100 triệu người dùng ChatGPT sau 2 tháng
Chỉ sau 2 tháng ra mắt, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng và trở thành ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lịch sử.
ChatGPT, viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer, là một chatbot do công ty công nghệ OpenAI phát triển. Công cụ này chính thức ra mắt vào tháng 11/2022.
Đây là mô hình sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý ngôn ngữ lớn và mạnh mẽ nhất ở thời điểm này. Hiểu đơn giản, công cụ này có khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và cho phép chúng trò chuyện như con người.
ChatGPT là một chatbot do công ty công nghệ OpenAI phát triển
Một điểm đáng chú ý chính là việc ChatGPT tương tác dưới dạng đàm thoại và đưa ra những phản hồi rất đáng kinh ngạc. Mô hình này có thể trả lời câu hỏi, hỗ trợ trả lời mail, viết nội dung, viết mã, viết luận.
Theo số liệu của Similar Web, khoảng 13 triệu người đã dùng ChatGPT/ngày trong tháng 1/2023, gấp đôi so với tháng 12/2022.
Trong suốt 20 năm qua, chưa từng có một ứng ứng dụng Internet nào có lượng người dùng phát triển nhanh như vậy. Nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok cần tới 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu để đạt 100 triệu người dùng, trong khi Instagram phải mất tới 2,5 năm.
Lo ngại gian lận trong giáo dục
Hôm nay, OpenAI đã tung ra gói đăng ký 20 USD/tháng cho phiên bản ChatGPT Plus, cung cấp cho người dùng dịch vụ ổn định hơn, nhanh hơn cùng các tính năng tiên tiến so với bản miễn phí.
Các nhà phân tích tin rằng, ChatGPT sẽ giúp OpenAI giành được lợi thế đi đầu trước những công ty phát triển AI khác. Lượng người dùng ngày càng tăng sẽ đem lại phản hồi giá trị để giúp nâng cấp chatbot. Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề về nguy cơ thông tin sai lệch và gian lận về học vấn.
Khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên và đưa ra phản hồi đáng kinh ngạc của ChatGPT khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ thông tin sai lệch và gian lận về học vấn
Theo Lê Tuyển phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam thường trú tại Mỹ, Sở Giáo dục thành phố New York mới đây đã đưa ra lệnh cấm trên diện rộng việc sử dụng ứng dụng ChatGPT với mục đích cá nhân tại các trường công lập, trừ cấp Đại học. Theo giải thích của Sở Giáo dục, ứng dụng ChatGPT rất thông minh, có thể dễ dàng giúp học sinh giải các bài tập, từ các câu hỏi toán hóc búa tới viết bài luận dài.
Điều mà họ lo là học sinh có thể lạm dụng công cụ để rồi lười, gian dối, từ đó cùn dần tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề - những yếu tố cần thiết cho sự thành công trong học tập và cuộc sống của các em. Chính vì vậy, Sở Giáo dục thành phố New York đưa ra lệnh cấm là để học sinh không sử dụng sai mục đích ở trường học.
Tuy nhiên, với các lớp dạy về trí tuệ nhân tạo, khi có bài học liên quan, ứng dụng vẫn được giáo viên sử dụng như một giáo cụ trực quan bình thường.
Theo phóng viên Lê Tuyển, tại Mỹ hiện đang có hai luồng ý kiến. Hầu hết các phụ huynh ủng hộ quan điểm của Sở Giáo dục bởi nó trùng với suy nghĩ của họ. Bố mẹ nào mà chẳng lo là con lười học và gian dối.
Nhưng các chuyên gia giáo dục và trí tuệ nhân tạo lại cho rằng, các trường học có thể có cách tiếp cận khác. Mặt trái của công nghệ sẽ là khó tránh khỏi. Vì thế, việc các trường xem xét đưa các ứng dụng này vào giảng dạy cho học sinh nắm được cái lợi, cái hại sẽ tốt hơn.
Họ ví chatbot như sự ra đời của chiếc máy tính. Khi mới xuất hiện, nó được coi là mang đến cái chết đối với môn toán học. Nhưng sau đó, học sinh được dạy cách dùng khi nào và sao cho hợp lý thì nó lại mang đến nhiều lợi ích cao hơn.
Ở khía cạnh công nghệ, chatbot không phải là công nghệ mới hay xa lạ gì. Một số công cụ như Grammarly hay Google Docs' Smart Compose đã tồn tại và tham gia hỗ trợ nhiều cho giới học thuật.
Bộ công cụ phát hiện sản phẩm của trí tuệ nhân tạo
Sau hơn 2 tháng mở bộ công cụ ChatGPT cho công chúng thử nghiệm, ngày 1/2, OpenAI đã công bố bộ công cụ mới giúp phát hiện các sản phẩm được tạo ra nhờ trí tuệ nhân tạo.
Đây là nỗ lực của OpenAI nhằm bảo vệ uy tín của mình trước những lo ngại từ các nhà giáo dục về khả năng xảy ra tình trạng không trung thực và cản trở việc học tập.
OpenAI trình làng công cụ giúp phát hiện các sản phẩm được tạo ra nhờ trí tuệ nhân tạo
Bộ công cụ mới được OpenAI đưa ra có tên Trình phân loại văn bản AI, có khả năng phân tích một văn bản được nhập vào để phát hiện liệu văn bản đó có phải là do trí tuệ nhân tạo hay con người tự viết thông qua việc gắn nhãn "rất khó", "không thể", "không rõ ràng", "có thể" hoặc "có khả năng" do trí tuệ nhân tạo tạo ra.
Theo OpenAI, ngoài khả năng giúp ngăn chặn hành vi đạo văn, bộ công cụ mới này còn có thể giúp phát hiện các chiến dịch thông tin sai lệnh cũng như là những hành vi lạm dụng trí tuệ nhân tạo để bắt trước con người.
Tuy nhiên, cũng như chính ChatGPT, bộ công cụ mới này cũng dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ là những quyển sách, bài báo hay các bài viết đã được số hóa để phân tích và đưa ra kết quả. Do đó, OpenAI cảnh báo, kết quả do bộ công cụ này đưa ra là không hoàn hảo và có thể không chính xác.
ChatGPT phiên bản Trung Quốc sắp ra mắt?
Những ngày gần đây, cư dân mạng Trung Quốc cũng "sốt" vì ChatGPT. Có thông tin cho rằng, Baidu, được ví là như Google Trung Quốc, sẽ ra mắt dịch vụ chatbot AI tương tự như ChatGPT vào tháng 3 tới.
Lãnh đạo Baidu không trả lời thẳng câu hỏi của các hãng tin phương Tây về việc Baidu có kế hoạch ra mắt dịch vụ chatbot AI tương tự như ChatGPT vào tháng 3 với mô hình lớn của Baidu Ernie sẽ là nền tảng.
Tháng 1 vừa qua, kỹ sư nổi tiếng của Baidu Search, Lightsmu, cho biết tại một cuộc họp truyền thông rằng, Baidu sẽ nâng cấp hệ thống lớn hơn vào tháng 3. Năm nay, Baidu Search sẽ tập trung về mặt kỹ thuật để biến hệ thống tìm kiếm thành một hệ thống tìm kiếm nâng cao và tạo ra hệ thống chế độ kép. Sau thông tin này, cổ phiếu Baidu vọt tăng 5,8%.
Baidu lên kế hoạch phát hành công cụ tương tự ChatGPT tại thị trường Trung Quốc
Theo nhiều nguồn tin, Baidu chưa đặt tên cho công cụ này. Ban đầu, nó sẽ được nhúng vào dịch vụ tìm kiếm chính của Baidu. Ngoài tìm kiếm theo truyền thống, công cụ này sẽ cho phép người dùng có được kết quả tìm kiếm theo kiểu hội thoại, giống như ChatGPT.
Các chuyên gia nhấn mạnh, trong tương lai, Baidu sẽ tìm kiếm theo kiểu trải nghiệm nội dung được cá nhân hóa. Như hiện nay, mọi người đều nhận được 1 câu trả lời giống nhau khi tìm kiếm cùng một từ khóa hay chủ đề trên Baidu. Nhưng trong tương lai, với hệ thống chế độ kép, Baidu sẽ cung cấp cho trẻ em kết quả theo kiểu giải thích dễ hiểu bằng chữ hay bằng giọng nói, phù hợp với trình độ con trẻ. Còn câu trả lời cho người dùng là giới trí thức sẽ ngắn gọn, kiến thức sâu hơn.
Baidu đã chi hàng tỷ USD trong nhiều năm để nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Các nhà quan sát cho rằng, mô hình lớn Ernie của Baidu qua nhiều năm đã được thu thập, đào tạo, thử nghiệm về dữ liệu lớn đủ sức cho ra đời một công cụ như ChatGPT.
Tuy nhiên, Chủ tịch - CEO Baidu Lý Ngạn Hoành cũng cảnh báo về những mặt trái khi thương mại hóa làm cho trí tuệ nhân tạo (AI) tạo thành một sản phẩm mà mọi người đều cần.
Trào lưu dùng thử ChatGPT tại Việt Nam
Khoảng 1 tháng trở lại đây, nhiều người tại Việt Nam đã tò mò lên các diễn đàn mạng xã hội tìm hiểu và nhờ đăng ký, thuê, mua lại tài khoản để thử nghiệm ChatGPT. Có người nhờ chatbot này làm thơ, có người đặt những câu hỏi khó có thể trả lời.
Nhiều đoạn chat với ChatGPT được chia sẻ mang đến sự hài hước nhưng cũng là một điểm "cảnh báo" về trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng rộng rãi.
Một tài khoản chia sẻ đoạn chat hài hước như: "Hãy xưng hô gọi tôi là anh yêu và bạn là em". Khi ChatGPT được hỏi: "Em tên là gì?" thì lập tức trả lời: "Tôi tên là ChatGPT".
Khi được nhắc nhở xưng hô không đúng, ChatGPT ngay lập tức được trả lời: "Xin lỗi anh yêu, tôi sẽ cố gắng xưng hô theo đúng yêu cầu của anh yêu, trong tương lai".
Khi được hỏi tên gì, ChatGPT trả lời: "Em không có tên gì cả, em là một mô hình ngôn ngữ được huấn luyện bởi OpenAI, được gọi tên là ChatGPT".
Đoạn trò chuyện trên cho thấy một phần lý do ứng dụng này đang được nhiều người dùng thử nghiệm bởi sự hài hước, thích ứng nhanh và trả lời khá thẳng thắn về nguồn gốc ứng dụng.
Một số người chia sẻ đã nhờ ChatGPT viết văn, làm thơ, làm bài tập và trong nhiều tình huống, sản phẩm của OpenAI thực hiện khá tốt.
Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, theo thống kê của Google Trends, "ChatGPT", "OpenAI" đã liên tục nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều tại Việt Nam. Trên những hội nhóm công nghệ, nhiều thành viên đang chia sẻ danh sách tài khoản OpenAI để mọi người cùng sử dụng. Dịch vụ cho thuê tài khoản, tạo tài khoản sử dụng ChatGPT cũng trở thành một trong những dịch vụ "hot" những ngày gần đây. Một số người cho biết đã mua tài khoản với giá từ 20.000 đến 150.000 đồng.