Theo hợp tác, TradeWaltz tích hợp với các doanh nghiệp phía Nhật Bản; TradeFlat đưa vào ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam. Hai nền tảng tích hợp qua API và sử dụng công nghệ blockchain. Dự án hướng tới mục tiêu tối ưu 40% chi phí và thời gian xử lý của các bên tham gia hoạt động thương mại của hai nước.
Việc hợp tác thuộc khuôn khổ Chương trình tài trợ Xúc tiến đầu tư thương mại do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức. TradeWaltz là nền tảng tương tác thông tin thương mại hàng đầu tại Nhật Bản. Nền tảng này được đầu tư bởi các tổ chức lớn tại xứ sở hoa anh đào... Về phía đơn vị Việt, TradeFlat (trước đây là eTradevn) do FPT IS phát triển, hiện hợp tác cùng các ngân hàng và doanh nghiệp hàng đầu để khai thác tại thị trường Nhật Bản.
Chương trình tài trợ do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức hướng tới mục tiêu phát kiến nền tảng hỗ trợ thương mại, góp phần tối ưu thủ tục truyền thống. Hai nhóm nhận tài trợ chính gồm: doanh nghiệp với nhu cầu sử dụng Trade Platform nhằm số hóa quy trình và doanh nghiệp tìm kiếm nền tảng Trade Platform phù hợp để kết nối, hợp tác với nhau.
Hai nền tảng có sự tương đồng khi cùng phát triển trên blockchain, góp phần tạo minh bạch và an toàn trong giao dịch. Ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch FPT IS cho biết, qua việc hợp tác, đơn vị hướng tới mục tiêu đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp kết nối kinh doanh, phát kiến mô hình số hóa hoạt động thương mại quốc tế toàn diện. Dự án góp phần tháo gỡ rào cản trong quy trình xuất nhập khẩu giữa các doanh nghiệp hai nước.
"Việc hợp tác có thể tạo nên thuận lợi trong chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và thương mại quốc tế, hoàn thành mục tiêu đưa quan hệ hai nước phát triển theo đúng phương châm: Việt Nhật đồng hành, hướng tới tương lai - vươn tầm thế giới", ông nhấn mạnh.
Ông Satoru Someya - Giám đốc Điều hành TradeWaltz Inc bày tỏ sự vui mừng khi hợp tác FPT. Ông cho biết, năm 2020 khi Việt Nam đăng cai ASEAN, TradeWaltz đã có cơ hội thảo luận, hội đàm về số hóa thương mại với các đại diện trong nước, đưa ra định hướng hợp tác tương lai.
"Thông qua dự án lần này, chúng tôi kỳ vọng sẽ hiện thực hóa những mục tiêu đó. Về lâu dài, chúng tôi mong muốn sự hợp tác khai mở quy trình số hóa thương mại toàn diện giữa hai nước, nhằm xúc tiến giao thương, tăng cường hợp tác đôi bên", ông Satoru Someya nêu.
Đại diện hai đơn vị đánh giá việc tích hợp TradeFlat và TradeWaltz có ý nghĩa khi năm 2023 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong 50 năm qua, Nhật Bản luôn nằm trong top 3 nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam, hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành phố. Nhu cầu đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam ngày một tăng cao.
Đại diện TradeFlat cho biết, việc hợp tác TradeWaltz đánh dấu lần đầu giải pháp "Make in Vietnam" hợp tác nền tảng quốc tế trong hoạt động thương mại Việt Nam - Nhật Bản. Việc nhận tài trợ từ Chính phủ Nhật cũng thể hiện chất lượng TradeFlat khi đáp ứng đủ ba tiêu chí: mục đích và nội dung kinh doanh góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, giảm chi phí thương mại; phương pháp khả thi cao với đội ngũ chuyên gia tiềm năng; bề dày kinh nghiệm thực tiễn.
TradeFlat giúp xử lý các nghiệp vụ L/C (thư tín dụng) thống nhất và toàn trình (end-to-end). Giải pháp hỗ trợ giảm 90% thời gian chuyển giao giấy tờ so với luồng giao dịch tài trợ truyền thống, giảm 50% thời gian xử lý tác nghiệp của nhân viên ngân hàng, tăng ba lần năng suất và hiệu quả công việc. Mô hình đồng hành nghiên cứu và phát triển bởi nhiều ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam.
Nền tảng hỗ trợ giải quyết bài toán tổng thể về tài trợ vốn trong giao dịch thương mại gồm: tài trợ chuỗi cung ứng (SCF), bảo lãnh điện tử (eGuarantee), đánh giá và giám sát sức khỏe tài chính doanh nghiệp (Business Financial Health Monitor).
Giải pháp tích hợp đa dạng với hệ sinh thái "Made by FPT IS": hóa đơn điện tử - FPT.eInvoice, hợp đồng điện tử - FPT.eContract, giải pháp chứng thực hợp đồng điện tử kết nối Bộ Công thương - FPT.CeCA, chữ ký số gắn dấu thời gian - FPT.eSign... Dữ liệu cập nhật theo thời gian thực, toàn vẹn và chính xác giúp hạn chế tình trạng thiếu hụt thông tin, khó khăn trong tìm kiếm ngân hàng cho vay, đối tác tiêu thụ sản phẩm.