Thời sự

Elon Musk mắc hội chứng tâm thần "kẻ mạo danh": Uống thuốc ngủ hàng đêm vì luôn nghĩ mình chưa phải số 1, nỗi khổ của vĩ nhân không phải ai cũng thấu hiểu

Tỷ phú Elon Musk là người nổi tiếng làm việc chăm chỉ tới 17 tiếng mỗi ngày. Giới truyền thông từng bất ngờ khi nghe nhà sáng lập Tesla trần tình về quãng thời gian khó khăn khi phải uống thuốc ngủ hàng đêm, lao động vất vả thời kỳ đầu sự nghiệp. Thế nhưng ngay cả khi đã trở thành tỷ phú, Elon Musk vẫn tàn phá sức khỏe của mình để làm việc.

Thậm chí vào năm 2014, nhà sáng lập Tesla này cho biết lịch trình của mình kín đến tận 1 năm sau, qua đó cho thấy cường độ lao động vất vả của người giàu nhất nhì thế giới này.

Mới đây, Elon Musk đã mua thêm Twitter dù ông đang quản lý 4 công ty và Tesla thì đang phát triển tốt bất chấp những thách thức. Vậy tại sao vị tỷ phú này luôn cố mở rộng đế chế của mình khi cường độ lao động đã quá căng thẳng?

Elon Musk mắc hội chứng tâm thần kẻ mạo danh: Uống thuốc ngủ hàng đêm vì luôn nghĩ mình chưa phải số 1, nỗi khổ của vĩ nhân không phải ai cũng thấu hiểu - Ảnh 1.

Mệt mỏi nhưng Elon Musk vẫn cố mua thêm mảng kinh doanh mới

Bỏ qua những thuyết âm mưu về việc thâu tóm "quyền lực mềm" từ mạng xã hội, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng Elon Musk đang mắc hội chứng "Kẻ mạo danh" (Impostor Syndrome), vốn là hội chứng tâm lý thường gặp ở những người có xu hướng nghi ngờ thành quả mà mình đạt được.

Trên thực tế, chẳng riêng gì Elon Musk, hàng loạt các tỷ phú hay người thành công khác cũng mắc hội chứng này mà không hề hay biết.

Bạn đã bao giờ thắc mắc Mark Zuckerberg thức dậy mỗi sáng không phải để ăn mừng Facebook có 2,8 tỷ người dùng mà để tự hỏi tại sao hơn một nửa còn lại của thế giới không dùng mạng xã hội của mình? Thế rồi đúng như những lo lắng đó, Tiktok trỗi dậy đe dọa vị thế của Facebook khiến ông lớn này phải thành lập Meta.

Tương tự, Jeff Bezos từ chức CEO của Amazon nhưng không phải vì nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình mà là để lao vào cuộc chiến "vũ trụ" mới với tỷ phú Musk.

Câu chuyện nghe có vẻ sai sai khi những tỷ phú đã cực kỳ thành công nhưng không chịu nghỉ ngơi hưởng thụ mà lại đâm đầu mở rộng thêm đế chế của mình. Tuy nhiên với những người luôn nghi ngờ các thành quả mình đạt được, hay luôn lo sợ đánh mất vị thế vốn có như Mark Zuckerberg, Elon Musk hay Jeff Bezos thì câu chuyện "ngừng phát triển là chết" trở nên quá dễ hiểu.

Thông thường, chu kỳ mắc bệnh của hội chứng kẻ mạo danh bắt đầu bằng việc mong muốn trở thành người đặc biệt, người giỏi nhất hay muốn được xuất sắc trong mọi mặt. Thế rồi khi thành công đến và được mọi người tung hô, họ bắt đầu chịu áp lực và xuất hiện nỗi sợ thất bại, sợ không vượt được qua thành công của chính mình, sợ bị phủ nhận khả năng và hạ thấp sự tán dương.

Elon Musk mắc hội chứng tâm thần kẻ mạo danh: Uống thuốc ngủ hàng đêm vì luôn nghĩ mình chưa phải số 1, nỗi khổ của vĩ nhân không phải ai cũng thấu hiểu - Ảnh 2.

Elon Musk nhận lời thách thức sửa mạng điện Nam Australia

Kể từ đây, những người mắc hội chứng này bị trầm cảm, ảo tưởng họ làm không đủ tốt và mất đi những đức tính kiên quyết, tự tin nhưng thận trọng, có tính toán, vốn là thế mạnh ban đầu làm nên thành công.

Vào tháng 3/2017, Elon Musk đã nổi đóa trên Twitter khi bị thách thức sửa mạng lưới điện tại Australia trong vòng 100 ngày. Thế nhưng đã 5 năm trôi qua và lời thách thức năm nào trở thành trò cười trên mạng xã hội.

Rõ ràng, nỗi sợ thất bại và bị phủ nhận đã khiến Elon Musk đôi khi quá vội vàng. Sự tự tin nhưng có tính toàn của vị tỷ phú này vô hình chung bị biến tướng thành những lời nhận thách đấu gây cười trên mạng xã hội.

70% dân số mắc phải

Thuật ngữ kẻ mạo danh xuất hiện lần đầu vào năm 1978 trong chủ đề "Hội chứng kẻ mạo danh ở phụ nữ thành đạt" của tiến sĩ Pauline R. Clance và Suzanne A. Imes.

Nghiên cứu này cho thấy những phụ nữ thành đạt trong cuộc sống và sự nghiệp thường có khuynh hướng ảo tưởng rằng mọi thứ họ đạt được là do may mắn, hoặc đơn giản là do mọi người đánh giá quá cao khả năng cũng như sự thông minh của họ.

Hai tiến sĩ Clance và Imes khẳng định hội chứng kẻ mạo danh xuất phát từ nhiều yếu tố như các định kiến xã hội, ảnh hưởng bởi sự giáo dục của gia đình và các văn hóa sống mà bản thân người bệnh đã trải qua.

Hậu quả của hội chứng này là những người giỏi thực sự có xu hướng trầm cảm, lo âu và sự tự tin hạ thấp. Trong khi một số người trở nên thận trọng quá mức cần thiết, thì số khác lại có hành vi bốc đồng để che giấu sự thiếu tự tin, cố thuyết phục mình vẫn ổn và qua đó giữ hình tượng của bản thân.

Bề ngoài, những người mắc chứng kẻ mạo danh có thể sở hữu những kỹ năng tốt, các thành tích nhất định nhưng ẩn sâu bên trong mình, họ luôn tồn tại một nỗi sợ bản thân trở thành kẻ lừa đảo, lừa gạt người khác, một kẻ kém cỏi và không xứng đáng có được thành công.

Tuy không phải là hội chứng mang tính chất bệnh lý, nhưng đây cũng có thể coi là một hội chứng tâm lý và có thể ảnh hưởng đến thành công và hạnh phúc của rất nhiều người. Những người có hiện tượng này nhiều khả năng sẽ không phát huy được hết khả năng và luôn gặp áp lực trong cuộc sống, dẫn đến trầm cảm.

Elon Musk mắc hội chứng tâm thần kẻ mạo danh: Uống thuốc ngủ hàng đêm vì luôn nghĩ mình chưa phải số 1, nỗi khổ của vĩ nhân không phải ai cũng thấu hiểu - Ảnh 3.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Hành vi Quốc tế (International Journal of Behavioural Sciences) cho thấy hơn 70% dân số toàn cầu sẽ phải đương đầu với hội chứng mạo danh vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Những cảm giác như lo lắng khi người khác phát hiện mình không đủ tốt, bị cô lập, bị từ chối, lâu dần phát triển thành nỗi nghi ngờ bản thân, sợ thành công, sợ thất bại và tự hủy hoại bản thân.

Trong cuộc sống đời thường, hội chứng này xuất hiện thường xuyên ở bất cứ nơi đâu, từ trường học, công sở cho đến tận từng gia đình. Đôi khi thành công quá lớn khiến một người đặt ra mục tiêu quá cao cho bản thân và khi không đạt được, họ sẽ nghi ngờ bản thân, lo lắng về việc mình không đủ giỏi rồi tự dằn vặt mình trong nhiều ngày.

Đó có thể là một học sinh luôn nghĩ mình là đứa kém cỏi khi nghĩ về những lần đạt điểm kém hoặc hay so bì với học sinh giỏi hơn. Đó cũng có thể là người cha cho rằng mình là một ông bố tồi khi không chu cấp được đầy đủ cho gia đình như những người khác. Đó có thể là người phụ nữ tự dằn vặt vì nghĩ mình không phải một bà mẹ tốt

Sự dằn vặt này khiến mọi người bị ép buộc bản thân nhiều hơn nữa bất kể họ đã có thành tích đến mức nào. Những nhân viên mắc chứng bệnh này luôn ở lại làm muộn hơn chỉ để chứng minh giá trị của bản thân mình. Cũng có người mắc bệnh luôn làm việc một mình vì họ có cảm giác mình kém cỏi nếu như phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác.

Hay một kiểu người khác chính là người cảm thấy mình thiếu kiến thức hoặc kinh nghiệm cho một công việc hoặc một vị trí. Trong mắt họ, họ luôn e ngại rằng kiến thức của mình còn thiếu sót, và họ sẽ cảm thấy xấu hổ nếu như bản thân họ làm sai một việc gì đó, bởi khi đó họ sẽ có suy nghĩ rằng mình đã bị "lộ tẩy" và "sự lừa đảo người khác" bị phơi bày sự thật.

Elon Musk mắc hội chứng tâm thần kẻ mạo danh: Uống thuốc ngủ hàng đêm vì luôn nghĩ mình chưa phải số 1, nỗi khổ của vĩ nhân không phải ai cũng thấu hiểu - Ảnh 4.

Cách phòng tránh

Để vượt qua được hội chứng kẻ mạo danh thì bạn sẽ cần nhiều thời gian, trải nghiệm trong cuộc đời chứ không thể dứt điểm ngay được. Tuy nhiên có một vài mẹo nhỏ để những người tài năng mắc bệnh đối phó với hội chứng này.

- Học cách đón nhận thành công của bản thân:

Thành công luôn là thành quả của những sự nỗ lực. Ngay cả khi thành công nhờ may mắn thì may mắn đó cũng không tự nhiên sinh ra nếu bạn không lựa chọn hành động. Bởi vậy hãy học cách chấp nhận thành công của mình. Đừng có những suy nghĩ mình nắm bắt cơ hội là đang lừa gạt người khác, thành công của mình chỉ do may mắn.

Trên thực tế, cơ hội thành công trong cuộc sống là công bằng với tất cả mọi người và chỉ những người biết nắm bắt cơ hội mới thực sự xứng đáng có được nó. Do đó, may mắn là một phần từ sự nỗ lực của chính bạn.

- Không so bì với kẻ khác

Người Việt thường thích so sánh và thậm chí dùng chiêu trò để cạnh tranh với nhau. Ngay từ khi còn bé, con trẻ đã bị cha mẹ đem ra so sánh với "con nhà người ta", lớn lên thì có "chồng nhà người ta", "gấu nhà người ta"...

Chính những sự so sánh này làm gia tăng hội chứng kẻ mạo danh khi những người tài năng nghĩ mình kém cỏi. Rồi sau này họ áp dụng nó lại vào chính con cái của mình khi so sánh với người khác tạo thành vòng luẩn quẩn.

Cách tốt nhất là hãy tự so sánh với chính mình, xem mình đã tiến bộ được gì so với ngày hôm qua để tự hoàn thiện bản thân hơn là dằn vặt vì kém hơn kẻ khác.

Elon Musk mắc hội chứng tâm thần kẻ mạo danh: Uống thuốc ngủ hàng đêm vì luôn nghĩ mình chưa phải số 1, nỗi khổ của vĩ nhân không phải ai cũng thấu hiểu - Ảnh 5.

Người thành công cũng có nỗi khổ riêng

- Thất bại không có nghĩa là kém cỏi, thất bại mà bỏ cuộc mới là

Bạn nghĩ Warren Buffett đã thất bại bao nhiêu lần trong đời đầu tư của mình, rồi Thomas Edison đã tốn bao nhiêu tiền cho vô vàn thí nghiệm hỏng, hay Cristiano Ronaldo đã đá hỏng và thua bao nhiêu trận trong sự nghiệp? Những thất bại này có khiến họ trở thành kẻ thua cuộc?

Thắng thua là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi. Thất bại không có nghĩa là bạn không tài năng và kém cỏi, chỉ khi bạn bỏ cuộc sau thất bại mới là. Đừng tự suy diễn, hãy là chính mình, có suy nghĩ tích cực thay vì những ý nghĩ tự dìm bản thân. Luôn giữ những lời khen tích cực và tự động viên chính mình.

*Nguồn: ABC.net

Cùng chuyên mục

Đọc thêm