Trong báo cáo về triển vọng thị trường vốn năm 2023, FiinRatings ước tính đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, tương đương 157.970 tỷ và 341.270 tỷ đồng.
Theo nhận định, thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp (DN) liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu. Tuy nhiên, các chuyên gia kỳ vọng áp lực đáo hạn sẽ được giải tỏa nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 cho phép gia hạn nợ được thông qua.
Về lãi suất, mặt bằng lãi suất Việt Nam được dự đoán sẽ neo cao trong ít nhất nửa đầu năm 2023 trước khi hạ nhiệt nhưng nhìn chung triển vọng lãi suất năm nay vẫn sẽ khó khăn hơn.
Theo FiinRatings, lãi suất giai đoạn cuối năm sẽ được hỗ trợ bởi đầu tư công, trong đó tốc độ giải ngân được kỳ vọng sẽ nhanh hơn so với năm 2022 (đạt 67,27% kế hoạch). Năm 2023 sẽ tiếp nhận các dự án trọng điểm gồm Sân bay Long Thành, Cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, Đường vành đai 3, Đường vành đai 4. Ngoài ra, thiếu hụt nguồn cung đá xây dựng cũng được giải tỏa khi Luật đầu tư sửa đổi đã được thông qua tạo điều kiện cho việc khai thác các mỏ đá hết hạn.
Nhìn về khía cạnh tích cực, thị trường TPDN sắp tới sẽ bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi giúp kênh vốn này phát triển bền vững hơn. Tuy còn nhiều khó khăn, các nhà nghiên cứu đánh giá đây là cơ hội để sàng lọc sức khỏe tài chính của các chủ thể tham gia.
Việc kênh vốn này bị kiểm soát chặt hơn đã hỗ trợ cơ quan quản lý nhận diện các doanh nghiệp yếu kém để có các biện pháp khu trú riêng. Mặt khác, các đơn vị phát hành với năng lực tài chính mạnh và mô hình kinh doanh tốt có thể tận dụng thời cơ để mở rộng thị phần kinh doanh của mình trong kỳ kinh doanh sắp tới.
Loạt vi phạm vừa qua đã gây tâm lý xáo trộn không đáng có, song cũng giúp thành phần tham gia hiểu rõ hơn về các vấn đề của thị trường. Nhà đầu tư cũng được hỗ trợ bởi các quy định mới, trong đó yêu cầu đơn vị phát hành, định chế trung gian công bố thông tin về tình hình tài chính và hồ sơ chào bán TPDN.
Do đó, tình hình minh bạch thông tin sẽ được cải thiện dần với sự phát triển của hệ thống giao dịch thứ cấp tập trung vào năm sau, và cơ sở nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang các định chế tài chính.
Trong bối cảnh thanh khoản mắc kẹt, doanh nghiệp có chất lượng tín dụng kém có thể chứng kiến dòng tiền bị bào mòn và khó khăn tiếp cận vốn đảo nợ. Tuy nhiên, các đơn vị có dòng tiền mạnh và huy động được vốn quốc tế vẫn sẽ vượt qua được giai đoạn trên.
Năm 2022 ghi nhận nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn quốc tế, hai trong số đó là Chứng khoán Bản Việt (105 triệu USD) và F88 (60 triệu USD) hiện đang được xếp hạng tín nhiệm bởi FiinRatings.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ sớm ban hành Quy định tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Điều này sẽ tạo cú hích cho nhiều ngành như năng lượng, xây dựng, bất động sản xanh… tăng trưởng.
Theo công bố, những DN như Xây lắp điện 1 (PCC1), CTCP TTP Phú Yên đã huy động tín dụng xanh thông qua quá trình xác minh với Tổ chức Trái phiếu Khí hậu (CBI) cho các dự án năng lượng gió/mặt trời. Do đó, FiinRatings kỳ vọng năm 2023 sẽ thêm nhiều doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí và huy động thành công tín dụng hoặc trái phiếu xanh.