội là cần thiết. Sau khi dồn hết tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng và được gia đình hỗ trợ, tổng số tiền trong tay là 1,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu anh Tập thấy rằng, giá bất động sản liên tục tăng cao hơn, với 1,6 tỷ đồng nếu mua căn hộ mới tại khu vực Hà Đông hiện tại cũng không đủ. “Tôi đi tìm nhà nhưng giá nhà cũ và mới đều tăng cao. Tại Hà Đông bây giờ muốn mua mới cũng gần 3 tỷ đồng cho căn hộ hơn 70m2, còn căn hộ cũ cũng có giá đến hơn 2 tỷ đồng, chưa kể mua căn hộ cũ còn tiền sửa chữa, nội thất cũng phải đến hàng trăm triệu đồng”, người này nói.
Thực tế, hiện nay giá nhà ở Hà Nội đã liên tục tăng cao, kể cả căn hộ cũ. Đơn cử, một căn hộ cũ tại Cầu Giấy, có diện tích 75m2, cách đây 3 năm có giá khoảng 30 triệu đồng/m2, thì nay đã lên tới 44 triệu đồng/m2, tăng gần 50%.
Bước sang đầu năm 2022, thị trường bất động sản được đánh giá là đã hạ nhiệt, thậm chí là chững lại. Nhưng giá nhà tại Hà Nội vẫn không chịu “dậm chân tại chỗ”. Báo cáo thị trường bất động sản quý II vừa qua của nhiều đơn vị nghiên cứu đều cho thấy, giá bán bất động sản ghi nhận tăng ở nhiều phân khúc như căn hộ, nhà phố và biệt thự.
Theo đó, giá nhà căn hộ mới tung ra thị trường sơ cấp tiếp tục tăng 4-7% trong 6 tháng qua, mức tăng mạnh nhất rơi vào loại hình cao cấp, giá bán trên 50 triệu đồng/m2. Riêng ở phân khúc biệt thự, bình quân giá chào bán trong quý vừa qua đã tăng hơn 2.400 USD/m2 so với đầu năm nay. Bình quân giá chào bán nhà liền thổ tại TP. HCM tăng 25% so với quý đầu năm - mức tăng giá khá mạnh, đẩy các tài sản liền thổ lập mặt bằng giá mới kể từ đợt đấu giá đất Thủ Thiêm cuối năm ngoái đến nay.
Giá nhà vẫn khó dừng lại
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nửa cuối năm nay, phân khúc bất động sản nhà ở vẫn gặp khó về nguồn cung, sản phẩm nhà chung cư sẽ tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới. Lý do là những bất trắc trong kênh huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp khiến chủ đầu tư các dự án đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án.
Ngoài ra, việc cấp phép chậm cho các dự án một lần nữa khiến nguồn cung bất động sản nhà ở gặp khó. Với những nhà đầu tư cá nhân và hộ gia đình đang sở hữu bất động sản, nguy cơ lạm phát trên phạm vi toàn cầu khiến họ càng có nhu cầu nắm giữ tài sản thay vì bán ra và thu tiền.
"Nguồn cung bị thắt chặt trong khi nhu cầu được thúc đẩy là các yếu tố khiến giá cả bất động sản phân khúc căn hộ sẽ thiết lập mặt bằng giá mới trong nửa cuối năm nay. Việc giảm giá là rất khó diễn ra. Thậm chí, mức giá căn hộ có thể tăng bình quân 10% từ nay đến cuối năm", ông Đính nêu.
Còn PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, trong 6 tháng cuối năm nay, nếu tình hình kinh tế thế giới diễn biến như hiện nay, không có sự kiện đặc biệt nào xuất hiện. Kinh tế trong nước phục hồi ổn định, thì thị trường bất động sản sẽ tăng trưởng ổn định.
Cũng theo ông Chung, trong trường hợp có nguồn vốn tăng đột biến, ngân hàng xem xét mở rộng tín dụng, đầu tư công 6 tháng cuối năm được giải ngân đúng kế hoạch, các điểm nghẽn về pháp luật được tháo gỡ, thì thị trường sẽ bùng nổ, tăng trưởng rất mạnh. Tuy nhiên, đây là kịch bản rất khó xảy ra, nhưng các yếu tố này được tạo dựng, thị trường bất động sản sẽ bứt phá rất nhanh.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 cùng với những động thái tích cực về thể chế, mặc dù vẫn còn rất nhiều những diễn biến không chắc chắn nhưng khả năng thị trường bất động sản có bước phát triển tốt trong 6 tháng cuối năm.
Đồng quan điểm trên, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, quản lý cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, mặc dù thị trường trong những tháng đầu năm đối mặt với khó khăn về nguồn vốn, quỹ đất, song vẫn có một số tín hiệu khả quan. Áp lực từ lạm phát, chi phí phát triển sẽ rất khó để bất động sản có thể giảm hay chững lại giá bán sơ cấp trong các tháng cuối năm.