Büsingen am Hochrhein hay gọi tắt là Büsingen có diện tích chỉ 7,62 km² thuộc lãnh thổ nước Đức nhưng giáp ranh với ba bang Schaffhausen, Zürich và Thurgau của Thụy Sĩ. Vị trí địa lý độc đáo, Büsingen được mệnh danh là “nơi xa nhất nước Đức” với nhiều đặc điểm thú vị về văn hóa, kinh tế và đời sống của người dân.
Büsingen từng là lãnh thổ của Áo. Năm 1805, nó trở thành một phần lãnh thổ của Đức theo hòa ước Pressburg. Năm 1918, tại một cuộc trưng cầu, 96% người dân mong muốn trở thành một phần của Thụy Sĩ. Tuy nhiên đến nay vẫn không có sự thay đổi.
Về mặt hành chính, Büsingen thuộc Đức còn về kinh tế lại tuân theo luật của Thụy Sĩ. Thậm chí, họ có thể xin thêm quốc tịch của cả quốc gia này.
Hầu hết cư dân Büsingen làm việc cho các công ty và tổ chức ở Thụy Sĩ, chủ yếu tại các thị trấn lân cận. Hệ quả là họ nhận lương bằng đồng franc Thụy Sĩ thay vì euro, đơn vị tiền tệ của Đức. Điều này dẫn đến một xu hướng thú vị: đồng franc được ưa chuộng hơn trong các giao dịch mua bán và thanh toán hàng ngày tại đây.
Người dân cũng thường phải đứng trước những sự lựa chọn: giữa hai mã bưu điện và các nhà cung cấp điện thoại từ cả hai quốc gia, đồ dùng thiết bị được sản xuất ở Đức hay Thụy Sĩ… Thậm chí, có đến hai lực lượng cảnh sát tại Büsingen. Một sự vụ xảy ra tại thị trấn vừa có thể bị xét xử bởi tòa án Đức hoặc tòa án Thụy Sĩ, tùy thuộc vào việc cảnh sát nước nào tham gia trước.
Trẻ em Büsingen theo học tiểu học tại trường địa phương của Đức, tuy nhiên khi lên trung học lại phải di chuyển sang bên kia biên giới. Điều này xuất phát từ việc trường trung học duy nhất trong khu vực nằm ở Thụy Sĩ. Một điểm thú vị khác, câu lạc bộ bóng đá FC Büsingen của thị trấn là đội bóng Đức duy nhất được phép chơi ở giải vô địch quốc gia Thụy Sĩ.
Bên cạnh nền văn hóa độc đáo, Büsingen còn thu hút du khách bởi phong cảnh thiên nhiên nên thơ và bầu không khí yên bình. Một số địa điểm tham quan nổi tiếng ở đây là nhà thờ Bergkirche St. Michael, bảo tàng Junkerhausm, khu bảo tồn thiên nhiên Schlössle…
Nhà đầu tư hồi hộp chờ cáo cáo việc làm Mỹ công bố tối nay: Thị trường lao động bình thường hoá hay tín hiệu suy thoái kinh tế?