Động thái này sẽ mở ra cuộc chiến pháp lý mới giữa EU và tập đoàn công nghệ của Mỹ.
Uỷ viên cạnh tranh của EU Margrethe Vestager cho biết kết quả điều tra sơ bộ cho thấy Apple đã ngăn hệ thống ví di động Apple Pay của mình khỏi sự cạnh tranh một cách không công bằng. Hành vi này nếu chứng minh được có thể coi là sự lạm dụng vị trí thống trị và như vậy là trái phép theo các quy định của EU.
Cuộc điều tra của EC được mở vào năm 2020 do bà Margrethe Vestager dẫn đầu. Cuộc điều tra cho thấy Apple sử dụng chức năng “tap-as-you-go” của iPhone cho Apple Pay mà không phải là các dịch vụ của bên thứ ba khác như PayPal, Venmo… Apple nói rằng việc cho phép các dịch vụ của bên thứ ba sẽ vi phạm tính bảo mật và quyền riêng tư của người dùng.
Đây không phải là lần đầu tiên Apple đối mặt với các khoản phạt chống độc quyền liên quan đến Apple Pay. Vào năm ngoái, EU đã điều tra Apple vì tính phí 30% đối với ứng dụng bên thứ ba trên App Store.
Bà Vestager trước đó tuyên bố Apple đóng vai trò làm chủ khi phân phối các ứng dụng và nội dung cho người dùng trên các thiết bị của Apple. Trước đó, Spotify cũng đã đệ đơn khiếu nại đối với Apple liên quan đến việc họ phải chi 30% từ các giao dịch mua hàng trong ứng dụng cũng như cấm người dùng thanh toán bằng các phương thức thay thế cho các đăng ký bên trong ứng dụng.
EU không đặt thời hạn chót cho cuộc điều tra hiện nay. Nếu bị kết tội, Apple có thể phải nộp phạt tới 10% doanh thu toàn cầu. Tính đến cuối tháng 3, Apple đã phải chi hơn 45 triệu euro tiền phạt liên quan đến các hành vi độc quyền.