Với số tiền 700 triệu đồng trong tay, chưa biết đầu tư kinh doanh vào đầu nên anh Nguyễn Khôi, quê tại Nam Định, hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội quyết định mua đất với tâm lý “ăn chắc mặc bền”. Theo anh Khôi tính toán, đầu tư chứng khoán hơi mông lung, đặc biệt thời gian gần đây thị trường liên tục lao dốc, kinh doanh thì phải có kinh nghiệm và đòi hỏi phải tập trung thời gian, công sức. Tuy nhiên, do vẫn làm theo công ty nên anh tính chỉ có mua đất là vừa đảm bảo không mất vốn cũng có nhiều khả năng sẽ kiếm được lời cao. Vậy nên anh chọn đổ hết tiền nhàn rỗi vào mua đất nền.
“Đất lên giá nhanh quá, quanh khu vực quê tôi giờ giá đất tăng mấy chục phần trăm chỉ sau có 1 - 2 năm. Nhiều người có tiền tiền đi mua đất cả vài trăm đến nghìn m2, tôi có ít tiền thì mua tầm mấy chục m2 để đó. Cũng không phải mục tiêu lướt sóng kiếm lời, nên lô đất nào vị trí ổn, sổ đỏ đàng hoàng, giá phải chăng thì mua để dành. Theo tôi về lâu về dài giá đất vẫn có thể tăng, khó giảm được”, anh Khôi nói.
Theo anh Khôi phân tích, hiện ngân hàng có động thái siết tín dụng vào bất động sản nên những mảnh đất giá còn rẻ sẽ được ưu chuộng với nhà đầu tư có vốn mỏng. “Khi đó, người mua sẽ sử dụng hoàn toàn tiền thật, không sử dụng đòn bẩy tài chính. Do vậy, dù thị trường có thể không sôi động nhưng kể cả đi ngang một thời gian thì cũng không cần lo lắng cắt lỗ”, anh Khôi nói.
Cùng chung lựa chọn loại hình đất nền, chị Nguyễn Thu Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) đang tìm đất tại Hải Phòng cho biết, với tài chính dưới 1 tỷ đồng, chỉ có về mấy tỉnh mua đất đất nền chứ rất khó mua căn hộ, nhà riêng tại thành phố.
Vợ chồng chị đã tích góp gần 4 năm nay mới được số tiền 900 triệu đồng với dự định mua nhà mà ở Hà Nội chưa kiếm được căn hộ cũ phù hợp. Lo lắng vì tiền có thể mất giá, chị Huyền để dành mua đất và cũng không đủ tiền mua trong các dự án lớn mà chỉ mua đất thổ cư ở các dự án nhỏ hoặc trong khu dân cư.
“Về An Lão, An Dương chịu khó kiếm vẫn có nhiều nền đất 60 - 80m2, có sổ đỏ đàng hoàng mà giá tầm 800 - 900 triệu đồng. Các lô này không nằm ở trung tâm nhưng vẫn trong phạm vi khu dân cư hiện hữu, có người sinh sống, có đường xá, điện nước và chợ trường đông đúc, tôi mua để dành về lâu về dài”, chị Huyền chia sẻ.
Không giống những nhà đầu tư nhiều vốn, có kinh nghiệm, những nhà đầu tư nhỏ không ngại khai phá các thị trường mới. Những nhà đầu tư tay ngang có nguồn vốn để dành vừa phải, chưa định hướng được con đường đầu tư kinh doanh, lại lo sợ lạm phát khiến tiền mất giá và chọn gửi tiền vào đất nền, nhất là đất nền giá rẻ ở vùng ven với kỳ vọng đảm bảo tài sản và có thể kiếm lời từ đất.
Theo tìm hiểu thấy khá nhiều nhà đầu tư nhỏ từ Hà Nội về Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng, Thái Nguyên,... tìm mua đất nền. Tầm tài chính được hỏi mua nhiều nhất là các sản phẩm đất có giá trị dưới 1 tỷ đồng. Tại các khu vực này hiện còn khá nhiều quỹ đất nền với tầm giá bán từ 6 - 9 triệu đồng/m2 nên nhà đầu tư nhỏ, vốn liếng không nhiều có xu hướng tìm về đây mua.
Theo báo cáo quý I/2022 của Batdongsan.com.vn, đất nền được tìm kiếm nhiều hơn thời điểm trước dịch COVID-19, tuy nhiên giảm so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là loại hình bất động sản phục hồi nhanh nhất sau mỗi đợt dịch bệnh bùng phát.
Loại hình đất và đất nền dự án có mức độ quan tâm tăng ở nhiều tỉnh thành. Lượt tìm kiếm đất nền trong quý I vẫn tăng 4% so với đợt năm 2019, nhưng giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tại miền Bắc, mức độ quan tâm đến đất thổ cư tại một số khu vực như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng,... có sự sụt giảm nhưng giá rao bán vẫn tăng lần lượt 35%, 16% và 29% so với mức giá trung bình cả năm 2021. Giá rao bán đất thổ cư cũng tăng đồng loạt tại các huyện vùng ven Hà Nội như Chương mỹ (74%), Quốc Oai (26%), Gia Lâm (21%), Đông Anh (20%),...
Trái lại, đất nền miền Trung ghi nhận mức độ quan tâm tăng 14%, một số địa phương như Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Thuận ghi nhận tăng mạnh lần lượt 58%, 48%, 44%. Mặt bằng giá rao bán đất nền cũng ghi nhận tăng so với năm ngoái, trong đó, Thanh Hóa tăng 35%, Khánh Hòa tăng 26% và Bình Thuận tăng 13%.
Còn tại phía Nam, mức độ quan tâm đến đất nền ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm ngoái ở nhiều nơi như TP HCM (15%), Cần Thơ (40%), Bình Dương (13%), Đồng Nai (13%), Bà Rịa - Vũng Tàu (16%),... Tuy nhiên, giá rao bán vẫn tăng 27% tại Bình Dương, 23% tại Bình Phước, 13% tại Long An, 7% tại Đồng Nai,...
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở trong tình trạng mất cân bằng cung cầu khá nghiêm trọng. Bằng chứng là trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên thế giới nhưng chỉ cần dịch lắng xuống là thị trường bất động sản lại bùng lên. Ngay cả ở những thời điểm dịch bệnh căng thẳng thì công nghệ trong lĩnh vực bất động sản lại phát triển mạnh, giúp kích thích thị trường.
Từ năm 2021, rất nhiều dòng vốn được rút ra từ các lĩnh vực kinh tế khác để chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư hiệu quả như bất động sản. Do đó, thị trường ngày càng xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0 hay còn gọi là các nhà đầu tư tay ngang.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, những thông tin tổng quan về tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản Việt Nam quý I/2022. Theo đó, nền kinh tế phát triển ổn định trong quý với mức tăng trưởng GDP tốt hơn cùng kỳ 2020 và 2021, đạt 5,03%. Đáng chú ý, trong khi FDI đăng ký toàn ngành giảm 12% so với cùng kỳ năm trước thì vốn FDI đổ vào bất động sản tăng 213%. Số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới cũng tăng 47% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Quốc Anh cũng dẫn số liệu so sánh với thời điểm năm 2010 để thấy nền kinh tế năm 2022 dự báo sẽ tăng trưởng ổn định và bền vững khi vốn đầu tư được quản lý chặt chẽ, có trọng tâm; lãi suất ổn định và kinh tế bắt đầu hồi phục tốt sau hơn 2 năm dịch bệnh.
Với thị trường bất động sản, Chính phủ đang từng bước minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững. Trong khi đó, theo khảo sát do Batdongsan.com.vn thực hiện, người mua nhà tiếp tục đánh giá tích cực về thị trường bất động sản sau Tết âm lịch. Bất động sản được lựa chọn là kênh đầu tư ưu tiên so với phần còn lại như vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm…