Cập nhật từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang tăng ngược chiều so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới. Cụ thể, phiên ngày 23/10, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 643 USD/tấn, loại 25% tấm là 628 USD/tấn.
So với gạo 5% tấm của Thái Lan, gạo Việt Nam cao hơn 74 USD/tấn, và hơn gạo Pakistan 80 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam cũng cao hơn Thái Lan 105 USD/tấn và Pakistan 145 USD/tấn.
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/10, Việt Nam xuất khẩu gần 6,73 triệu tấn, thu về trên 3,73 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng mạnh 34,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Với con số trên, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt qua mốc 3,65 tỷ USD (năm 2011), chính thức thiết lập kỷ lục lịch sử mới sau 34 năm tham gia thị trường thế giới.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng ở Tiền Giang - cho rằng, giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao vì doanh nghiệp không còn nhiều hàng trong kho để xuất và nhu cầu trong những tháng cuối năm vẫn ở mức cao.
Theo ông Đôn, hiện Philippines đã xem xét bỏ trần giá gạo sẽ khiến các doanh nghiệp nhập khẩu gạo quay lại thị trường. Họ là khách hàng gạo lớn nhất của Việt Nam nên các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi, đơn hàng tăng.
Ông Đôn dự báo, kể cả vào vụ thu hoạch Đông Xuân (tức đầu năm 2024), nguồn cung gạo từ Việt Nam và Thái Lan tăng lên, giá sẽ hạ nhiệt, song khó giảm xuống dưới ngưỡng 600 USD/tấn. Điều này giúp giá gạo nội địa sẽ tiếp tục ở mức cao vì nông dân không hạ giá bán.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), so với cơn sốt giá gạo năm 2008, năm nay Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội thị trường. Tính toán từ Bộ NN&PTNT, ở kịch bản cao nhất, nước ta có thể xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt khoảng 4,2-4,5 tỷ USD trong năm 2023.