Thị trường vàng hiện nay đã bớt nóng sau 1 tháng Ngân hàng (NH) Nhà nước triển khai bán vàng miếng SJC trực tiếp cho người dân với giá "bình ổn". Tuy vậy, theo các chuyên gia, đây vẫn được xem là giải pháp tình thế, về lâu dài cần tính đến giải pháp thu thuế giao dịch vàng để hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ và thao túng thị trường. Đồng thời, tạo sự công bằng với các kênh đầu tư khác.
Bình đẳng giữa các kênh đầu tư
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, gần đây, vàng được coi như một kênh đầu tư để kiếm lời nên việc xem xét đưa ra một mức thuế hợp lý là cần thiết. Việc này không chỉ đem lại sự bình đẳng giữa các kênh đầu tư mà còn giúp giá vàng ổn định.
Mặt khác, chính sách thuế đối với thị trường vàng sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu của một số nhà đầu tư, đặc biệt đối với những người mua vàng để đầu cơ, tích trữ, thao túng thị trường. Đồng thời, chính sách này còn có thể tác động đến tâm lý thị trường, thúc đẩy người dân chuyển đầu tư vàng sang các kênh sinh lời khác, từ đó giúp cơ quan quản lý kiểm soát được giá vàng. "NH Nhà nước cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng" - bà Mùi đề xuất.
Đồng thuận với bà Mùi, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng không có lý do gì để không đánh thuế vàng. Bởi lẽ người mua đi bán lại vàng có lợi nhuận, tức là đã có thu nhập trong giao dịch vàng. "Tại sao nhà nước đánh thuế trên tất cả thu nhập khác mà không đánh thuế thu nhập của người mua bán vàng?" - TS Nguyễn Trí Hiếu nêu vấn đề.
Theo TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ nhà nước nào. Trong bối cảnh người dân dồn vốn vào vàng, tất yếu dẫn tới đầu cơ, tích trữ, đến một lúc nào đó, nhà nước cần sử dụng thuế không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người dân đối với vàng.
Thu thuế bằng cách nào?
ThS-LS Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tín Nghĩa - một chuyên gia về thuế, lại có góc nhìn khác về đánh thuế mua bán vàng. Ông cho rằng vàng là loại hàng hóa đặc biệt, vừa mang tính chất hàng hóa vừa là một loại tiền tệ. Tính chất tiền tệ của vàng thể hiện ở đặc tính là công cụ tích trữ giá trị. Còn tính chất hàng hóa thể hiện ở đặc trưng trao đổi, mua bán... và giá trị sử dụng (vàng trang sức).
Do đó, việc đánh thuế giao dịch vàng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu nhà nước xác định vàng là tiền tệ thì không nên tính thuế. Bởi trên thế giới không có quốc gia nào đánh thuế đối với tiền. Chỉ khi xem vàng là hàng hóa mới cần tính thuế như giao dịch các loại hàng hóa khác.
Trong khi đó, TS Lê Đạt Chí - Phó trưởng Khoa tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM - nhận xét vàng là một tài sản có khả năng sinh lời. Khi người dân đầu tư vào tài sản thì phải thu thuế. Ví dụ, người bán 1 lượng vàng SJC hiện nay khoảng 78 triệu đồng sẽ nhân với thuế suất 0,1% như đang áp dụng đối với người bán chứng khoán sẽ ra số tiền thuế khoảng 78.000 đồng.
Các đơn vị kinh doanh vàng có trách nhiệm thu thuế hộ rồi nộp lại cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để làm được việc này, chủ tiệm vàng và doanh nghiệp (DN) phải kê khai hóa đơn mua vàng, đồng thời xuất hóa đơn bán hàng tương ứng. Cơ quan thuế kiểm tra chặt chẽ hóa đơn đầu và đầu ra của đơn vị kinh doanh vàng để không thất thoát việc thu thuế giao dịch vàng.
Đề cập đến thuế, ông Trần Hữu Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc - Đá quý ASEAN (AJC- Hà Nội), cho biết thuế giá trị gia tăng của mỗi loại hàng hóa đều được DN cộng vào giá thành sản phẩm. Đối với sản phẩm vàng cũng vậy, các tiệm vàng thay thế người mua nộp thuế giá trị gia tăng cho từng món vàng.
Thế nên, theo ông Đang, việc đánh thuế người mua bán vàng với thuế suất nhất định là hoàn toàn khả thi. Vì DN sẽ cấn trừ thuế ngay khi thanh toán cho người bán vàng, rồi nộp lại cho nhà nước. Cơ quan thuế cũng không lo thất thu thuế nếu kiểm soát chặt được hóa đơn đầu vào và đầu ra của DN. Ví dụ, trong 1 tháng DN bán ra 100 lượng vàng thì phải xuất hóa đơn đầu ra lẫn hóa đơn đầu vào tương ứng. "Cơ quan thuế sẽ xác định giá trị của số vàng khách hàng đã bán cho DN để làm cơ sở tính thuế" - ông Đang nói.
Đề xuất 4 giải pháp
Để phát triển thị trường vàng ổn định lâu dài, nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) đã gửi đến cơ quan quản lý 4 kiến nghị. Thứ nhất, giảm thiểu can thiệp hành chính trực tiếp vào thị trường vàng. Cụ thể, Nhà nước không nên một mình giữ quyền sản xuất vàng miếng mà nên cân nhắc cấp phép cho một số DN đủ điều kiện thực hiện nhập khẩu và sản xuất vàng miếng để cân đối cung - cầu và đáp ứng nhu cầu đầu tư, tích trữ của người dân. Sớm thay đổi, ban hành Nghị định 24/2012 mới về quản lý thị trường vàng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ hai, liên thông thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới bằng cách xem xét cho một số DN được sản xuất vàng miếng để cung ứng cho thị trường; xem xét cho phép DN sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu; đưa ngành sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu vàng trang sức ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện; đưa thuế xuất khẩu vàng trang sức về 0% như cũ, thay vì tăng 1% như ban hành mới đây.
Thứ ba, sớm chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất sang vàng kỳ hạn theo hướng cho phép thực hiện huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng hay còn gọi là chứng chỉ vàng, với ưu điểm là an toàn, tiện lợi, không sợ vàng giả, không mất phí gia công dập ra vàng miếng. Người sở hữu chứng chỉ vàng có quyền chuyển đổi thành vàng vật chất khi đến hạn.
Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đề nghị phải thay đổi tư duy quản lý nhằm tăng cường huy động nguồn lực vàng trong dân. Chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, công cụ phái sinh...) trên một trung tâm giao dịch tập trung.
Theo nhóm nghiên cứu, người dân đổ tiền cho việc tích trữ vàng phản ánh họ đang ở thế "phòng thủ". Muốn họ từ bỏ thế "phòng thủ" đó, đòi hỏi Nhà nước và các cơ quan liên quan phải xây dựng một thị trường vàng ổn định, bảo hộ và bảo đảm lợi ích hợp lý của người sở hữu vàng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-7