Kế hoạch của cô gái 18 tuổi cách đây gần bốn năm là chờ tới đêm rồi trốn khỏi nhà người đã bắt mình. Nhưng điện thoại đã bị thu mất, xung quanh không có đèn, đường lại toàn vách núi nên kế hoạch bị phá sản. Để tránh bị xâm hại, Sơ thức trắng hai đêm kể cả khi bị họ ép buộc, thậm chí đánh đập. Khi gọi điện được cho bố mẹ, thuyết phục gia đình người "kéo vợ" đưa về nhà, Sơ vẫn không tin vào may mắn này bởi chưa cô gái nào trong bản bị bắt mà được trở về.
Vài tháng sau đó Sùng Thị Sơ, sinh năm 2002, quê huyện Trấn Yên đã đỗ Đại học Luật Hà Nội với số điểm 28,5. Cùng năm, cô được trao giải học sinh, sinh viên dân tộc xuất sắc nhất năm học 2020-2021.
"Sau ba lần bị bắt làm vợ, tôi quyết tâm thi vào ngành Luật. Tôi muốn những bạn gái vùng sâu vùng xa như mình được đi học, được tôn trọng và tự do lựa chọn trong hôn nhân", Sơ nói.
Sùng Thị Sơ là con thứ hai trong gia đình thuần nông có 5 chị em. Nhà nghèo, cơm không đủ ăn nên từ lúc bé xíu cô bé đã biết lên nương làm rẫy, tự may vá thêu thùa quần áo. 6 tuổi, hàng ngày Sơ vượt gần chục km đường núi lên rừng chăn lợn. Có hôm đi học về muộn, tới nơi đã gần nửa đêm đành ngủ lại giữa rừng.
Làm lụng vất vả nhưng thu nhập của gia đình chỉ phụ thuộc vào bắp ngô, củ sắn trên nương nên chị cả phải nghỉ học từ sớm. Có lần, cô giáo đến nhà thu 70.000 đồng học phí nhưng không có tiền đóng, bố mẹ định cho Sơ nghỉ giống chị. Giáo viên thấy vậy động viên, nói Sơ học tốt sau này có thể giúp gia đình thoát nghèo.
"Nghe tới từ 'thoát nghèo' tôi càng quyết tâm đi học", Sơ nhớ lại. Ngày nào cô bé cũng dậy thật sớm, nhanh chóng làm hết việc nhà rồi lôi sách vở ra học. Thấy con gái chăm chỉ, thành tích lúc nào cũng đứng đầu lớp, bố mẹ nhìn nhau động viên "Con bé ham học thế thì người lớn cũng phải cố gắng".
Dù học giỏi, đỗ vào trường nội trú huyện nhưng Sơ vẫn trở thành nạn nhân của tục "kéo vợ" trong cộng đồng người Mông ở Trấn Yên, Yên Bái.
Năm lớp 8 khi đang du xuân, Sơ bị một người con trai lạ ở bản bên kéo đi, may mắn được sự giúp đỡ của hàng xóm nên trốn thoát. Lần thứ hai, trước khi nhập học lớp 10, cô bé tiếp tục bị trai làng khác kéo về làm vợ. Lần này Sơ được thanh niên trong bản kịp thời ứng cứu, dù sau đó một người bạn bị đâm trọng thương.
"Đáng sợ nhất là lần thứ ba, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Lần bắt vợ đó suýt cướp mất cả tương lai của tôi", Sơ nhớ lại.
Tháng 5/2020 khi bắt đầu có lệnh giãn cách vì Covid-19, cô gái đang ở nhà ôn thi bỗng có hai người con trai lạ đến rủ đi chơi. Sơ lập tức từ chối vì biết tin họ đã dò hỏi về mình. Thấy không ai ở nhà, hai người liền cưỡng chế rồi kéo Sơ lên xe máy. Cô bị tịch thu điện thoại, kẹp giữa hai người, không thể vùng vẫy, phản kháng.
Biết một lần nữa bị bắt làm vợ, trên đường đi nhiều lúc Sơ định nhảy khỏi xe, lao xuống vách núi. Xong nghĩ nếu ngã sẽ bị thương, ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học cận kề, cô đành ngồi yên chờ tìm cơ hội.
Cơ hội đến vào ngày thứ hai khi mẹ của người "kéo vợ" sai con trai đi phun thuốc cho ruộng lúa. Lúc này, Sơ xin đi cùng vì biết quãng đường đến cánh đồng gần đường quốc lộ, có cơ hội bỏ chạy. Cô cũng xin lại điện thoại của mình với lý do gọi tới nhà trường kiểm tra lịch học sau đợt giãn cách. Được đáp ứng, chờ lúc đi ra khỏi nhà, cô gái trốn ra một góc rồi gọi điện cho bố, nói rằng bản thân không đồng ý với cuộc hôn nhân này.
Với người dân tộc Mông, khi con gái bị "kéo vợ", bố mẹ sẽ phải thuận theo nhà trai. Nhưng thấy Sơ tha thiết được đi học, bố cô đã gọi điện cho gia đình kia thuyết phục đưa con gái trở lại nhà vờ là "để bàn chuyện cưới xin". Về nhà an toàn, Sơ cương quyết không trở lại nhà kẻ đã bắt mình, dù sau đó liên tục bị dọa dẫm.
Bị "kéo vợ" tới ba lần mà vẫn chưa chịu lấy chồng, Sơ bị dân làng dị nghị, thậm chí dè bỉu. Họ cho rằng cô là đứa con gái không ra gì, sau này chẳng ai ngó ngàng tới. Thậm chí có người còn mắng bố mẹ Sơ ngu dại vì để con gái học cao, không giúp đỡ được cho gia đình bởi sau này cũng phải đi lấy chồng.
Thời gian đó Sơ không dám bước chân ra khỏi nhà. Cô thức trắng nhiều đêm, phần thương bố mẹ, phần thương chính mình vì không thể tự quyết định được cuộc đời. Đã có lúc cô gái muốn tìm đến lá ngón để kết thúc, nhưng rồi lại không cam tâm.
"Bao năm khát khao được đi học, không thể từ bỏ vì những khó khăn nhất thời", Sơ tự nhủ nếu không ai dám tiên phong sẽ không có sự thay đổi. Cuối cùng, khát vọng được đi học vẫn lớn hơn nỗi sợ hãi bởi những dị nghị hay ánh mắt xem thường từ mọi người.
Tự vực dậy tinh thần, Sơ lao vào ôn thi đại học. Trước đây cô từng mong trở thành giáo viên nhưng giờ lại khát khao trở thành luật sư để giúp đỡ những phụ nữ yếu thế như mình.
Vào được đại học, để có tiền học và sinh sống tại Thủ đô, Sơ làm thêm 3-4 việc một lúc. Hàng ngày cô thức dậy từ 5h sáng học bài rồi đến trường, thời gian còn lại làm đủ thứ nghề, từ giúp việc, dọn vệ sinh cho đến công việc văn phòng. Một ngày của cô gái này chỉ kết thúc khi trời đã tối muộn. Với số tiền kiếm được, ngoài tự trang trải học phí, Sơ còn gửi về nhà nuôi hai em trai đang học phổ thông.
Thấy Sơ làm việc không ngừng nghỉ, bạn bè thường gọi đùa cô là "siêu nhân". Bạn cùng lớp đại học Trần Thị Thảo từng nhiều lần đặt câu hỏi: "Vất vả như vậy, Sơ thấy mệt không?" thì nhận được câu trả lời: "Mình phải cố gắng gấp 10 lần những bạn khác, cậu biết mà".
"Không chỉ đi học, đi làm, Sơ còn tham gia nhiều các hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em. Việc nào bạn cũng làm rất tích cực và hết mình", Thảo nhận xét.
Bốn năm sinh viên, Sùng Thị Sơ đã tham gia rất nhiều hoạt động khác nhau. Cô là một trong hai đại diện Việt Nam tại Hội thảo về phòng chống tảo hôn khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 15 thành viên Đông Nam Á của Quỹ Spark thuộc Quỹ Trẻ em Toàn cầu. Ngoài ra, Sơ còn là đại biểu các hội nghị như: Sáng kiến thanh niên tiên phong của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc; bàn tròn thanh niên về phát triển của Liên Hợp Quốc.
Với những nỗ lực của mình, cô gái Mông từng đạt học bổng của chính phủ Đức dành cho sinh viên nghèo vượt khó.
Từ một cô gái chỉ quanh quẩn bên bản làng, nương rẫy, hiện Sơ đã đến nhiều nơi trên thế giới, được thuyết trình những hoạt động xã hội với bạn bè quốc tế. Đây là điều mà chính cô thừa nhận "trước đây chưa bao giờ dám nghĩ tới".
Mục tiêu tương lai của cô gái này là trở thành luật sư bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là phụ nữ vùng cao - những người ít khi ra khỏi cộng đồng.
Dù con đường phía trước còn nhiều khó khăn vì phải lo kinh tế cho gia đình nhưng Sùng Thị Sơ luôn khẳng định: "Cứ đi thật vững, phía trước ắt sẽ có đường".